Sau cuộc đối đầu dữ dội tại thung lũng Galwan với quân đội Trung Quốc PLA, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định điều chỉnh quy tắc giao chiến tại Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). Theo đó, các chỉ huy chiến trường có quyền tự quyết, được phép sử dụng súng trong những tình huống đặc biệt.
Thiếu tướng Trương Thiệu Trung - người được cho có quan điểm "diều hâu" trong PLA cho rằng, thay đổi này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn bởi việc sử dụng súng và đạn dược, rất dễ biến nguy cơ thành xung đột và sau đó leo thang thành chiến tranh cục bộ.
Theo ông này, Ấn Độ đưa ra quyết định mới là do lực lượng chủ lực Gurkha chưa xuất hiện tại LAC.
"Các chiến binh Gurkha [trong quân đội Ấn Độ] là một lực lượng vũ trang dũng mãnh, táo bạo và trung thành, thuộc số ít tinh hoa trong lực lượng quân đội Anh và Ấn Độ có thể chiến đấu trong những trận chiến khó khăn, có sức mạnh và có thể đối đầu trực diện với cường quốc lục quân truyền thống....", tướng Trung Quốc cho biết ông đánh giá rất cao các chiến binh Gurkha.
Ông cho hay, do môi trường sống và truyền thống văn hóa nên người lính Gurkha rất giỏi về cận chiến (đánh giáp lá cà) và thiện chiến trên các chiến trường có địa hình đồi núi.
Tuy nhiên, tướng Trung Quốc cho rằng, trong các trận chiến lịch sử Trung-Ấn từ thời Càn Long hay chiến tranh Trung-Ấn 1962, dù có sự tham gia của các chiến binh Gurkha thì quân đội Ấn Độ đều không thể đánh bại được quân đội Trung Quốc.
Do đó, ông này đã đưa ra lời cảnh báo với quân đội Ấn Độ rằng, dù có là dũng sĩ thiện chiến nhưng nếu "xâm phạm" Trung Quốc thì: "PLA nhất định sẽ khiến họ đến thì đứng mà về thì nằm".