"Tước" từng đối tác ngoại giao khỏi Đài Loan: Chiến lược của Bắc Kinh tiềm ẩn rủi ro vì quá hiệu quả?

Tuệ Minh |

Cả quần đảo Solomon lẫn Kiribati hồi cuối tháng trước tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc Đại lục.

Chiến lược gây sức ép của Trung Quốc thu được hiệu quả lớn

Diễn biến trên khiến Đài Loan mất đi 2 mối quan hệ ngoại giao chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Đài Loan Joseph Wu chỉ trích Bắc Kinh tìm cách "kìm hãm và làm suy yếu hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế".

Hiện số lượng đối tác có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 15. Hòn đảo này đã mất 7 mối quan hệ ngoại giao về tay Đại lục, kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo vào năm 2016.

Trong khi chính quyền bà Thái chao đảo vì phải hứng chịu những "cú đòn" ngoại giao thì chính phủ Trung Quốc được cho là đã giành chiến thắng trong chiến lược cô lập ngoại giao toàn cầu đối với Đài Loan.

Chiến lược của Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục mang lại kết quả, bởi Đài Loan dường như không thể cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc - với tiềm lực vượt trội về mọi mặt, đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc xúc tiến chiến lược đầu tư và viện trợ ra nước ngoài, như một phần quan trọng trong sáng kiến Vành đai, Con đường do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Tuy nhiên, theo tác giả Travis Sanderson phân tích trên tạp chí The Diplomat, dù chiến lược của Trung Quốc đem lại hiệu quả cô lập Đài Loan về ngoại giao, song các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc lại không nhìn thấy mối nguy mà chiến lược này gây ra đối với các lợi ích của chính Bắc Kinh.

Sanderson cho rằng, thay vì thúc đẩy các cơ hội thống nhất Đài Loan với Đại lục, việc Trung Quốc cô lập Đài Loan trong lĩnh vực ngoại giao sẽ buộc đảo này cân nhắc các lựa chọn thay thế mới. Tiến trình này đã bắt đầu.

Tước từng đối tác ngoại giao khỏi Đài Loan: Chiến lược của Bắc Kinh tiềm ẩn rủi ro vì quá hiệu quả? - Ảnh 1.

Panama cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc Đại lục vào năm 2017 (Ảnh: Greg Baker/European Pressphoto Agency)

Đài Loan có thể ngày càng xa rời Đại lục

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, sau khi El Salvador cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 2018, người phát ngôn của Văn phòng lãnh đạo Đài Loan Alex Huang xác nhận rằng Đài Bắc đang xem xét mọi khả năng xảy ra, kể cả phải mất tất cả các đồng minh ngoại giao.

Chính quyền Đài Loan coi việc mất tất cả các đồng minh ngoại giao như một cuộc tấn công nhằm vào hòn đảo này, gây áp lực buộc chính quyền thay đổi các chính sách có thể dẫn đến việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đối với hòn đảo.

Bên cạnh đó, nếu Đài Loan bị cô lập trên phạm vi toàn cầu, Bắc Kinh sẽ khó tìm được bất kỳ đồng minh chính trị nào ở gần eo biển này. Có rất ít dấu hiệu cho thấy Quốc dân đảng (KMT) - đảng phái Đài Loan có xu hướng thân Bắc Kinh hơn so với đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền - sẽ cân nhắc vấn đề thống nhất với Đại lục trong tương lai gần.

Trong cuốn sách "Vì sao Đài Loan quan trọng?", học giả Shelley Rigger mô tả định nghĩa về thành công của KMT là "[kết hợp] một số hình thức thống nhất - không phải là sáp nhập vào Trung Quốc Đại lục, mà là đôi bên thông qua hiệp thương bình đẳng để hình thành một Trung Quốc mới cho phép bảo toàn hệ thống của Đài Loan".

Việc Trung Quốc áp dụng chính sách cô lập ngoại giao toàn cầu đối với Đài Loan có thể khiến cử tri của hòn đảo này xa lánh Đại lục hơn nữa, buộc KMT ngày càng thận trọng hơn với Bắc Kinh để duy trì sự cạnh tranh chính trị.

Trong khi đó, theo SCMP, cựu Viện trưởng Viện hành chính Đài Loan, cựu chủ tịch DPP Du Tích Khôn nói rằng cho dù Đài Loan không có đối tác ngoại giao theo tên gọi hiện nay của mình, song hòn đảo này vẫn có thể có được các đồng minh với tư cách là một thực thể.

Quan điểm của phe ủng hộ độc lập nhấn mạnh lợi ích kinh tế của việc phân phối lại các khoản viện trợ của Đài Loan cho các đồng minh cũ sẽ được chuyển sang cho chính người dân của mình.

Giới chính khách Đài Loan, vốn ngày càng hoài nghi trước sức ép lớn từ Bắc Kinh, sẽ tìm kiếm những lựa chọn mới - Travis Sanderson bình luận. Chiến lược cô lập ngoại giao đối với Đài Loan trên toàn cầu do đó tiềm ẩn rủi ro gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc trong dài hạn, làm mất cân bằng trật tự chính trị và hiện trạng của Đài Loan. Nếu không muốn Đài Loan ngày càng xa rời Đại lục, và để đạt được mục tiêu "thống nhất hòa bình" của ông Tập, Bắc Kinh dường như cần cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược sức ép ngoại giao mạnh mẽ hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại