Chuyến bay 655 của Iran Air bị hải quân Mỹ bắn rơi ngày 3-7-1988 vẫn là một trong những sự kiện khiến chính phủ Iran luôn nghi ngờ Mỹ hàng thập kỷ qua.
Họ xếp hạng sự kiện trên ngang hàng với cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn năm 1953 - lật đổ thủ tướng đắc cử của nước này và bảo đảm quyền lực tuyệt đối cho Shah Mohammad Reza Pahlavi cho đến khi ông ta từ chức trước Cách mạng Hồi giáo 1979.
Vụ tấn công vào chuyến bay của Iran Air diễn ra sau "Chiến dịch Con bọ ngựa" của hải quân Mỹ, trận hải chiến kéo dài cả ngày 18-4-1988 ở Vịnh Ba Tư giữa các lực lượng Mỹ và Iran trong chiến tranh Iran - Iraq.
Sau trận chiến, lực lượng Mỹ tiếp tục tuần tra các kênh vận chuyển đường thủy trong khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thường xuyên quấy rối hoặc dùng tàu nhỏ bám theo các tàu hàng.
Đó là một chiến thuật được sử dụng cho đến tận ngày nay tại các khoảng hẹp của eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển 20% lượng dầu của thế giới.
Ngay sau khi bình minh ló dạng sáng 3-7-1988, tàu chiến Mỹ USS Vincennes đã điều một chiếc trực thăng bay lượn bên trên những "con tàu thương mại quấy rối" của Iran (theo cách gọi của hải quân Mỹ). Người Iran bị cáo buộc đã bắn vào chiếc trực thăng trên và bị tàu Vincennes đuổi theo.
Tàu chiến Vincennes xâm nhập lãnh hải Iran và bắn vào các tàu Iran ở đó. Khi giao tranh nổ ra, chuyến bay 655 của Iran Air cất cánh từ TP Bandar Abbas - Iran, hướng tới Dubai ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Theo hãng tin AP, tàu chiến Vincennes đã nhầm máy bay thương mại Airbus A300 này với một chiếc F-14 của Iran. Phía Mỹ cho biết hải quân nước này đã thực hiện 11 cuộc gọi cảnh báo vô tuyến ở các tần số khác nhau trước khi tàu Vincennes bắn 2 tên lửa làm rơi máy bay, làm chết tất cả mọi người có mặt trên đó.
Cả nước Iran bị sốc. Nhà chức trách xếp hàng những chiếc quan tài bằng gỗ của một số nạn nhân trước trụ sở quốc hội. Cuối cùng, Iran kiện Mỹ và được bồi thường 131,8 triệu USD.
Tưởng niệm những người thiệt mạng trên chuyến bay của Ukraine bị bắn rơi tại Iran. Ảnh: REUTERS
Sau đó, Mỹ còn trao huân chương cho thuyền trưởng William Rogers của tàu USS Vincennes, khiến Iran càng tức giận.
Trong những năm sau đó, truyền hình nhà nước Iran phát sóng hình ảnh quay trực tiếp cảnh nhiều người khóc than trên những con thuyền đậu tại địa điểm máy bay rơi, thả hoa xuống nước.
Những năm gần đây, những người theo đường lối cứng rắn bắt đầu liên kết thảm kịch trên với cuộc vận động của ông Trump nhắm vào Tehran, trong đó bao gồm việc đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc trên thế giới và áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Quyết định của ông Trump đưa Iran vào số các quốc gia bị cấm visa cũng đã chọc giận những người Iran có người thân ở Mỹ hoặc những người muốn đi học ở Mỹ.
Vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ giết chết Thiếu tướng Vệ binh Cách mạng Qassem Soleimani đã bị đáp trả bằng cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ Iran. Bình minh hôm sau, có tin về vụ rơi máy bay Ukraine.