Tướng lĩnh Liên Xô bị xử bắn: Chết rồi vẫn bị tuyên án tử

Hoàng Anh |

Với những cuộc xử bắn các tướng lĩnh cấp cao, người ta muốn cho quân đội rằng đây là một cuộc truy quét truyền thống trên ngưỡng cửa cuộc chiến tranh lớn tiếp theo.

LTS: Sau Thế chiến 2 rất nhiều tù binh Xô Viết được trao trả cho phía Liên Xô, trong đó có nhiều cán bộ quân sự và an ninh cao cấp. Ban lãnh đạo Xô Viết đã xử lý việc này thế nào? Xác minh, thẩm tra tư cách, tìm ra những kẻ phản bội đất nước và xét xử họ, phục hồi cho những người có công v.v...

Bài viết mang tựa đề: "Товарищи генералы? Расстрелять! - Các đồng chí cấp tướng ư? Hãy xử bắn!" của tác giả Vladimir Voronov đăng trên Tạp chí "Sovershenno sekretno", No.8/291 ngày 29.7.2013 dựa trên tư liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử Nga đã hé lộ một phần câu chuyện phức tạp này.

------

Kỳ 1: Bí mật những "căn hầm xử bắn" ở Liên Xô: Nơi hàng loạt tướng lĩnh gục ngã vì đạn "quân mình"

"Những kẻ phản bội"

Dựa trên các bằng chứng thu thập được sau này thì các tướng Artemenko, Kirillov, Ponedelin, Beleshev, Krupennikov, Sivaev, Kirpichnikov và tư lệnh bậc lữ đoàn Lazutin không thể bị liệt vào băng nhóm "phản quốc" dù bất kỳ cách nào. Mặc dù bị giam giữ, họ không hợp tác với kẻ thù.

Tuy nhiên, thiếu tướng không quân Mikhail Beleshev khi đó vẫn bị coi là có tội, bởi thực tế ông là chủ nhiệm không quân của tập đoàn quân xung kích 2, tập đoàn quân do Vlasov chỉ huy. Mặc dù dữ liệu về sự hợp tác của ông với người Đức không có.

Thiếu tướng Pavel Artemenko, phó tư lệnh hậu cần tập đoàn quân 37, bị bắt làm tù binh trong "vạc dầu Kiev".

Khi ông được người Mỹ giải phóng, suy kiệt vì loạn dinh dưỡng. Ông đã vượt qua cuộc kiểm tra đặc biệt của cơ quan an ninh một cách thành công: Ngay năm 1945 Artemenko đã được phục hồi với cấp bậc thiếu tướng trong đội ngũ Các lực lượng vũ trang Liên Xô.

Hơn nữa, ngoài huân chương Cờ Đỏ ông đã có từ năm 1938, tướng Artemenko còn được trao thêm hai huân chương vào năm 1946: huân chương Cờ Đỏ vì 20 năm phục vụ mẫu mực và huân chương Lenin cho 25 năm phục vụ.

Nếu các nhân viên an ninh có chút nghi ngờ nào đó về sự gương mẫu và lòng trung thành của tướng Artemenko trong điều kiện bị cầm tù, sẽ không thể nói về những phần thưởng như vậy. Tuy nhiên, có lẽ chính một số phát ngôn "nghịch nhĩ" đã làm hại ông - ví dụ như các đánh giá của ông về nguyên nhân dẫn tới thất bại trong năm 1941 ...

Chủ nhiệm pháo binh quân đoàn bộ binh 61 thuộc tập đoàn quân 13 PDQ Miền Tây, tư lệnh bậc lữ đoàn Nikolai Lazutin bị bắt làm tù binh tháng 7 năm 1941. Nếu có bằng chứng về việc vị tư lệnh bậc lữ đoàn thực sự là kẻ thỏa hiệp với quân thù, người ta sẽ không phục hồi danh dự cho ông vào năm 1956.

Tướng lĩnh Liên Xô bị xử bắn: Chết rồi vẫn bị tuyên án tử - Ảnh 1.

Cùng với chiến thắng Kurd vào năm 1943, chiến thắng trong chiến dịch Bagration đã xóa bỏ mọi hy vọng về việc chiếm lại thế thượng phong của quân Đức tại Mặt trận phía Đông.

Chủ nhiệm thông tin liên lạc tập đoàn quân 24 PDQ Dự bị, thiếu tướng Maksim Sivaev, bị bắt làm tù binh sau khi tập đoàn quân bị hợp vây tháng 10 năm 1941 gần Vyazma.

Nhân viên an ninh cáo buộc ông tội phản quốc dưới hình thức đầu hàng tự nguyện và tiết lộ các bí mật vận tải quân sự cho người Đức, nhưng không có một bằng cớ nào chứng minh điều này, và đến năm 1957, người ta đã lặng lẽ phục hồi danh dự cho ông.

Thiếu tướng Ivan Krupennikov tham mưu trưởng tập đoàn quân cận vệ 3 PDQ Tây Nam, bị bắt làm tù binh trong giai đoạn kết thúc Trận chiến Stalingrad tháng 12/1942: các đơn vị Đức, chọc thủng được vòng vây đoạn Sredny Don, đánh chiếm bộ tham mưu tập đoàn quân cận vệ 3. Nhưng vị tướng tù binh không hợp tác với người Đức.

Cũng giống như vậy, thiếu tướng Vladimir Kirpichnikov, tư lệnh sư đoàn bộ binh 43, không hợp tác với những người Phần Lan đã bắt ông làm tù binh.

Là một người chỉ huy tác chiến, đã nhận huân chương Sao Đỏ vì phục vụ ở Tây Ban Nha và Huân chương Cờ Đỏ cho cuộc chiến tranh Phần Lan, "lỗi lầm" của ông, nếu có, chỉ ở một việc: khi bị người Phần Lan thẩm vấn, ông đã nói quá tốt về quân đội Phần Lan.

Như Abakumov (Giám đốc cơ quan phản gián Liên Xô thời kỳ này) sau đó đã viết trong một báo cáo cho Stalin, "ông ta xúc xiểm chính phủ Liên Xô, Hồng quân, bộ chỉ huy cấp cao của nó và tán dương những hoạt động của quân đội Phần Lan". Với những đánh giá như vậy, vị tướng đã không thể giữ được tính mạng của mình.

Còn với tướng Ponedelin, cựu tư lệnh tập đoàn quân 12 của PDQ Nam, tập đoàn quân đã biến mất gần Uman, và tướng Kirillov, tư lệnh quân đoàn bộ binh 13 của tập đoàn quân này, thậm chí tình hình còn khó khăn hơn.

Ngay từ ngày 16 tháng 8 năm 1941, mệnh lệnh số 270 của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Tối cao đã tuyên: Các tướng Ponedelin và Kirillov là những kẻ thay lòng, phản bội và những tên đào ngũ, tự nguyện đầu hàng và vi phạm lời tuyên thệ phục vụ.

Ponedelin bị cáo buộc "có đầy đủ cơ hội để thoát về với quân mình, như phần lớn các đơn vị thuộc tập đoàn quân của ông đã làm được.

Nhưng Ponedelin không thể hiện sự kiên trì cần thiết và ý chí giành chiến thắng, ông ta đã hoảng loạn, sợ hãi và đầu hàng kẻ thù, đào ngũ về với kẻ thù, do đó đã phạm tội chống lại Tổ quốc như một kẻ vi phạm lời thề quân nhân".

Nhưng cáo buộc này hoàn toàn không đúng thực tế. Không có việc "phần lớn các đơn vị thuộc tập đoàn quân của tướng Ponedelin thoát được về chiến tuyến Xô Viết. Đa số họ đã biến mất trong "vạc dầu Uman" sau khi bị bắt làm tù binh. Ponedelin cũng không ngoại lệ, ông không có cơ may nào để đào thoát trở về.

Thiếu tướng Kirillov cũng như vậy. Phần buộc tội của ông viết "thay vì hoàn thành nghĩa vụ của mình trước Tổ quốc, tổ chức các đơn vị được giao phó cho ông ta để kiên cường chống lại kẻ thù và thoát khỏi vòng vây, ông ta đã đào ngũ khỏi chiến trường và đầu hàng kẻ thù.

Kết quả là, các đơn vị của quân đoàn bộ binh 13 bị tan vỡ, và một số trong số đó, chưa hề kháng cự quyết liệt đã đầu hàng làm tù binh".

Mệnh lệnh số 270 còn nhắc đến tư lệnh tập đoàn quân 28, trung tướng Vladimir Kachalov. Tài liệu này cho rằng ban tham mưu của tướng Kachalov đã "thoát khỏi vòng vây", nhưng bản thân ông thì "thể hiện sự hèn nhát và đầu hàng trước bọn phát xít Đức ... ông ta thích đầu hàng làm tù binh, thích đào ngũ sang với kẻ thù".

Trong thực tế, trung tướng Kachalov đã chết gần hai tuần trước khi mệnh lệnh này ban hành – ông chết gần Roslavl, vì một viên đạn pháo bắn thẳng trúng chiếc chiếc xe tăng, chở người tư lệnh tập đoàn quân đang dẫn đầu số tàn quân còn lại của tập đoàn quân mà ông chỉ huy thực hành phá vây.

Vị tướng đã chết một cách anh hùng không chỉ bị vu khống bởi cấp trên của mình, mà ngày 26 tháng 9 năm 1941, dù đã hy sinh, ông vẫn bị kết án tử hình vắng mặt. Gia đình ông sau đó đã rơi vào tình trạng rất thống khổ.

Vào ngày 13 tháng 10 năm 1941, Ponedelin và Kachalov bị kết án tử hình vắng mặt, gia đình họ cũng gặp hoàn cảnh bi đát. Theo đúng mệnh lệnh số 270, trong đó tuyên bố rằng các gia đình của các vị tướng này "bị bắt giữ như gia đình của những kẻ đã vi phạm lời tuyên thệ và đào ngũ phản bội Tổ quốc của mình".

Thực tế mệnh lệnh đã tuyên án: tất cả những người bị bắt làm tù binh đều là những kẻ phản bội. Và do đó tất cả mọi người có nghĩa vụ "tiêu diệt chúng bằng mọi cách, cả trên mặt đất lẫn trên không, và tước bỏ của gia đình những kẻ đầu hàng làm tù binh chúng mọi lợi ích và sự hỗ trợ của nhà nước".

Và mặc dù tài liệu tàn nhẫn này không được công bố tại thời điểm đó, nó chứa đựng những từ sau: "Mệnh lệnh được đọc tại tất cả các đại đội, phi đội, khẩu đội, phi đoàn, hải đội và các ban tham mưu".

Toàn bộ quân đội đều được thông báo rằng: Ponedelin và Kirillov là những kẻ tráo trở và kẻ phản bội, bị kết án tử hình vắng mặt.

Dầu còn được đổ thêm vào lửa, khi người Đức lợi dụng việc bắt được các tướng lĩnh để gây chia rẽ nội bộ Hồng quân. Chúng chụp ảnh Ponedelin và Kirillov cùng với các sĩ quan Đức rồi sau đó ném tờ rơi có những bức ảnh này vào các vị trí của quân đội Liên Xô.

Sau Chiến thắng, sự thật mới dần được làm sáng tỏ. Các tướng lĩnh kể trên đã xử sự trong tù một cách rất dũng cảm, từ chối hợp tác với người Đức và Vlasov, mặc dù họ biết rất rõ rằng mình đã bị tuyên bố là kẻ hèn nhát, tráo trở, là kẻ phản bội và bị kết án tử hình vắng mặt.

Tướng lĩnh Liên Xô bị xử bắn: Chết rồi vẫn bị tuyên án tử - Ảnh 3.

Diễu hành kỷ niệm 75 năm cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm 1941.

Cuộc thanh trừng trước trận chiến

Cùng bị xử bắn vào năm 1950 còn có một số chỉ huy chưa từng bị bắt làm tù binh như Khudyakov, Kulik, Gordov, Rybalchenko, Belianchik, Bondarenko...

Tất cả bị giết vì những tội danh "tưởng tượng" như phản quốc, xúc xiểm chống Liên Xô, có ý đồ khủng bố chống lại ban lãnh đạo Liên Xô...

Thật vô nghĩa khi tìm kiếm một logic chính thức ở đây. Người ta nói rằng, lãnh tụ Xô Viết khi đó cần phải bao vây những người chỉ huy quân sự của mình, những người không chỉ bị coi là có thái độ hành xử kiểu "công thần", mà còn là nguồn cơn những cuộc cười nhạo, chế giễu, phê phán lãnh đạo.

Bài học đầu tiên được người ta lấy làm mẫu mực là khi bắt giữ Nguyên soái Không quân Khudyakov hồi tháng 12 năm 1945, và vào năm 1946 một "vụ án không quân" chính thức được mở ra, với cái giá là các vị trí (và cả tự do) của cả một nhóm các nguyên soái và tướng lĩnh không quân.

Mùa hè năm 1946, một "vụ án chiến lợi phẩm" được khởi xướng chống lại nguyên soái Zhukov được bắt đầu.

Tướng lĩnh Liên Xô bị xử bắn: Chết rồi vẫn bị tuyên án tử - Ảnh 4.

Georgy Zhukov – Một Nguyên soái kiệt xuất, Một số phận bi hùng.

Trong đó, vị nguyên soái bị buộc tội theo chủ nghĩa quân phiệt "Bonapartism" và thổi phồng công lao trong việc đánh bại người Đức. Ông bị cách chức Tổng tư lệnh Lục quân, phái đi đảm nhiệm một vị trí không lấy gì danh giá - đến Quân khu Odessa.

Sau đó đến "vụ án các thủy sư đô đốc" – rơi vào bẫy là vị Tổng tư lệnh Hải quân huyền thoại Kuznetsov… Một số nhà quan sát sau này cho rằng, sở dĩ nguyên soái Zhukov không bị rơi vào cuộc thanh trừng là vì ông (cũng như một số chỉ huy quân sự khác) vẫn còn "hữu dụng" - khi mà cuộc chiến tranh chống lại Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch.

Tướng lĩnh Liên Xô bị xử bắn: Chết rồi vẫn bị tuyên án tử - Ảnh 5.

Tổng tư lệnh huyền thoại Kuznetsov của Hải quân Liên Xô.

Năm 1950, việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này đã đến hồi sôi nổi nhất, và có lẽ Stalin thấy cần chứng tỏ cho giới chóp bu quân sự biết bàn tay của ông vẫn cứng rắn như hồi năm 1937. Đó là lý do tại sao "những kẻ ba hoa" như Kulik và Gordov, những người mà băng ghi âm cho thấy họ đã chỉ trích Stalin thậm tệ, bị xử bắn.  

Bằng những cuộc xử bắn trong tháng 8 đó, cũng như trong cả năm 1950, người ta muốn cho giới tướng lĩnh hiểu rằng đây là một cuộc truy quét truyền thống trên ngưỡng cửa cuộc chiến tranh lớn tiếp theo.

Và trong cuộc chiến này, sẽ không có sự nhượng bộ nào cho bất kỳ ai - dù đó là "những kẻ ba hoa nghi ngờ sự sáng suốt của lãnh tụ" hay những kẻ muốn "phá rào".

Không phải ngẫu nhiên mà trong bản án tử hình thiếu tướng Philip Rybalchenko, người được xếp cùng phe với Kulik và Gordov, có tuyên rằng ông là "người ủng hộ việc khôi phục chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô, tuyên bố cần phải lật đổ chính quyền Xô Viết", và còn "nhằm mục tiêu của kẻ thù cố gắng xóa bỏ bộ máy công tác chính trị trong QĐ Liên Xô".

Trước nguy cơ một cuộc chiến lớn với đối thủ sừng sỏ - Hoa Kỳ, việc củng cố quyền lực trong quân đội được lãnh đạo Liên Xô khi đó cho là cần thiết. Và nó bắt đầu bằng việc đập tan sự cấu kết kiểu tập đoàn của giới quân sự, loại bỏ những thành phần có thể chống đối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại