Từ vụ việc tại Itaewon, chuyên gia chỉ ra 7 cách sinh tồn trong thảm họa đám đông

Thạch Anh |

Thảm kịch đám đông ở Itaewon, thủ đô Seoul, Hàn Quốc vừa qua đã một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về những nguy hiểm tương tự.

Đêm ngày 29/10, cả thế giới bàng hoàng trước tin bữa tiệc Halloween tại quận Itaewon - khu phố ăn chơi nổi tiếng tại Seoul, Hàn Quốc trở thành một trong những thảm họa đám đông tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

Tính đến sáng 31/10, theo tờ Korea Times ghi nhận, đã có 154 ca tử vong, trong số đó đa phần là phụ nữ trẻ ở độ tuổi cuối thiếu niên và 20. Ngoài người Hàn Quốc, 26 người nước ngoài cũng ra đi thương tâm trong vụ việc.

Sự việc được cho là xảy ra trong một con dốc nhỏ, hẹp gần khách sạn Hamilton ở khu Itaewon, Hàn Quốc vào tối 29/10, khi hơn 100.000 người đổ về đây dự lễ hội Halloween và nghe tin có người nổi tiếng xuất hiện trong khu vực.

Từ vụ việc tại Itaewon, chuyên gia chỉ ra 7 cách sinh tồn trong thảm họa đám đông - Ảnh 1.

Đám đông tại Itaewon hôm 29/10

Trong khi cảnh sát và giới chức Hàn Quốc tiếp tục điều tra thêm về nguyên nhân vụ việc cũng như tiến hành các phương án hỗ trợ, trấn an các nạn nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ việc, sự kiện này một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của đám đông mất kiểm soát.

Đám đông sụp đổ và đè nát là một điều kinh khủng đến mức khó hình dung được nhưng thật không may, chúng xảy ra quá thường xuyên và trên khắp thế giới. Wikipedia có hẳn một trang dành riêng cho chủ đề này và có hàng trăm vụ trong số đó được liệt kê, bắt đầu từ trước thế kỷ 18 và gần đây nhất, vài tuần trước ở Indonesia trong một trận đấu bóng đá khiến 135 người thiệt mạng.

Tại Mỹ ngay năm ngoái, cũng đã có một vụ đám đông sụp đổ và đè nát nguy hiểm tại lễ hội âm nhạc Astroworld ở Houston, Texas. Với việc các biện pháp giãn cách và chống dịch được gỡ bỏ trên toàn thế giới, những đám đông sẽ trở lại và nguy cơ xảy ra những vụ việc tương tự tiếp tục tăng sau đại dịch.

Một câu hỏi quan trọng vào lúc này là làm thế nào để tránh khỏi những sự việc đáng tiếc tương tự? Làm sao để sinh tồn nếu bạn và người thân lỡ rơi vào hoàn cảnh đó?

Mehdi Moussaïd, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hành vi đám đông tại Berlin, chia sẻ với trang tin NPR: "Phần lớn thời gian thì chúng tôi sẽ đưa ra lời khuyên cho những nhà tổ chức (sự kiện). Nhưng trên thực tế lại không thường xuyên đưa ra lời khuyên cho những người bên trong đám đông".

Từ vụ việc tại Itaewon, chuyên gia chỉ ra 7 cách sinh tồn trong thảm họa đám đông - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nhà khoa học hiện đang làm việc cho Viện Phát triển Con người Max Planck vẫn cố gắng rút ra một vài "bí kíp sống còn" có thể áp dụng cho tất cả chúng ta trong những tình huống nguy hiểm của đám đông.

Một điểm cần lưu ý là mặc dù Moussaïd biết các đám đông có thể trở nên nguy hiểm đến mức nào, ông không thực sự sợ chúng nữa. Ông cho biết: "Tôi đã từng sợ đám đông trước khi trở thành một nhà khoa học trong lĩnh vực này. Nhưng tôi nghĩ phần lớn là do tôi không biết cách đám đông hoạt động và cơ chế hành vi là gì. Bây giờ tôi biết nó hoạt động như thế nào, tôi cảm thấy thoải mái. Vì vậy, tôi không còn sợ nữa".

Dưới đây là những điều quan trọng nhất trong "bí kíp sinh tồn" mà ông chia sẻ:

1. Luôn cảnh giác các dấu hiệu nguy hiểm và rời đi ngay khi cảm thấy khó chịu

Nhà khoa học nhận định rằng một khi bạn đã ở sẵn bên trong một đám đông và dần cảm thấy áp lực, đó là khi tình huống nguy hiểm đã trở nên quá muộn để hành động.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", "Điều tốt nhất bạn có thể làm là cố gắng không đặt mình vào tình huống nguy cấp này. Vấn đề là, hầu hết mọi người không nhận ra rằng nó nguy hiểm. Chúng ta không có văn hóa nhận thức về sự nguy hiểm của đám đông trong khi nó thực sự nguy hiểm.

Do đó, tốt nhất không nên chủ quan và bắt đầu rời đi ngay khi bạn thấy đám đông trở nên đặc kín dần.

Nếu bạn bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng vẫn còn thời gian và có thể tự do nhúc nhích hay đi lại - thì hãy lập tức rời đi. Moussaïd đặc biệt nhấn mạnh rằng mặc dù nhiều người có xu hướng chấp nhận sự khó chịu và chật chội vì niềm vui thích, thì tuyệt đối không nên như vậy.

Ngay khi cảm thấy khó chịu trong vận động, bạn đã gặp nguy hiểm lớn rồi. Trong mọi trường hợp, hãy ưu tiên sự an toàn của bản thân và tìm lối thoát.

2. Luôn đứng thật vững trên 2 chân và đừng để thứ gì cản đường dưới đất

Nhà khoa học cho biết việc đứng vững trên 2 chân là đặc biệt quan trọng vì một khi đã ngã xuống, bạn sẽ không thể đứng lên dưới sức ép và không gian chật chội của đám đông.

Quan trọng không kém, một khi bạn ngã, bạn lập tức trở thành "chướng ngại vật" khiến những người xung quanh ngã theo và dẫn đến phản ứng dây chuyền hay hiệu ứng domino khiến cả dòng người ngã theo - đây là một trong những điều kinh hoàng nhất, chính là hiện tượng "đám đông đè nát".

"Chướng ngại vật" trong những đám đông dày đặc là đặc biệt nguy hiểm. Trường hợp tồi tệ nhất chắc chắn là cơ thể ai đó, nhưng ngay cả những thứ vô tri như ba lô cũng có thể trở thành "ngòi nổ" cho phản ứng dây chuyền khi khiến ai đó vấp vào.

3. Bảo vệ vùng không gian quanh ngực

Mặc dù các bộ phim thường miêu tả các nạn nhân tử vong do "giẫm đạp". Trên thực tế, lý do phổ biến nhất cho việc bị tổn thương nặng hay thiệt mạng trong các thảm họa đám đông là do ngạt khí.

Một điều quan trọng là phổi cần không gian để giãn nở trong lồng ngực khi bạn hít thở. Trong một đám đông quá chật chội, bạn sẽ không thể thực hiện việc thở một cách dễ dàng.

Từ vụ việc tại Itaewon, chuyên gia chỉ ra 7 cách sinh tồn trong thảm họa đám đông - Ảnh 3.

Moussaïd khuyến cáo phải bảo vệ vùng ngực để chừa không gian thở trong những trường hợp mắc kẹt trong đám đông.

Moussaïd căn dặn, nếu bạn có thể duy trì đủ không gian để thở, bạn sẽ ổn. Đưa cánh tay ra ngay trước ngực và giữ chúng ở đó. Ở vị trí này, bạn sẽ có một khoảng trống, chỉ một chút, để đẩy thêm nửa cm hoặc chỉ 1 cm - đủ để bạn tiếp tục thở.

"Nó sẽ không được thoải mái. Bạn sẽ cảm thấy thực sự tồi tệ, nhưng ít nhất bạn sẽ sống sót", ông nói.

4. Đừng xô đẩy, hãy thuận theo đám đông

Trong một đám đông, mọi tác động sẽ là phản ứng dây chuyền. Khi bạn đẩy người lân cận, họ sẽ đẩy người bên cạnh họ cho đến khi dòng người chạm chướng ngại vật. Sau đó, sự thúc đẩy được khuếch đại như một làn sóng và quay trở lại phía bạn.

Nếu bạn cảm thấy bị đẩy, đừng đẩy lại. Đừng khuếch đại làn sóng này. Chỉ cần thuận theo "dòng chảy". Cảm giác sẽ rất khó chịu, nhưng đó là cách tốt nhất để cư xử trong tình huống này. Đừng tạo thêm áp lực trong hệ thống.

Trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất, bạn có thể chịu nhiều đợt đẩy cùng một lúc. Đây là điều các nhà khoa học gọi là sự hỗn loạn của đám đông. Bạn không muốn ở nơi có hai con sóng giao nhau, bởi vì áp lực đến từ hai hướng ngược nhau, và điều đó thực sự nguy hiểm.

Sự hỗn loạn của đám đông chính là một thảm kịch.

5. Tránh tường và những vật cứng

Khi quan sát các ca chấn thương và tử vong trong đám đông, nhà khoa học nhận ra chúng thường diễn ra gần các vật thể cứng.

"Như vậy là hợp lý, vì nếu bạn thuận theo dòng chảy của các cơn sóng đẩy, bạn sẽ ổn. Nhưng nếu đứng cạnh tường, bạn sẽ không thể di chuyển và bị làn sóng nghiền ép vào tường".

6. Học cách phát hiện mật độ đám đông

Theo ông, mật độ đám đông hay số người/m2 và biến số tối quan trọng là thứ đầu tiên họ đo đạc khi nghiên cứu. Thông thường sẽ có một ngưỡng giới hạn cho con số này.

Từ vụ việc tại Itaewon, chuyên gia chỉ ra 7 cách sinh tồn trong thảm họa đám đông - Ảnh 4.

Quang cảnh dòng người đông đúc tại Itaewon tối thứ bảy, 29/10

Dưới 5 người/m2 sẽ được coi là ổn, dù không dễ chịu.

Trên 6 người/m2, mọi thứ bắt đầu trở nên nguy hiểm.

8 người/m2: Phần lớn sẽ xảy ra chấn thương hoặc thậm chí là tệ hơn nhiều.

Tuy nhiên, việc hình dung mật độ này không phải đơn giản với tất cả mọi người. Moussaïd đưa ra một bí quyết nhận định là nếu bạn thấy cả 2 vai hay nhiều hướng xung quanh cơ thể bị người khác chạm vào, tức là mật độ đã ở mức 6 người/m2, nếu có thể di chuyển, hãy rời đi ngay lập tức, đó là dấu hiệu cảnh báo.

7. Hãy giúp đỡ người khác

Những hành vi trong đám đông đều có tính lây lan, dù là giúp đỡ và nhân ái với người khác, hay những hành vi tiêu cực như ích kỷ.

Ông khuyên rằng khi bạn bắt đầu giúp đỡ và thân thiện với những người xung quanh, họ cũng sẽ làm thế với người xung quanh họ và lan tỏa thái độ cũng như hành vi tích cực khiến tình hình bớt tồi tệ đi rất nhiều.

Sự khác biệt giữa đám đông sụp đổ/đè nát với vụ giẫm đạp

Mặc dù thuật ngữ "vụ giẫm đạp" là phổ biến cho các bi kịch liên quan đến đám đông mất kiểm soát, vẫn có sự khác biệt giữa giẫm đạp và sụp đổ/đè nát.

Sự việc vừa rồi tại Itaewon (Hàn Quốc) là một ví dụ của đám đông sụp đổ/đè nát khi mọi người không thể di chuyển và thiệt mạng hoặc chấn thương do ngạt khí, hoặc bị đè dưới áp lực quá lớn của cơ thể người khác. Trong những trường hợp này, nạn nhân thậm chí có thể qua đời trong trạng thái đang đứng. Thông thường, những vụ sụp đổ và đè nát thường diễn ra trong không gian hẹp khi đám đông không thể thoát ra.

Tuy nhiên, một vụ giẫm đạp mang nghĩa đám đông trở nên hỗn loạn và sợ hãi vì một lý do nào đó mà di chuyển tán loạn trong trạng thái vẫn còn không gian tự do, dẫn đến nhiều người bị ngã xuống và bị "giẫm" lên bởi đám đông người khác đang cố tháo chạy gây ra chấn thương nặng. Một ví dụ về những vụ giẫm đạp là tại sân vận động Kanjuruhan, Indonesia hồi đầu tháng 10.

Từ vụ việc tại Itaewon, chuyên gia chỉ ra 7 cách sinh tồn trong thảm họa đám đông - Ảnh 5.

Thảm họa ở sân vận động Kanjuruhan hôm 1/10 là một trong những bi kịch thể thao tồi tệ nhất lịch sử

Các vụ giẫm đạp cũng diễn ra dưới cơ chế dây chuyền nhưng thường là bởi phản ứng hoảng loạn trước một nguy hiểm nào đó khiến đám đông di chuyển tán loạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại