Tung đòn hiểm bủa vây Iran, ông Trump gây sức ép tối đa vì một mục đích "không thể rõ ràng hơn"

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chính quyền ông Trump đã tuyên bố khôi phục lại tất cả các lệnh trừng phạt chống Iran dù vấp phải phản đối gay gắt từ Hội đồng Bảo An và nhiều nước khác.

Ngày 19/9/2020, bất chấp sự phản đối của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước ký kết còn lại trong Thỏa thuận hạt nhân JCPOA, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố khôi phục lại tất cả các lệnh trừng phạt chống Iran.

Theo tuyên bố này, tất cả các biện pháp của Liên hợp quốc cấm vận Iran đã được dỡ bỏ sau khi ký thỏa thuận JCPIA giữa Iran với các nước P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) năm 2015 sẽ phải được áp đặt trở lại bắt đầu từ 20/9/2020.

Riêng lệnh cấm vận vũ khí chống Iran do HĐBA/LHQ áp đặt từ năm 2007 hết hiệu lực vào ngày 18/10/2020 cũng sẽ tiếp tục được gia hạn.

Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo tuyên bố, tất cả các nước thành viên LHQ phải có nghĩa vụ tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, nếu không sẽ phải chịu hậu quả dưới hình thức các hành động đơn phương của Washington. Ông nói thêm, trong những ngày tới Washington sẽ công bố các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt của LHQ và "buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm."

Ngày 22/10/2020, Tổng thống D. Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp, cho phép áp đặt "các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với bất kỳ quốc gia, công ty hoặc cá nhân nào tham gia vào việc cung cấp, bán và chuyển giao vũ khí cho Iran."

Đồng thời, Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 27 thực thể và cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và 5 nhà khoa học khác của Iran.

Hội đồng Bảo an và nhiều nước công khai phản đối quyết định của Mỹ

Đây là quyết định đơn phương nằm trong chiến lược "gây sức ép tối đa" của chính quyền D. Trump chống Iran. Ngày 14/8/2020, HĐBA với 13/15 phiếu chống đã không thông qua dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.

Tiếp theo đó, ngày 25/8/2020, HĐBA và những nước ký kết thỏa thuận JCPOA còn lại cũng đã bác bỏ yêu cầu của Washington về việc kích hoạt cơ chế "snapback" nhằm khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế chống Tehran.

Theo điều 36-37 của nghị quyết 2231 (2015), nếu một trong những nước ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA thông báo lên HĐBA về việc Iran "vi phạm nghiêm trọng" các điều khoản của thỏa thuận thì tất cả các lệnh trừng phạt sẽ tự động được áp đặt trở lại sau 30 ngày.

Tung đòn hiểm bủa vây Iran, ông Trump gây sức ép tối đa vì một mục đích không thể rõ ràng hơn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP

Các nước, kể cả những đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu đều cho rằng, do đã rút khỏi thỏa thuận JCPOA năm 2018, Mỹ không còn là một bên ký kết, nên không có quyền áp dụng cơ chế "snapback" trong nghị quyết này nữa. Đây là chưa nói đến việc Iran thực hiện tốt thỏa thuận được Cơ quan năng lượng nguyên tử (IAEA) và HĐBA/LHQ xác nhận.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói: "Chỉ có HĐBA mới có thể quyết định việc thực hiẹn các nghị quyết của HĐBA, và chúng tôi sẽ hành động phù hợp với những nghị quyết của HĐBA."

Cao ủy phụ trách Đối ngoại và An ninh thuộc Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tuyên bố, Mỹ không còn được coi là một bên của thỏa thuận JCPOA nên không thể khởi động lại quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt của LHQ theo nghị quyết 2231 của HĐBA.

Về vấn đề này, nghĩa vụ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran theo thỏa thuận vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng. Ông nói, sẽ làm mọi việc để JCPOA có thể được duy trì và thực hiện đầy đủ bởi các bên ký kết. Theo ông, thỏa thuận này góp phần vào an ninh khu vực và toàn cầu, bởi vì nó đề cập một cách toàn diện chương trình hạt nhân của Iran.

Ngày 18/9/2020, Anh, Pháp và Đức đã gửi thư chung lên HĐBA khẳng định Iran sẽ tiếp tục được miễn trừ các lệnh trừng phạt của LHQ, và bất kỳ quyết định hoặc động thái tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Tehran "sẽ không có hiệu lực pháp lý."

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, hành động của Washington chỉ là một màn kịch được dàn dựng nhằm khiến HĐBA phải tuân theo chiến lược"gây sức ép tối đa" của Mỹ chống Iran.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, bất chấp quyết định của Mỹ, Moscow cam kết tăng cường hợp tác quân sự với Iran sau khi lệnh cấm vận vũ khí chống Tehran kết thúc vào 18/10 tới và quan hệ giữa Moscow và Tehran sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran.

Trung Quốc cũng khẳng định tiếp tục hợp tác với Iran trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, an ninh và quốc phòng. Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận với Tehran sẽ đầu tư vào Iran 400 tỷ USD trong vòng 25 năm tới.

Lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ gây tổn hại gì cho Iran?

Việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ có nghĩa là Iran phải chấm dứt tất cả các hoạt động liên quan đến làm giàu và tái chế uranium, chấm dứt nghiên cứu và phát triển hạt nhân, cấm nhập khẩu bất cứ vật dụng gì có thể đóng góp vào các hoạt động đó hoặc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Việc buôn bán vũ khí sẽ bị cấm.

Iran sẽ không được phép phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Các lệnh trừng phạt cụ thể cũng sẽ được nối lại đối với hàng chục cá nhân và các cơ quan liên quan. Các lô hàng đến và đi từ Iran phải được giám sát và kiểm tra chặt chẽ và cho phép tịch thu bất kỳ lô hàng nào bị cấm. Nói tóm lại là Mỹ quyết đưa Iran trở về thời kỳ trước khi đạt được thỏa thuận JCPOA năm 2015.

Thực ra, kể từ khi rút khỏi thỏa thuận JCPOA năm 2018, Mỹ đã áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt Iran rồi, kể cả việc đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về không. Việc đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran hiện nay chủ yếu mang tính chất chính trị nhằm tranh thủ quan hệ với Israel và một số nước Ả Rập vùng Vịnh như các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Ả Rập Saudi... vừa mới đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, đồng thời ghi thêm điểm trong con mắt cử tri Mỹ.

Hành động này của Mỹ không gây thêm nhiều khó khăn cho Iran. Ngay cả trong khi bị Mỹ cấm vận từ 2018, Iran vẫn xuất khẩu dầu mỏ và duy trì quan hệ thương mại với nhiều nước.

Về vũ khí, Iran hiện nay đã tự sản xuất được 97% nhu cầu quốc phòng, trong đó có nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa tầm xa, tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu... và cả vệ tinh quân sự mới phóng lên quỹ đạo năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu vũ khí đối với Iran không thực sự cấp bách. Đây là còn chưa kể đến Nga và Trung Quốc tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Iran sau 18/10/2020.

Hành động này của Washington sẽ gây thêm căng thẳng không chỉ trong quan hệ giữa Mỹ với Iran, mà còn với những nước ký kết JCPOA còn lại gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU). Việc Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt cả những nước vi phạm các biện pháp cấm vận của Mỹ chống Iran cũng sẽ đẩy Mỹ phải đối mặt với cả cộng đồng quốc tế.

Việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran là phục vụ chiến dịch tranh cử của Tổng thống D. Trump

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút. Cả hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump đều sử dụng vấn để hạt nhân Iran làm một trong những con bài trong chiến dịch tranh cử của mình. Về phần mình, mặc dù căng thẳng, nhưng Iran và các nước ký kết JCPOA đều không muốn làm phức tạp thêm tình hình với Mỹ và sẽ chờ đợi kết quả cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra ngày 3/11 tới.

Iran rất mong ứng cử viên Joe Biden thuộc đảng Dân chủ, người từng là cấp phó của Tổng thống B. Obama vào thời điểm đàm phán và ký kết thỏa thuận JCPOA đã nhiều lần tuyên bố, nếu thắng cử ông sẽ đưa Mỹ trở lại tuân thủ tất cả các điều khoản của thỏa thuận này.

Trong khi đó, ngày 16/9/2020, Tổng thống D. Trump cũng tuyên bố, trong trường hợp tái đắc cử, ông sẽ sẵn sàng ký kết một "thỏa thuận rất công bằng" với Iran, nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Ông cho biết đã nói với giới lãnh đạo Iran: "Hãy đợi đến bầu cử. Nếu tôi thắng cử, thì chúng ta sẽ có một thỏa thuận. Một thỏa thuận như vậy có thể đạt được trong vòng một tuần hoặc một tháng sau bầu cử. Rất tiếc, Iran đang chịu nhiều đau khổ. Tôi không muốn Iran phải chịu đựng thêm nữa, nền kinh tế của họ đã sụp đổ".

Điều đó có nghĩa là nếu ông D. Trump thắng cử, ông cũng sẽ phải xem xét để có một chính sách rõ ràng hơn trong quan hệ với Tehran. Khi bức màn bầu cử đã hạ xuống, ông D. Trump không thể căng thẳng mãi với Iran, mà phải tìm cách mở ra cánh cửa đối thoại với Tehran để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân và các vấn đề trong quan hệ hai nước.

Tung đòn hiểm bủa vây Iran, ông Trump gây sức ép tối đa vì một mục đích không thể rõ ràng hơn - Ảnh 3.

Vùng Vịnh lại một lần nữa dậy sóng. Cùng với việc đơn phương áp đặt trở lại các lệnh cấm vận chống Iran, Mỹ đã đưa tàu sân bay USS Nimitz được nhiều tàu chiến hộ tống đến vùng Vịnh nhằm tăng cường sức ép đối với Iran. Đáp lại, Iran đã tổ chức một cuộc tập trận lớn tại vùng biển Oman rộng gần 2 triệu km2 gần eo biển Hormuz.

Trong khi đó, Tư lệnh Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Hossein Salami tuyên bố, sẽ bắn phá và đánh chiếm các căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Đông và hàng trăm tên lửa của Iran có thể dội tới nước Mỹ nếu Washington tấn công Iran.

Dùng mọi biện pháp, kể cả quân sự để gây sức ép, chính quyền của Tổng thống D. Trump không những đã không buộc được Iran thay đổi thái độ mà còn làm cho Tehran trở nên cứng rắn hơn.

Thỏa thuận hạt nhân JCPOA sau 12 năm đàm phán và đã được ký kết năm 2015 giữa các nước P5+1, trong đó có Mỹ là một thành quả mang tính lịch sử. Việc các bên ký kết thực hiện đầy đủ thỏa thuận này là con đường tốt nhất để ngăn chặn Iran chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân, góp phần đem lại hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại