Các nguồn tin ở Mỹ tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo đang xem xét đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (OST) sau những cáo buộc về việc Nga vi phạm hiệp ước này.
Giới lãnh đạo Châu Âu và những người ủng hộ kiểm soát vũ khí tin rằng OST giúp giảm nguy cơ bùng phát chiến tranh gây ra từ những tính toán sai lầm bằng việc tăng cường tính minh bạch chung.
Tuyên bố chung của một nhóm 16 tướng lĩnh quân đội nghỉ hưu và bộ trưởng quốc phòng các nước châu Âu mới đây đã khẳng định Hiệp ước Bầu trời Mở là một trụ cột không thể thiếu cho sự ổn định giữa các cường quốc hạt nhân.
"Với 34 bên tham gia, trong đó có Mỹ, Nga và hầu hết các nước châu Âu, hiệp ước đa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho 1.517 chuyến bay ngắn hạn và không mang theo vũ khí," tuyên bố của nhóm các tướng lĩnh nghỉ hưu và các quan chức quốc phòng châu Âu cho hay.
"Qua các chiến dịch, hiệp ước đã giúp tăng tính minh bạch và ổn định về quân sự, giúp xây dựng, củng cố niềm tin và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau", tuyên bố nhấn mạnh. Nếu Mỹ rút ra khỏi hiệp ước, nước này sẽ mất quyền bay qua bầu trời nước Nga nhưng Nga vẫn có thể bay qua các cơ sở quân sự của Mỹ ở châu Âu.
"Trong khi các lợi thế về tình báo và xây dựng niềm tin đối với Mỹ trong hiệp ước này là hạn chế thì những đồng minh trong NATO của Mỹ lại được hưởng lợi lớn. Những lợi ích chiến lược đối với Mỹ liên quan đến sự ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương cũng là rất thật", các tướng lĩnh và quan chức quân sự cho hay.
Các tướng lĩnh và quan chức quân sự của châu Âu cũng kêu gọi Nga từ bỏ các hành động "vi phạm hiệp ước" - một cáo buộc mà Mỹ đưa ra để tìm cách rút ra hỏi OST.
Tuy nhiên, nếu Mỹ thực sự rút ra khỏi hiệp ước, tuyên bố của 16 tướng lĩnh và quan chức quân sự Châu Âu cho rằng các nước thành viên NATO vẫn nên tiếp tục duy trì hiệp ước này bởi các nước Châu Âu thực hiện đến 55% chuyến bay theo OST đồng thời cũng là nơi Nga thực hiện gần 59% chuyến bay.
Các nước Châu Âu không có năng lực về vệ tinh giám sát của Mỹ, vì thế cần phải phụ thuộc vào các chuyến bay được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở.
Tuyên bố của các tướng lĩnh và quan chức quân sự Châu Âu đã kêu gọi các bên tiến hành cuộc họp trong vòng 2 tháng tới để bàn về việc Hiệp ước Bầu trời Mở nên hoạt động thế nào nếu không còn Mỹ. Cuộc thảo luận này sẽ có cả nội dung về việc các thành viên NATO sẽ hạn chế chia sẻ thông tin với Mỹ như thế nào sau khi Mỹ rút khỏi OST.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết vào năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002. Hiệp ước này cho phép thực hiện chuyến bay trinh sát chung trên bầu trời của 34 quốc gia, trong đó có Mỹ và Nga.
Hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ thường xuyên mâu thuẫn với nhau về Hiệp ước Bầu trời Mở trong những năm gần đây, trong đó có những tranh cãi về việc có nên lắp đặt thiết bị camera trên máy bay và Mỹ cáo buộc Nga đang hạn chế những chuyến bay trên bầu trời khu vực Kaliningrad.
Mỹ gần đây đã gây sức ép đòi các đồng minh trong NATO áp dụng một lập trường cứng rắn hơn với Moscow liên quan đến Hiệp ước Bầu trời Mở.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đang cùng nhau thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục duy trì Hiệp ước Bầu trời Mở.
Nếu Mỹ kiên quyết rút ra khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở thì đây sẽ là đòn giáng mạnh thứ hai của Washington vào các đồng minh châu Âu thân thiết liên quan đến sự ổn định ở châu lục này. Trước đó, Mỹ đã khiến châu Âu bàng hoàng khi bất ngờ rút ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km).
Hiệp này là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm "tháo ngòi" căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Các nước thành viên NATO của châu Âu xem Hiệp ước INF là vô cùng quan trọng đối với an ninh ở đây. Chính vì thế, NATO cực kỳ quan ngại trước việc hiệp ước INF bị xé bỏ.
Mất INF, sẽ chỉ còn Hiệp ước Cắt Giảm Vũ khí Chiến lược (START mới) là bước cản trở cuối cùng đối với viễn cảnh phổ biến vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Hiệp ước này có thời hạn đến năm 2021 và Washington chưa quyết định có làm mới nó hay không.