Túi xách chuyển tài liệu bí mật của “Người đẹp Tây Đô”

Nguyễn Việt |

Tham quan phòng trưng bày chuyên đề “Bà mẹ Việt nam Anh hùng” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, khách tham quan không khỏi xúc động trước những hình ảnh, tư liệu, hiện vật tuy bình dị nhưng phản ánh sự dũng cảm, gan dạ, lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc vì hòa bình, độc lập của dân tộc.

Tiêu biểu trong đó là túi xách chuyển tài liệu bí mật của nữ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn, người được nhà văn Trầm Hương lấy nguyên mẫu nhân vật để viết tiểu thuyết "Người đẹp Tây Đô".

Bà Lâm Thị Phấn tên theo khai sinh là Lâm Thị Elise, sinh ngày 11-11-1918 tại làng Tân An, tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (ngày nay thuộc phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).

Bà là con gái đầu lòng của dòng họ Lâm danh giá ở Cần Thơ thời bấy giờ, cha là ông Lâm Văn Phận, một một đại điền chủ nổi tiếng và là Hiệu trưởng trường Taberd Cần Thơ (Trường Châu Văn Liêm ngày nay). Sau năm 1945, ông đã tham gia kháng chiến và từng giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ.

Túi xách chuyển tài liệu bí mật của “Người đẹp Tây Đô” - Ảnh 1.

Chân dung "Người đẹp Tây Đô" Lâm Thị Phấn.

Lúc nhỏ, bà theo học tại trường Taberd Cần Thơ và lấy bằng tú tài tại đây. Với một ngoại hình cao, khuôn mặt sắc sảo, vẻ đẹp tuyệt sắc, bà được xem là hoa khôi của trường và được người dân trong vùng đất Tây Đô trù phú gọi trìu mến là "Người đẹp Tây Đô".

Thế nhưng, đến năm 17 tuổi bà bị ép duyên vào một gia đình nổi tiếng giàu có ở địa phương. Người chồng ăn chơi khét tiếng, thuộc hạng "công tử Bạc Liêu" khiến cuộc đời bà Phấn bị vùi dập, đau đớn và tủi nhục trong gia đình chủ đồn điền nổi tiếng hung bạo thời ấy.

Tuy nhiên sinh trưởng trong một gia đình trí thức, bà Lâm Thị Phấn từ nhỏ đã mang trong mình tư tưởng tiên tiến. Kể từ khi gánh vác những trọng trách quan trọng trong thu chi của gia đình chồng và đảm nhiệm công việc thu thuế, bà Phấn bắt đầu nhận ra những cơ cực của người nông dân trong vùng, đặc biệt là phụ nữ.

Chính vì vậy, với tư tưởng muốn giải phóng phụ nữ, giải phóng người nghèo và lòng yêu nước, đã thôi thúc bà thoát ly khỏi gia đình nhà chồng, bước theo con đường của cha mình là tham gia cách mạng.

Năm 1944, bà tham gia hoạt động trong phong trào Phụ nữ Cứu Quốc. Bà hoạt động tích cực, vận động xây dựng nên Hội Phụ nữ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu và sau đó được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Có ngoại hình đẹp, trình độ học vấn cao, nguồn gốc xuất thân là gia đình điền chủ nên những năm 1950, bà được giao một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt là xây dựng đội ngũ điệp báo miền Tây (hoạt động trong lòng địch), lấy Cần Thơ làm trụ sở, sau đó bà được bầu làm tổ trưởng lãnh đạo đội ngũ điệp báo này.

Trong quá trình hoạt động, bà đã cảm hóa được nhiều người, nhất là quan Phòng nhì Pháp Trần Hiến. Ban đầu, tổ chức giao cho bà nhiệm vụ tiếp cận và lấy ông Trần Hiến vì lý do cha ông là người Pháp nên được chính quyền thực dân tin tưởng, giữ nhiều thông tin bí mật.

Sau một thời gian, vì cảm mến con người và nhân cách của bà Phấn, ông quyết định đi theo cách mạng và họ trở thành vợ chồng thật từ lúc nào không biết. Hai người đã cùng nhau lập nên nhiều chiến công thầm lặng cho tổ tình báo miền Tây, góp phần rất lớn vào thành công của cách mạng.

Túi xách chuyển tài liệu bí mật của “Người đẹp Tây Đô” - Ảnh 2.

Thiếu tá tình báo Lâm Thị Phấn.

Tháng 12-1954, hai người tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ và sinh cô con gái Trần Hồng Hạnh. Trong thời gian này, bà được theo học và tốt nghiệp Đại học Kinh tế, sau đó học ngành tình báo tại Liên Xô.

Tháng 10-1962, cùng với việc xây dựng Trung ương Cục miền Nam, bà lại được đưa vào Nam để hoạt động tình báo. Bà được giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động tình báo trong đội ngũ đầu não cao cấp nhất trong chính quyền Sài Gòn.

Trong thời gian hoạt động, bà thường sử dụng chiếc túi xách có dây đeo màu vàng rất sang trọng để cất giấu, vận chuyển tài liệu bí mật cho cách mạng. Cùng với sự thông minh và khôn khéo, bà đã qua mắt được rất nhiều lần kiểm soát của kẻ thù và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau khi Miền Nam được giải phóng, bà công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Với thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, bà Lâm Thị Phấn đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng những phần thưởng cao quý: Huân chương chiến công Nhất, Nhì, Ba và nhiều huân huy chương khác.

Bà về hưu năm 1984 và qua đời tại căn nhà bà đã sinh ra và lớn lên tại Thành phố Cần Thơ vào ngày 15-04-2010, hưởng thọ 92 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của bà là nguồn cảm hứng mãnh liệt để nhà văn Trầm Hương hoàn thành tiểu thuyết nổi tiếng "Người đẹp Tây Đô".

Ông từng viết: "Cuộc đời người phụ nữ ấy in dấu những thăng trầm, biến cố, những khúc quanh lịch sử: con dâu một điền chủ lớn, bị bạc đãi, khao khát đến với cuộc kháng chiến nhưng cũng không phải dễ dàng được đón nhận, hy sinh tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó".

Chiếc túi xách là kỷ vật thiêng liêng được bà trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hiện vật là minh chứng cho cuộc đời hoạt động cách mạng anh dũng, xuất sắc nhất của bà Lâm Thi Phấn, một trong những "bông hồng" được cài cắm trong lòng địch của tình báo Việt Nam. Qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại