Từng "tóm sống" J-20, Ấn Độ có thể dễ dàng bắn hạ tiêm kích tàng hình TQ nếu xung đột?

Vy Lam |

Giới phân tích Trung Quốc tin rằng tiêm kích tàng hình J-20 "có lợi thế về mặt thế hệ so với máy bay Ấn Độ, đây là một lỗ hổng hiện không thể thu hẹp bằng bất cứ phương thức nào".

Trong bối cảnh Ấn Độ tăng cường tích lũy lực lượng sau đụng độ với Trung Quốc ở biên giới, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng các tiêm kích MiG-29, Su-30, Mirage 2000 và Jaguar của Ấn Độ không phải là đối thủ của các tiêm kích nội địa do Trung Quốc sản xuất, như J-10C và J-16.

Bên cạnh đó, giới phân tích Trung Quốc tin rằng tiêm kích tàng hình J-20 "có lợi thế về mặt thế hệ so với máy bay Ấn Độ, đây là một lỗ hổng hiện không thể thu hẹp bằng bất cứ phương thức nào".

Hãng thông tấn Sputnik đã làm rõ hơn những nhận định trên trong cuộc phỏng vấn với chuyên gia phân tích quân sự - cựu binh Không quân Ấn Độ Vijainder K Thakur.

"Năm 2018, Tư lệnh IAF tuyên bố Su-30MKI đã phát hiện ra tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc ở vùng Himalayan. Điều này có khiến IAF tự tin rằng họ có ưu thế phòng không vượt trội so với Trung Quốc?" – Sputnik đặt câu hỏi.

Chuyên gia Thakur cho rằng, có vẻ PLAAF sẽ không triển khai tiêm kích J-20 cho các nhiệm vụ xuyên biên giới, trừ phi nổ ra chiến tranh toàn diện.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ không thu được lợi lộc gì nếu nổ ra chiến tranh toàn diện với Ấn Độ. Nếu có thì cuộc chiến đó sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập hơn nữa với phần còn lại của thế giới. Và đó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bắc Kinh.

Dường như sức mạnh không quân sẽ được cả hai phía sử dụng để tạo điều kiện cho việc tái phân chia LAC bằng cách ngăn chặn các tuyến đường tiếp tế qua núi của đối phương.

Lực lượng đường không (máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm -AWACS) cùng các radar trên mặt đất của IAF có thể phát hiện tiêm kích J-20 của Trung Quốc. Tuy nhiên, các radar này sẽ không thể theo dõi đường bằng của J-20 với độ chính xác đủ cao để IAF có thể tấn công chúng với tên lửa dẫn đường bằng radar.

Dù vậy, vẫn có các nhân tố quan trọng khác trong cuộc chơi này. Cụ thể, các tiêm kích tàng hình J-20 sẵn sàng triển khai của PLAAF hiện nay chỉ có số lượng giới hạn.

Khi hoạt động từ các căn cứ không quân đặt ở độ cao lớn trên cao nguyên Tây Tạng, tầm hoạt động của chúng sẽ bị hạn chế.

Trong khi đó, so với căn cứ của IAF, các căn cứ không quân của PLAAF tương đối xa LAC. Vì vậy, PLAAF sẽ không thể duy trì hiệu quả các tiêm kích J-20 để tuần tra 24/7 khu vực LAC. Do có thể phát hiện ra sự hiện diện của J-20 nên IAF có thể dễ dàng tránh được tình huống tình cờ đụng độ chúng.

"IAF sẽ lợi dụng lỗ hổng giữa các đợt tuần tra của J-20 để thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn và xâm nhập. Do khoảng cách xa từ căn cứ hoạt động đối với LAC, J-20 sẽ không thể ở vị trí sẵn sàng để ngăn chặn các cuộc tấn công hoặc đổ bộ đường không của IAF dọc LAC" – Vị chuyên gia nhận định.

Không chỉ có lực lượng máy bay chiến đấu hùng hậu, Sputnik cho biết hiện tại đang có nhiều ý kiến cho rằng, các máy bay chiến đấu không người lái của Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng nếu Trung-Ấn nổ ra xung đột.

Vậy thì sức mạnh của quân đội Ấn Độ ở khía cạnh này như thế nào và bằng cách nào họ có thể đối phó với các UAV tấn công của Trung Quốc?

Trả lời câu hỏi này, ông Thakur cho biết, hiện cả 3 quân chủng của Ấn Độ đều đang sử dụng UAV cho các nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo. Chúng tôi hiện không có máy bay không người lái vũ trang.

Tính tới tháng 5/2015, Ấn Độ có khoảng 176 UAV tầm trung, hầu hết được mua từ Israel. Trong số này có 108 UAV Searcher và 68 UAV Heron.

Vị chuyên gia không đưa ra câu trả lời nào về cách thức Ấn Độ có thể đối phó với các UAV tấn công của Trung Quốc, có vẻ New Delhi vẫn chưa có được phương pháp đối phó khả dĩ nào trước mối đe dọa này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại