Từng là "đứa trẻ có vấn đề", nhờ đâu Tu-22 trở thành mối đe dọa chết người với NATO?

QS |

60 năm trước, ngày 21/6/1958, tại Liên Xô đã xuất hiện loại vũ khí đối trọng với NATO - mẫu máy bay "105", 4 năm sau đó được đưa vào trang bị với tên gọi Tu-22.

Những máy bay ném bom - tên lửa tầm xa này trong hơn 30 năm là "cánh tay dài" của Không quân Liên Xô và Nga. Thế hệ sau - phiên bản hiện đại hóa Tu-22M3 - vẫn đang phục vụ chiến đấu cho đến ngày nay.

Từng là đứa trẻ có vấn đề, nhờ đâu Tu-22 trở thành mối đe dọa chết người với NATO? - Ảnh 1.

Máy bay Tu-22. Ảnh: Public Domain

"Đứa trẻ có vấn đề"...

Theo hãng tin Sputnik, giữa những năm 1950, cuộc Chiến tranh Lạnh với mức độ leo thang cao có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân "nóng". Cả Mỹ lẫn Liên Xô lúc đó đều chưa có trong kho vũ khí tên lửa đạn đạo liên lục địa. Do đó, cả hai cường quốc coi hàng không tầm xa là phương tiện chính để mang vũ khí hạt nhân.

Năm 1955, Không quân Mỹ bắt đầu trang bị máy bay phản lực ném bom chiến lược Boeing B-52 Stratofortress. Năm 1956, máy bay ném bom tầm xa siêu thanh Convair B-58 Hustler lần đầu tiên cất cánh.

Ngành công nghiệp hàng không của Liên Xô trả lời lại bằng cách tung ra vào năm 1955 máy bay phản lực cánh quạt ném bom chiến lược huyền thoại Tu-95. Và tại Cục Thiết kế Andrey Tupolev bắt đầu phát triển "Sản phẩm 105" - máy bay ném bom tầm xa siêu thanh.

Công việc tiến hành khẩn trương, bởi vì "tỷ lệ đặt cược" vào đó rất cao: An ninh của đất nước. Vào tháng 6/1958, máy bay mẫu đã cất cánh với thiết kế cánh mũi tên xuôi, thân sắp xếp hợp lý kéo dài với mũi nhọn (các phi công Liên Xô đặt biệt danh là "Shilo"). Hai động cơ phía sau đuôi.

Đặc tính của máy bay khá ấn tượng: đội bay-3 người, trọng lượng cất cánh - 85 tấn, trần bay thực tế - 13.000 m, tầm xa bay tối đa với tốc độ cận âm - 4400 km, với tốc độ siêu thanh - 1560 km.

Hai động cơ turbojet  lực đẩy 11 tấn (16,5 tấn khi tăng lực) tăng tốc lên đến 1600 km/h (1,3 lần tốc độ âm thanh). Tùy thuộc vào phiên bản, máy bay có thể mang theo đến 9 tấn bom, bao gồm bom nguyên tử, tên lửa chống tàu mang đầu đạn thông thường hay nhiệt hạch, cũng như để thực hiện chức năng chụp ảnh trinh sát và gây nhiễu điện tử.

Thế nhưng, Tu-22 là một "đứa trẻ có vấn đề" của ngành hàng không Liên Xô. Nó không lập tức "học bay" được. Chuyến bay đầu tiên kết thúc không bình thường: phi hành đoàn đã hạ cánh máy bay "trên bụng" do càng bánh xe không hạ được.

Chiếc máy bay thứ hai trong tháng 12/1959 cũng do cùng đội bay thử nghiệm nói trên điều khiển đã vượt qua tốc độ âm thanh, nhưng do vận tốc cao máy bay bắt đầu rạn vỡ và rơi xuống. Chỉ có kỹ sư vô tuyến thoát nạn, phi công và hoa tiêu đã thiệt mạng.

Từng là đứa trẻ có vấn đề, nhờ đâu Tu-22 trở thành mối đe dọa chết người với NATO? - Ảnh 2.

Tu-22M3. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Năm 1962, Tu-22 vẫn được chấp nhận vào trang bị, ít nhiều người ta đã dạy nó biết bay. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba, nó được giao nhiệm vụ tấn công các lực lượng NATO ở châu Âu.

Trong những năm 1970-1980, Tu-22 đã tham gia tất cả các cuộc tập trận lớn ở Liên Xô. Tuy nhiên, các phi công không thích "22" do đặc tính "cực kỳ thất thường" của nó. Máy bay rất khó kiểm soát ở tốc độ siêu âm, có những khó khăn khi cất cánh và hạ cánh.

Chỉ có những phi công quân sự có kinh nghiệm nhất có thể hạn chế sự "thất thường của "Shilo", bắt cỗ máy bộc lộ được hết tiềm năng.

Tuy nhiên trong số 311 chiếc Tu-22 được sản xuất, trong những năm phục vụ trong Không quân Liên Xô và Liên bang Nga, 70 chiếc đã bị mất trong các tai nạn khác nhau. Đây là lý do để loại bỏ "Shilo" khỏi Không quân Nga vào năm 1994.

... nhưng "vết cắn" cực kỳ đau đớn

Kể từ năm 1976, trang bị đã được thay đổi hoàn toàn, những máy bay cánh cụp cánh xòe và các vũ khí khác ra đời. Và không kém phần quan trọng - phiên bản Tu-22M (phân loại của NATO - Backfire) nổi tiếng - dễ dàng điều khiển và thân thiện hơn với đội bay.

Những máy bay mang tên lửa "hoàn thiện hơn", cũng như phiên bản tiền nhiệm của nó, cho đến nay vẫn được các chuyên gia phân tích của NATO coi là một trong những máy bay nguy hiểm nhất trong trang bị của không quân Liên Xô và Nga.

Tu-22M liên tục được hiện đại hóa, tham gia chiến đấu trong thực tế, và hiện tại vẫn chưa có dự định loại bỏ ra khỏi trang bị.

Từng là đứa trẻ có vấn đề, nhờ đâu Tu-22 trở thành mối đe dọa chết người với NATO? - Ảnh 3.

Máy bay Tu-22M3. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, phiên bản Tu-22 thông thường có những mặt rất mạnh. Không phải tình cờ mà máy bay đã được xuất khẩu. Trên bầu trời, cỗ máy ném bom, trang bị phương tiện chiến tranh điện tử  tiên tiến, gần như bất khả chiến bại trước máy bay tiêm kích và phương tiện phòng không đối phương.

"Vết cắn" của "Shilo" cũng có thể cực kỳ đau đớn. Ví dụ như trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào tháng 9/1980,  4 chiếc Tu-22 của Không quân Iraq tấn công vô hiệu hóa lâu dài một sân bay gần Tehran bằng bom 500 kg. Sau đó, người Iraq cũng tích cực sử dụng Tu-22 để tấn công các mục tiêu ở Iran.

Từng là đứa trẻ có vấn đề, nhờ đâu Tu-22 trở thành mối đe dọa chết người với NATO? - Ảnh 4.

Tu-22M3 tại căn cứ không quân Hamedan, Iran. Ảnh: AP

Cũng có một trường hợp khác. Vào ngày 23/3/1983, trong cuộc tập trận ở miền Nam của đất nước, chiếc Tu-22 của Liên Xô do lỗi của hoa tiêu đã bay lạc vào tuyến đường hàng không quốc tế,… vào không phận Iran, bay thẳng qua Tehran.

Phi hành đoàn đã bật tất cả hệ thống tác chiến điện tử, và các máy bay chiến đấu Su-15 của Liên Xô, và sau đó F-14 của Iran cất cánh để chặn "chiếc máy bay không xác định" nhưng không thể làm bất cứ điều gì.

"Shilo" trở về không phận của Liên Xô một cách an toàn, hạ cánh tại sân bay ở Turkmenistan. Các phi công, tất nhiên, đã bị trừng phạt một cách nghiêm túc.

Giả định máy bay ném bom Tu-22 tấn công tàu sân bay Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại