"Tuần hủy diệt": Trận không chiến đẫm máu bậc nhất lịch sử

Trang Ly |

Dội 10.000 tấn bom, oanh tạc bất kể ngày đêm, chiến dịch mang mật danh "Tuần hủy diệt" trở thành 1 trong những trận không chiến ác liệt và đẫm máu nhất lịch sử.

Gần 10 năm sau ngày anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành hàng không thế giới (vào năm 1903), thì trận không chiến đầu tiên cũng nổ ra.

Vào năm 1911, quân đội Ý trên những chiếc máy bay một tầng cánh (do Đức sản xuất) đã tấn công quân Thổ Nhĩ Kỳ bằng "mưa" lựu đạn ném bằng tay. Sự kiện này được ghi nhận là cuộc tấn công đầu tiên sử dụng máy bay trong lịch sử quân sự thế giới.

Từ đó về sau, lịch sử chứng kiến hàng loạt các trận đánh trên không với quy mô khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Tốc độ chớp nhoáng, tàn sát khủng khiếp, đẫm máu và ác liệt là những từ người ta dùng để miêu tả các cuộc không chiến nổ ra giữa những "cỗ máy biết bay" trong lịch sử.

Trong các trận không chiến kinh hoàng được sử sách ghi chép, trận đấu mang bí danh "Tuần hủy diệt - Big Week" trở thành cuộc đối đầu trên không đẫm máu và ác liệt bậc nhất trong lịch sử quân sự thế giới.

Tuần hủy diệt: Trận không chiến đẫm máu bậc nhất lịch sử - Ảnh 1.

"Pháo đài bay" B-17 của Mỹ lên đường oanh tạc các căn cứ trọng yếu của Đức.

"Tuần hủy diệt" - Chiến dịch oanh tạc khủng khiếp dùng đến 10.000 tấn bom của Mỹ

Trận không chiến "Big Week" (kéo dài từ ngày 20/2 đến 25/2/1944) là một phần trong chiến dịch ném bom chiến lược châu Âu do Không quân Mỹ và Đồng Minh thực hiện nhằm "bẻ gãy" những mắt xích quan trọng của Đức Quốc xã thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945).

Đứng trước nguy cơ quân Đức đang ngày càng lớn mạnh, đặc biệt với khả năng sản xuất các loại máy bay chiến đấu tầm xa, Mỹ và Anh đã bí mật họp với nhau và đưa ra kế hoạch tấn công chớp nhoáng nhằm làm tê liệt ngành sản xuất vũ khí "xương sống" của Đức.

Với mục đích tiêu diệt sạch những nhà máy sản xuất phi cơ của Đức (vốn là một trong những điểm mạnh của Đức Quốc xã), Mỹ đã điều động hàng loạt các máy bay chiến đấu "khủng" như Lockheed P­38 Lightnings, Republic P­47 Thunderbolts và North American P­51 Mustangs ­lên đường chiến đấu.

Tuần hủy diệt: Trận không chiến đẫm máu bậc nhất lịch sử - Ảnh 2.

Chiếc Lockheed P­38 Lightnings mà Mỹ sử dụng trong chiến dịch "Tuần hủy diệt".

Dưới sự trợ giúp của lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, trong 6 ngày liên tiếp, Không quân Mỹ dội bom không ngừng nghỉ xuống các căn cứ chủ chốt và các nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu của quân Đức.

Không lực của Mỹ và Anh đã thực hiện cuộc không kích ác liệt và dồn dập chưa từng có trong lịch sử để giáng xuống quân Đức, khiến cho quân Đức không kịp trở tay:

Trong khi Mỹ thực hiện các cuộc dội bom xuống căn cứ Đức vào ban ngày thì ban đêm, máy bay của Anh sử dụng radar để tiếp tục không kích không ngừng nghỉ.

Tuần hủy diệt: Trận không chiến đẫm máu bậc nhất lịch sử - Ảnh 3.

Hình ảnh trong chiến dịch "Tuần hủy diệt".

Để kế hoạch sớm thành công, Mỹ "bồi" thêm các loại máy bay chiến đấu "khủng" như máy bay ném bom hạng nặng B-24, B-17 tiếp tục tấn công vào các khu vực trọng yếu của Đức.

Các cuộc dội bom cường độ cao khủng khiếp như vậy được Mỹ và Anh duy trì liên tục trong một tuần trời.

Kết thúc "Tuần hủy diệt" và con số thương vong khủng khiếp không thể quên

Tổng sau 3.500 đợt xuất kích và dội bom, Mỹ đã thả khoảng 10.000 tấn bom xuống các vùng trọng yếu của quân Đức (tại các thành phố lớn như Leipzig, Brunswick, Gotha, Regensburg, Schweinfurt, Augsburg, Stuttgart và Steyr), khiến cho Đức thiệt hại vô cùng nặng về cơ sở, vật chất và người.

Sau 6 ngày đêm quân Anh, Mỹ tấn công và sự đáp trả của quân Đức, con số thương vong và thiệt hại của hai bên vô cùng khủng khiếp:

Riêng về phía Mỹ, 18 phi công thiệt mạng. Tổng 226 máy bay ném bom, 28 máy bay hộ tống bị tiêu diệt (trong số đó có 97 chiếc B-17 và 40 chiếc B-24 bị hư hại; 20 cỗ đài bay khác phải tháo dỡ).

Trong khi đó, Đức thiệt hại khủng khiếp hơn cả. Theo tuyên bố của Mỹ, 100 phi công Đức bị tiêu diệt; khoảng 500 chiến đấu cơ Đức bị bom dội cho tan xác (cả loại tham chiến và loại nằm tại căn cứ của Đức).

"Tuần hủy diệt" đã phá hủy khoảng 60% năng lực sản xuất của các thành phố công nghiệp của Đức. Hàng loạt các cơ sở sản xuất máy bay chiến đấu của Đức bị phá hủy và buộc phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài.

Kết thúc chiến dịch oanh tạc bất kể ngày đêm của Mỹ và quân Đồng Minh, mặc dù quân Đức phải chịu tổn thất nhiều hơn rất nhiều do nằm ở thế bị động và bị tấn công bất ngờ, nhưng những con số thương vong và tổn hại của Mỹ chứng minh một điều:

Người Đức đã trang bị loại vũ khí chống máy bay ném bom tốt nhất của Không quân Đức thời bấy giờ, trong đó phải kể đến các cái tên như máy bay chiến đấu hạng nặng Messerschmitt Me 410, tiêm kích Messerschmitt Bf 109...

Tuần hủy diệt: Trận không chiến đẫm máu bậc nhất lịch sử - Ảnh 4.

Loại vũ khí khủng của Đức - Chiếc Messerschmitt Bf 109 chống máy bay ném bom.

Thành công của chiến dịch "Tuần hủy diệt" góp phần vào thắng lợi của quân Đồng Minh trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc vào tháng 9/1945.

Bài viết tham khảo nhiều nguồn: Secondworldwarhistory, History, Wikipedia, Zing, Genk

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại