Từ vụ ám sát tướng Soleimani đến nhà khoa học Fakhrizadeh, vì sao Iran vẫn tiếp tục nhẫn nhịn?

An An |

Từ cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani hồi đầu năm, đến cái chết của nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh lần này, Iran đã liên tiếp hứng chịu những đòn tấn công bất ngờ.

Người Iran tham gia tang lễ của ông Fakhrizadeh. Ảnh: BQP Iran

Người Iran tham gia tang lễ của ông Fakhrizadeh. Ảnh: BQP Iran

PGS Trung Quốc: Có khả năng Israel gây ra vụ ám sát

Nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh đã bị ám sát ngày 27/11 và tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện. Mặc dù không có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ ám sát nhưng rõ ràng Iran đã chĩa mũi dùi vào Israel và Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei đe dọa nước này sẽ báo thù.

Các đại sứ quán của Israel trên khắp thế giới cũng ngay lập tức nâng mức cảnh báo. Theo truyền thông Israel, các cộng đồng người Do Thái trên khắp thế giới cũng được khuyến cáo phải luôn cảnh giác.

Fakhrizadeh là người đứng đầu chương trình hạt nhân của Bộ Quốc phòng Iran. Các cơ quan tình báo phương Tây luôn tin rằng ông đóng một vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã "chỉ đích danh" Fakhrizadeh khi nói về chương trình hạt nhân của Iran trong năm 2018.

Chia sẻ với báo tiếng Hoa Đa chiều, Phó giáo sư tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Tây Bắc, Trung Quốc Vương Tấn, cho rằng mọi thứ hiện nay vẫn chưa thực sự rõ rằng, phương thức ám sát ông Fakhrizadeh không giống với phương thức ám sát thường thấy mà Mỹ và Israel tiến hành ám sát những nhân vật quan trọng của Iran.

Thông thường, các vụ ám sát do Israel thực hiện thường có xu hướng sử dụng cách thức như đầu độc và bắn tỉa tầm xa (cũng có thông tin tiết lộ ông Fakhrizadeh bị ám sát bằng súng điều khiển từ xa). Còn Mỹ thường tiêu diệt mục tiêu thông qua các cuộc tấn công bằng tên lửa thay vì điều động vũ trang, bởi vì một khi những người này bị bắt giữ, có thể để lại chứng cứ.

Nhưng ông này tin rằng Israel là bên có khả năng nhất đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công này, và mối quan hệ giữa Iran và Israel, cũng như mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã phủ một bóng đen mới do ảnh hưởng từ bụ việc này.

"Về mặt thời gian, nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp kết thúc. Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nói rõ rằng ông ấy sẽ liên lạc với Iran sau khi ông nhậm chức. Đây rõ ràng là điều mà Israel không muốn thấy. Đồng thời, chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Iran cũng đã đến thời điểm quan trọng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế gần đây đã chỉ trích việc Iran di chuyển các máy ly tâm tại căn cứ hạt nhân Natanz xuống dưới lòng đất, điều này không có lợi cho sự giám sát của Israel vì sợ rằng Iran sẽ đạt được đột phá công nghệ hạt nhân trong tương lai. Do đó, Israel rất có khả năng đã ra tay trước để dành lợi thế", Phó Giáo sư Trung Quốc nhận định.

Từ vụ ám sát tướng Soleimani đến nhà khoa học Fakhrizadeh, vì sao Iran vẫn tiếp tục nhẫn nhịn? - Ảnh 1.

Người biểu tình cầm hình ảnh của nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh trong cuộc biểu tình ở Tehran vào thứ Bảy, ngày 28/11. Ảnh: NYT

Vì sao Iran kiên nhẫn?

Các nhà phân tích chính trị Mỹ lo ngại vụ ám sát Fakhrizadeh xảy ra vào thời kỳ cuối của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể để lại vấn đề nhức nhối cho chính quyền Biden, người sẽ nhậm chức vào năm tới.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Bernie Sanders cho biết trên Twitter rằng, vụ ám sát nhà khoa học Iran là nhằm mục đích làm gián đoạn cuộc đối thoại có thể xảy ra giữa Iran và chính phủ sắp tới của Mỹ. Cựu giám đốc CIA John Brennan kêu gọi "Iran kiềm chế mong muốn trả thù và chờ đợi lãnh đạo Mỹ trở lại trường quốc tế".

Những lo lắng của Đảng Dân chủ là không thừa. Theo Phó Giáo sư Trung Quốc, đối với Israel, họ không muốn thấy Mỹ và Iran xích lại gần nhau hơn, bởi vì chính sách Trung Đông trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump tập trung vào các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Nếu chính phủ mới của Mỹ muốn tái phối hợp với Iran, điều đó có nghĩa là tất cả các chính sách Trung Đông của thời ông Trump đều trở nên vô ích.

Từ cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hồi đầu năm, đến cái chết của nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh lần này, Iran đã liên tiếp hứng chịu những đòn tấn công bất ngờ.

Nhưng có quan điểm cho rằng, Iran nên hiểu rằng, việc nhỏ không nhẫn dễ làm hỏng việc lớn. Bởi nếu Biden đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi ông nhậm chức thì đây là vấn đề tốt cho Iran.

Trong vài năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Iran và Nga, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được củng cố, liên minh Nga - Thổ - Iran đã cho thấy một xu hướng phát triển trong ván cờ địa chính trị của toàn bộ Trung Đông, điều này cũng có lợi cho Iran.

Ông Vương Tấn cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng Iran chắc chắn sẽ tiếp tục kiên nhẫn, bởi điều kiện kinh tế và xã hội trong nước của Iran không quá tốt, sức ép hiện nay quá lớn nên khó có thể thực hiện thêm các cuộc phản công ra bên ngoài.

Tuy nhiên, ông này tin rằng, Iran vẫn sẽ trả đũa trong tương lai. Các phương pháp trả đũa chính sẽ tập trung vào việc phát triển vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như tăng lượng uranium làm giàu và đương lượng nổ của các vụ thử hạt nhân.

Nhưng ngoài điều này, Iran rất có thể sẽ không thực hiện bất kỳ động thái lớn nào khác. "Bởi vì Iran không có khả năng và các đồng minh của họ không sẵn sàng (hợp tác), và phía Iran rất có khả năng nghĩ rằng (thời kỳ sóng gió do vụ ám sát Fakhrizadeh gây ra) sẽ sớm qua đi. Sau khi chính quyền Biden lên cầm quyền, Iran có thể có môi trường bên ngoài không giống như trước, vì vậy Iran sẽ chịu đựng cho đến khi chính quyền Biden lên nắm quyền".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại