Từ vụ hàng trăm lính Nga bị thảm sát rùng rợn tới cuộc chiến ở Syria: Trung Đông nóng rẫy?

Bảo Lam |

Cuộc chiến tranh tại Syria đã bước sang giai đoạn mới, IS gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, đã đến lúc phải giải tán liên minh cũ và thành lập liên minh mới.

Trong bài viết trên báo điện tử Topwar.ru (tiếng Nga), tác giả Yury Podolyaka nhận định: Tình thế đã thay đổi, điều đó có nghĩa là liên minh cũng thay đổi. Mọi thứ giống như những gì xảy ra vào năm 1945 khi phát xít Đức bị đập tan.

Giờ đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd lại làm cái điều thông thường mà họ vẫn làm - chém giết lẫn nhau, là lúc nói tới việc chúng ta cần nhìn nhận điều đang xảy ra như thế nào. Thương tiếc ai, lên án ai?

Tuy nhiên những người Kurd đang bị Thổ Nhĩ Kỳ làm tổn thương bất ngờ phát ngôn như người Châu Âu thực sự. Hiện giờ họ kháng án lên Brussels và nhắc nhở Nga tại Moscow về tình hữu nghị khi đề cập tới sự phản bội.

Làm gì với những người Châu Âu khốn khổ và người Nga cam chịu đây? Chẳng gì cả, đơn giản là họ cần phải nhớ tới lịch sử và đưa ra những kết luận tương xứng mà thôi.

Về vụ lính Nga bị thảm sát rùng rợn và lòng can đảm

Vào tháng 9/2013 tại thủ đô của nước cộng hòa Kurdistan Thổ Nhĩ Kỳ, Thành phố Diarbekir, đã khánh thành đài tưởng niệm "Xoa dịu mọi nỗi đau".

Trong buổi lễ, ông Abdullah Demirbash, Thị trưởng thành phố, nhân danh tất cả những người Kurd đã cầu xin sự tha thứ của các nạn nhân vì sự tàn ác của cha ông họ:

"Chúng tôi, những người Kurd, nhân danh cha ông của mình, cầu xin mọi người hãy tha thứ cho cuộc thảm sát vào năm 1915. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để chuộc lỗi và sám hối".

Người đàn ông này nói gì thế? Về sự xoa dịu nào? Giờ đây, khi các phương tiện truyền thông chỉ nói về những người Thổ đã tàn sát gần như tất cả các dân tộc tại Trung Đông trong vòng 100 năm qua: người Armenia, người Kurd, người Hi Lạp, người Assyria thì người đàn ông Kurd "thiếu lý trí" này đang cầu xin sự tha thứ của ai?

Câu chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 1877. Vào cuối tháng 4 năm đó, người Nga tiến vào thành phố Bayazet do quân Thổ rút lui bỏ lại.

Nhưng sau đó 1 tháng, khi tập hợp được khá đông lực lượng (lên tới 25 nghìn người, trong đó có 5 nghìn người Kurd) và tận dụng việc các lực lượng chủ lực của địch đã rút đi, quân Thổ quay lại để phản công bất ngờ nhằm tiêu diệt doanh trại của người Nga còn lại trong thành phố (hai tiểu đoàn, một vài đại đội ở lại bảo vệ các bệnh viện dã chiến).

Lính Nga hiểu rằng không thể đối đầu trực tiếp với một đội quân gồm người Thổ và Kurd có số lượng gấp hàng chục lần, và còn phải bảo vệ người bị thương, họ đã lùi về cố thủ.

Trong những tuần đầu tiên bao vây, đã xảy ra rất ít vụ sát hại, nhưng sau cuộc tấn công bất thành vào giữa tháng 6, khi lính Nga đã đánh bật quân Thổ và Kurd khiến họ tổn thất lớn, một cuộc "thảm sát tại Bayazet" đã xảy ra.

Từ vụ hàng trăm lính Nga bị thảm sát rùng rợn tới cuộc chiến ở Syria: Trung Đông nóng rẫy? - Ảnh 1.

Lực lượng người Kurd Syria. Ảnh: TeleSUR.

Ban đầu có 236 tù binh Nga bị giết (chủ yếu là những người gốc Kavkaz, và nhiều người trong số họ cũng theo đạo Hồi), tiếp sau đến người Armenia - chiếm đa số cư dân thành phố. Những hồi ức của các sĩ quan Nga trong doanh trại bị bao vây và các phóng viên quân sự người Anh có mặt trong hàng ngũ quân Thổ, phần nhiều khá giống nhau.

Cuộc thảm sát tàn ác kéo dài 3 ngày đó đã khiến cả người Châu Âu lẫn người Nga phải thất kinh. Những màn rùng rợn nhất của cuộc thảm sát chỉ thực sự bắt đầu khi các đơn vị quân Thổ rời khỏi thành phố và chỉ còn lại người Kurd làm chủ.

Tất cả những người đàn ông Armenia nào bị "quân giải phóng" bắt gặp đều bỏ mạng, cả phụ nữ và trẻ em cũng bị sát hại, thỉnh thoảng những người sống còn bị ném vào lò lửa để tiêu khiển. Thậm chí những người Kurd khát máu còn sát hại cả những người Thổ dám đứng ra cứu giúp các hàng xóm người Armenia của mình.

Các sĩ quan Thổ kinh sợ trước sự khát máu không giới hạn và khó khăn lắm mới có thể thiết lập trật tự và chấm dứt màn thảm sát. Phóng viên Norman của tờ Times (Anh) có mặt tại hiện trường, dưới sự chứng kiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đã viết:

"Vụ thảm sát tại Bayazet, xúc phạm những ngôi mô của người Nga, vi phạm quy định "cờ trắng" và những hành động tàn ác mới đây nhằm vào những người theo đạo Thiên chúa tại Vana – tất cả những điều đó là căn cứ đầy đủ và lý do xứng đáng để tiếp tục cuộc chiến tranh.

Chúng ta không thể hi vọng rằng một cường quốc vĩ đại như Nga sẽ khoanh tay ngồi yên… Nga sẽ dùng vũ lực để khiến người ta phải tôn trọng quyền của tất cả những con tin theo đạo Thiên chúa và mang tới cho họ quyền và sự bảo vệ ngang bằng với người theo đạo Hồi".

Sự kiện này gần như đã chấn động toàn cõi châu Âu, và ở nhiều quốc gia người ta đã bắt đầu nói tới việc không nên cản trở người Nga thiết lập trật tự tại quốc gia đầy man rợ đó (Đế quốc Osman hay Ottoman).

Tuy nhiên, câu chuyện Bayazet chấm dứt bằng một sự kiện đáng nhớ. Hai tuần sau cuộc thảm sát, một đội phá vây đã đến hỗ trợ doanh trại lính Nga. Mặc dù có quân số lớn hơn gấp 4 lần, nhưng người Kurd đã buông súng bỏ chạy và không quên bắt theo 300 nữ nô lệ trẻ người Armenia.

Còn tiếp đến là năm 1915, khi người Kurd lại một lần nữa "giúp đỡ" người Thổ giải quyết vấn đề Armenia, nhưng theo cách cực đoan và tận gốc rễ.

Để "thưởng" cho sự hợp tác, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép người Kurd giữ lại tất cả những gì cướp được, kể cả đất đai và nhà cửa của các nạn nhân. Chính khi đó thành phố Tigranakert của người Armenia đã biến thành thủ đô Diarbekir của người Kurd.

Và chính ông Abdullah Demirbash đã lên tiếng xin lỗi người Armenia vì điều này vào năm 2013, nhân kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra cuộc thảm sát.

Từ vụ hàng trăm lính Nga bị thảm sát rùng rợn tới cuộc chiến ở Syria: Trung Đông nóng rẫy? - Ảnh 2.

Điều thêm quân tới Dara'a, Quân đội Syria chuẩn bị cho chiến dịch đánh lớn nhằm vào phiến quân.

Phương Đông – vấn đề nhạy cảm và đồng thời cũng nhất thời

Khi nghe tất cả những điều này, người ta như muốn kêu lên: Ở miền đất nào lại diễn ra những thứ như vậy? Hoàn toàn bình thường nếu đó là miền đất Trung Đông.

Không thể nói gì về người Armenia, Assyria và Hi Lạp, lịch sử không cho họ những cơ hội như thế, còn những người Kurd và Thổ, như chúng ta chứng kiến ở trên, thì hoàn toàn có thể.

Tại sao hôm nay chúng ta lại thương tiếc người Kurd và kinh sợ trước những hành động tội ác của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ? Bởi vì chúng ta lên án các sự kiện thông qua những thông tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Mà những cơ quan này sẽ được hưởng lợi từ lòng tiếc thương đó.

Nó hoàn toàn là câu chuyện mang tính địa chính trị, không có gì cá nhân. Ngay khi môi trường chính trị thay đổi, những "con sói" Thổ và "con cừu" Kurd sẽ hoán đổi vị trí, và báo chí châu Âu sẽ tiếc thương những người khác, thậm chí người châu Âu sẽ phải kinh sợ trước sự tàn ác của những kẻ mà chỉ mới đây thôi từng được họ vỗ về.

Thế kỷ XXI – đó là thế kỷ của các cuộc chiến tranh lai (hybrid wars), cho nên ở đây không có gì đáng ngạc nghiên. Đối với người Mỹ, lấy ví dụ, cho đến nay chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Wahhabism tại Ả Rập Xê Út vẫn là thành trì kiên cố ngăn bước dân chủ trong khu vực. Bạn có thấy nực cười không?

Còn những láng giềng của họ, nhiều lần chịu các cuộc tất công của quân đội Mỹ và Ả Rập Xê Út chính vì không đủ mức độ dân chủ ở trong nước của mình, lại không phải vật cản đáng ngại.

Sự bất hòa về tôn giáo tại Đế quốc Ottoman diễn ra trong suốt thế kỷ XIX. Kết quả là xảy ra cuộc thảm sản dân tộc Armenia và sau đó là dân tộc Kurd. Trong khi đó, chính những người Kurd, như chúng ta đã thấy, không phải là những chú cừu vô tội. Đơn giản là hiện giờ họ không may, họ là kẻ yếu. Và đặt niềm tin vào một "đồng minh" không đúng chỗ.

Và đến đây chúng ta có thể đưa ra một điểm quan trọng đối với những gì đang diễn ra. Đánh giá tất cả những sự kiện tại Trung Đông chỉ có thể thông qua lăng kính với các đặc thù của khu vực và chứ không thể thông qua lăng kính "phẩm giá chung" hoặc chủ nghĩa nhân đạo kiểu Nga.

Điều này có thể dẫn tới kết cục như thế nào, chúng ta nhìn vào nước Đức, nơi những nạn nhân từng cần sự vỗ về của cuộc chiến tại Syria, bất ngờ biến thành những tên cướp ngang tàng và không khoan nhượng, đang khủng bố tất cả những ai từng vỗ về chúng.

Từ vụ hàng trăm lính Nga bị thảm sát rùng rợn tới cuộc chiến ở Syria: Trung Đông nóng rẫy? - Ảnh 3.

Đặc nhiệm Nga trong chiến dịch giải phóng thành cổ Palmyra lần 2 ở Syria.

Và những người Đức không thể hiểu được rằng, theo cảm nhận của những kẻ tị nạn, họ chỉ là những kẻ yếu đuối, và điều đó có nghĩa là họ phải phục tùng. Và ở đây không phải là sự cố tình hay vô ơn. Đơn giản là vì người dân Trung Đông được dạy dỗ như thế…

Thật vô nghĩa khi đánh giá những hành động của người Kurd vào năm 1877 và 1915 trên quan điểm các chuẩn mực giá trị của người châu Âu và người Nga. Đối với họ chỉ có một từ duy nhất để mô tả: Tàn ác. Nhưng chính những người Kurd cũng không cần phải than khóc với người châu Âu mà họ chỉ nhớ tới khi bị "ăn đòn".

Đây là Phương Đông, nơi tồn tại những luật chơi và tiêu chuẩn hành xử của riêng nó, và để giành được chiến thắng ở nơi này, cần phải làm quen và hành động căn cứ từ những quy tắc nói trên. Nơi đây chỉ tôn trọng sức mạnh chứ không phải những chuẩn mực giá trị theo kiểu phương Tây nào đó.

Mọi thứ rất đơn giản: Khi đã phô diễn sức mạnh, và bạn là đối tác được tôn trọng với đặc quyền đưa ra mệnh lệnh; khi lên tiếng phải trái – hãy chờ một mũi dao nhọn đâm vào lưng và bạn đừng có giận. Không có gì cá nhân, đơn giản chỉ vì bạn không hòa mình vào "thị trường" chính trị bản địa.

Nga phải sẵn sàng đánh tất cả. Hôm nay là Ankara - đồng minh của Moscow, và cùng trừng trị vì sự liều lĩnh của những người Kurd, đồng minh với Mỹ. Nhưng ngày mai mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại