Thảm kịch chiến hạm Mỹ trúng ngư lôi Nhật Bản: Thủy thủ sống những ngày như địa ngục

Tú Anh |

Chỉ 12 phút sau khi bị tấn công, tuần dương hạm USS Indianapolis của Hải quân Mỹ lật úp và chìm xuống biển cùng với 300 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến bị mắc kẹt bên trong.

Ngay sau nửa đêm ngày 30/7/1945, tuần dương hạm USS Indianapolis của Hải quân Mỹ đã bị trúng hai quả ngư lôi phóng đi từ tàu ngầm Nhật Bản.

Quả đầu tiên đánh trúng mạn bên phải, gần như xé toạc con tàu. Quả thứ hai bắn trúng giữa thân tàu và kích nổ thùng nhiên liệu, gây ra nhiều vụ nổ thứ cấp.

Chỉ 12 phút sau khi bị tấn công, Indianapolis lật úp và chìm xuống biển cùng với 300 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến bị mắc kẹt bên trong.

Hầu hết thủy thủ đoàn, khoản hơn 800 người, đã thoát ra được khỏi con tàu. Nhiều người buộc phải bơi, bấu víu vào các mảnh vỡ trôi nổi hoặc sử dụng áo phao bởi rất ít thuyền cứu sinh có thể kịp bung ra lúc đó.

Thế nhưng thật không may, thử thách của họ vẫn chưa hết, thậm chí nó còn trở nên tồi tệ hơn.

Sứ mệnh tối mật

USS Indianapolis là một trong hai tuần dương hạm hạng nặng lớp Portland. Được đưa vào sử dụng năm 1931, nó là chiến hạm tốt nhất thời điểm đó, tính theo bất cứ tiêu chuẩn nào.

Indianapolis là soái hạm của Lực lượng viễn chinh Hải quân Mỹ vào năm 1933 và đã từng chở Tổng thống Franklin Roosevelt trong nhiều chuyến hành trình. Năm 1943 và 1944, USS Indianapolis đóng vai trò là soái hạm của Đô đốc Raymond Spruance khi ông chỉ huy Hạm đội 5 Hải quân Mỹ.

Indianapolis đã bắn rơi ít nhất 9 máy bay địch, phóng hàng ngàn quả đạn vào hàng trăm mục tiêu trên bờ và thậm chí cũng đã trở thành mục tiêu bị tấn công cảm tử trong một cuộc oanh tạc trước trận chiến chiếm đóng Okinawa.

Thảm kịch chiến hạm Mỹ trúng ngư lôi Nhật Bản: Thủy thủ sống những ngày như địa ngục - Ảnh 1.

Hàng hóa được vận chuyển lên tuần dương hạm USS Indianapolis trước khi lên đường tới Thái Bình Dương ngày 14/4/1937. Ảnh: AP

Hậu quả là, nó đã phải quay trở lại Mỹ để sửa chữa. Sau khi hoàn tất quá trình tu bổ, Thuyền trưởng Charles B. McVay III nhận được mệnh lệnh tối mật. ông sẽ lãnh sứ mệnh vận chuyển hàng hóa cực kỳ quan trọng đến đảo Tinian trong thời gian nhanh nhất có thể.

Hoạt động này bí mật tới mức chính McVay và thủy thủ đoàn của ông cũng không biết họ đang vận chuyển cái gì, chỉ biết đó là hàng hóa tối quan trọng.

Họ rời San Francisco vào ngày 16/7, đến Trân Châu Cảng trong thời gian kỷ lục - 74,5 giờ và cập bến Tinian vào ngày 26/7.

Trên thực tế, họ đang vận chuyển các bộ phận bên trong của quả bom nguyên tử “Little Boy” được thả xuống thành phố Hiroshima. Indianapolis đã rời Mỹ chỉ vài giờ sau khi vụ thử nghiệm ở New Mexico thành công, đảm bảo rằng bom hạt nhân hoạt động đúng như mong muốn.

Hàng hóa ngay lập tức được đưa lên bờ ở Tinian và Indianapolis nhanh chóng khởi hành đến Guam, nơi nó tiếp nhận các thành viên phi hành đoàn mới. McVay sau đó được lệnh đi tàu đến Philippines để huấn luyện cho cuộc đổ bộ Nhật Bản theo kế hoạch.

Những ngày trôi dạt trên đại dương như ở địa ngục

McVay được thông báo rằng kẻ thù sẽ không thể tấn công và không cần phương tiện hộ tống nào cả. Hai ngày sau chuyến hành trình của Indianapolis , I-58, một tàu ngầm lớp Type B3 do thuyền trưởng Mochitsura Hashimoto chỉ huy đã phát hiện ra nó và phóng 6 ngư lôi tấn công. Tin tức được báo cáo về Nhật Bản là họ đã đánh chìm một tàu chiến đối phương.

Hai quả ngư lôi đã làm Indianapolis mất hết năng lượng vì vậy nó không thể phát đi tín hiệu khẩn cấp. Nhiều thủy thủ nhảy xuống nước đêm đó khi được vớt lên vẫn còn phủ đầy dầu của con tàu đang tràn ra ngoài không thể kiểm soát.

Thảm kịch chiến hạm Mỹ trúng ngư lôi Nhật Bản: Thủy thủ sống những ngày như địa ngục - Ảnh 2.

Tuần dương hạm USS Indianapolis bị đánh chìm một tháng trước khi Thế chiến II kết thúc. Ảnh: AP

Khoảng một trăm người sống sót nhiều khả năng đã chết sau vài giờ đầu tiên được cứu vớt vì những vết thương trong vụ nổ và hỏa hoạn khi con tàu chìm. Số còn lại được phân tán thành bảy nhóm, nhóm lớn nhất gồm khoảng 300 - 400 thủy thủ.

Những người sống sót đã trôi dạt suốt 4 -5 ngày trước khi họ được cứu vớt. Trong quãng thời gian đó, hàng trăm người đã chết vì đuối nước, mất nước, phơi nhiễm và kiệt sức.

"Đó là một thảm kịch, giống như địa ngục”, Paul McGinnis, một hoa tiêu kể lại. “Bạn không thể chờ mặt trời lặn. Khi mặt trời lặn, cảm giác dễ chịu hơn một chút nhưng sau đó trời sẽ lạnh và bạn bắt đầu run rẩy và bạn không thể chờ mặt trời mọc trở lại”.

Phải tới ba ngày rưỡi sau vụ chìm tàu, một số người sống sót được một phi công tuần tra phát hiện. Đến lúc đó, Hải quân Mỹ mới nhận ra tuần dương hạm Indianapolis đã bị đánh chìm. Người cuối cùng còn sống sót đã được giải cứu vào ngày 8/8.

Trong số thủy thủ đoàn gần 1.200 người trên tàu Indianapolis, chỉ có 316 người sống sót, khiến nó trở thành vụ chìm tàu ​​tồi tệ nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ.

Năm 2017, một nhóm nghiên cứu do nhà đồng sáng lập Microsoft Paul Allen dẫn đầu đã phát hiện ra xác tàu Indianapolis ở vị trí 18.000 feet dưới đáy Thái Bình Dương.

Tàu tác chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords (LCS 10) phóng tên lửa NSM trong cuộc tập trận Pacific Griffin

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại