Theo một nghiên cứu, có tới 1/3 người trẻ đang thiếu kiến thức về tài chính, kỹ năng quản lý tiền bạc và sự ổn định thu nhập.
Học cách quản lý tiền hiệu quả và đưa ra những quyết định tài chính hợp lý khi còn trẻ là thứ mà bất kỳ ai cũng nên học. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tự giáo dục bản thân về vấn đề này, để không gặp rắc rối trong thế giới thật.
Dưới đây là 11 sai lầm tiền bạc mà nhiều người trẻ thường mắc.
1. Cố gắng đua đòi theo bạn bè giàu có
Khi đi chơi cùng những người giàu có hơn mình, chúng ta thường có xu hướng đua đòi theo họ. Dù không có tiền, chúng ta vẫn chẳng ngại chi cho những bộ quần áo hàng hiệu, những chiếc xe đời mới, những chuyến du lịch sang chảnh…
Bạn cần biết đâu là giới hạn của mình; đừng vì muốn "bằng bạn bằng bè" mà khiến mình rơi vào cảnh nợ nần. Suy cho cùng, mỗi người đều thành công và giàu có sở những thời điểm khác nhau trong đời. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo để không bị cuốn theo.
2. Sử dụng thu nhập kém hiệu quả
Việc quản lý tài chính hiệu quả là rất quan trọng, và bạn nên học điều này càng sớm càng tốt.
Để ổn định tài chính, bạn có thể áp dụng phương pháp 50/30/20 vô cùng đơn giản. Hãy dành 50% thu nhập để trả tiền nhà, thực phẩm, đi lại và hóa đơn. 20% thu nhập tiếp theo dùng để trả nợ và tiết kiệm. Với 30% còn lại, bạn có thể tùy ý mua những gì mình muốn.
3. Thường xuyên đặt đồ ăn bên ngoài
Khi thường xuyên phải ra khỏi nhà, hoặc không có thời gian để nấu một bữa tử tế, bạn sẽ dần quen với việc đặt đồ ăn bên ngoài hết lần này đến lần khác. Điều này có thể khiến bạn chi tiêu quá tay và đe dọa tình hình tài chính của bạn.
Thay vào đó, hãy chịu khó đi chợ, mua thực phẩm mình cần và tự nấu ăn mang đi. Nếu không biết nấu ăn, đừng ngại đi học.
4. Làm thẻ tín dụng quá sớm
Làm thẻ tín dụng từ sớm có lợi cho lịch sử tín dụng của bạn, nhưng chỉ khi bạn tiêu tiền một cách có trách nhiệm. Nếu không thể trả tiền đúng hạn mỗi tháng nhưng vẫn muốn mua nhiều đồ cần thiết và không cần thiết, bạn nên chờ tới khi có một công việc ổn định.
5. Không lên kế hoạch nghỉ hưu
Chẳng ai bận tâm về tương lai xa vời khi mới chỉ hơn 20 tuổi và còn cả cuộc đời trước mắt. Tuy nhiên, tư duy đó sẽ khiến bạn phải trả giá sau này. Bạn nên để dành một ít tiền ngay từ khi còn trẻ để có thể tận hưởng cuộc sống thoải mái lúc ốm đau về già.
6. Xem nhẹ bảo hiểm
Vào những năm 20-30 tuổi, chúng ta thường nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe. Thế nhưng, chẳng ai có thể chạy trốn khỏi bệnh tật, tai nạn, thảm họa và những biến cố bất ngờ trong cuộc đời.
Do đó, bạn không nên xem nhẹ bảo hiểm. Ví dụ, bảo hiểm nhà có thể giúp bạn tiết kiệm tiền nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, trộm cướp hay thiên tai. Bảo hiểm y tế có thể giúp bạn tiết kiệm cả triệu đồng nếu chẳng may bị bệnh. Bạn nên làm mọi thứ trong khả năng để tự bảo vệ mình.
7. Không dám thử thách bản thân
Bạn không thích công việc mình đang làm, nhưng lại sợ nghỉ việc vì không muốn mất đi một nguồn thu nhập ổn định và an toàn. Tuy nhiên, đừng ngại mạo hiểm khi vẫn còn trẻ, dù cho có phải làm lại từ đầu, đi lên từ vị trí thấp nhất.
Công việc mới có thể không đem lại thu nhập mong muốn, nhưng nếu đó là điều bạn muốn làm, đừng sợ sệt. Hãy dũng cảm bắt đầu từ con số 0 nếu điều đó có thể làm tương lai của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Tuổi 20-30 là thời điểm tốt nhất để học hỏi kỹ năng; bạn nên bắt đầu ngay từ bây giờ thay vì chờ tới khi quá già mới nhảy việc.
8. Nuôi thú cưng quá sớm
Sau khi ra ở riêng, nhiều bạn trẻ thường nuôi thêm thú cưng cho vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã có lợi.
Thú cưng là người bạn dễ thương có thể giúp chúng ta xua tan sự cô đơn và mệt mỏi thường ngày. Thế nhưng, chúng cũng đem lại không ít phiền toái và trách nhiệm. Thật ra nuôi thú cưng rất tốn kém, bởi chúng có quá nhiều nhu cầu như đồ ăn, đồ chơi, phí khám bệnh, phí tỉa lông nếu cần…
Những thứ này sẽ khiến bạn tốn một khoản không nhỏ. Vì vậy, bạn cần xem xét khả năng tài chính của mình trước khi nuôi thú cưng, bởi đó là một trách nhiệm vô cùng nặng nề.
9. Mua sắm cho vui
Nhiều khi, chúng ta mua sắm những thứ không cần thiết chỉ vì buồn chán. Sự thật là thói quen này chỉ khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ lúc ban đầu, chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Rốt cuộc, chúng ta chỉ đang lãng phí những đồng tiền mình vất vả lắm mới kiếm được, trong khi nhẽ ra nên để dành cho những thứ thực sự cần thiết.
Tự thưởng cho bản thân là điều tốt, nhưng phải được thực hiện một cách có trách nhiệm.
10. Dọn ra ở riêng quá sớm
Nhiều người trẻ trong độ tuổi 18-21 cho rằng họ nên dọn ra ở riêng và bắt đầu cuộc sống tự lập. Suy nghĩ này rất tốt, nhưng bạn cũng phải cẩn trọng.
Dọn ra ở riêng có nghĩa là bạn phải tự trả tiền nhà, tiền điện nước hàng tháng, tự nấu nướng, tự giặt giũ,... Bạn phải chấp nhận rằng nơi ở mới có thể không tiện nghi và thoải mái bằng ngôi nhà mình lớn lên.
Đây là những điều bạn nên xem xét trước khi đưa ra quyết định quan trọng nhất đời mình. Bạn có thể chờ tới khi có một công việc ổn định rồi mới chuyển ra ở riêng. Như vậy, bạn có thể sống thoải mái và có thời gian chăm sóc bản thân.
11. Cho rằng mình hiểu hết mọi thứ khi còn trẻ
Nhiều người trẻ cảm thấy căng thẳng và hoảng loạn khi phải đối diện với những vấn đề trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyện học tập, tiền thuê nhà,... Không phải ai cũng có khởi đầu tốt đẹp hay hiểu hết mọi thứ ngay lập tức.
Bạn muốn có một công việc tuyệt vời, lương cao, nhưng không phải lúc nào cũng được như ý. Bạn có thể sẽ phải nhảy việc, chuyển chỗ ở, sửa xe,... nhưng tất cả những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho bạn sau này.
Việc cảm thấy lạc lối là bình thường, bởi vì bạn sẽ sớm tìm ra câu trả lời cho riêng mình theo thời gian.