Từ vụ ám sát ở Iran: Chiến trường tương lai sẽ không người, vũ khí tự động khóa và tiêu diệt mục tiêu chỉ định

An An |

Khi vũ khí điều khiển từ xa như máy bay không người lái ngày càng trở nên tối tân hơn và được nhiều quốc gia sở hữu, thì hành động ám sát sẽ trở nên phổ biến hơn.

Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh gần đây đã thu hút nhiều sự chú ý, ông không phải là nhà khoa học hạt nhân Iran đầu tiên bị ám sát bởi trong những năm gần đây, nhiều nhân vật quan trọng của Iran cũng đã bị ám sát.

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), mặc dù thường bị cộng đồng quốc tế lên án vì gây ra thương vong cho dân thường và tác động của nó cũng gây tranh cãi trong nội bộ các nước, nhưng những vụ ám sát này đang ngày càng được các nước phương Tây như Mỹ và Israel sử dụng. Nó đã trở thành một phương tiện thay thế để phát động các hoạt động quân sự quy mô lớn.

Đáng chú ý là khi vũ khí điều khiển từ xa như máy bay không người lái ngày càng trở nên tối tân hơn và được nhiều quốc gia sở hữu, thì hành động chỉ điểm tiêu diệt mục tiêu, hành động "chặt đầu", ám sát sẽ trở nên phổ biến hơn. Do đó, việc ra tay mà không cần tuyên chiến có khả năng trở thành "trạng thái bình thường mới" giữa các nước thù địch.

Hình thức ám sát thay đổi theo thời gian

Trên thực tế, chính phủ Israel luôn tuyên bố rằng họ sẽ không dung thứ cho việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học hạt nhân của Iran bị ám sát. Theo số liệu, từ năm 2010 đến 2012, tổng cộng 4 nhà khoa học hạt nhân Iran đã bị ám sát, thiệt mạng và một nhà khoa học bị thương trong một vụ mưu sát.

Vào ngày 12/1/2010, nhà vật lý hạt nhân Masood Ali Mohamedi của Đại học Tehran đã thiệt mạng trong một vụ nổ bom xe máy. Sau đó, chính phủ Iran đã bắt giữ và kết án tử hình một kẻ sát nhân người Iran tên là Majid Jamali-Fash. Truyền thông Iran đưa tin Fash thú nhận rằng hắn đã nhận tiền tài trợ từ các đặc vụ Israel.

Vào ngày 29/11/2010, Giáo sư vật lý hạt nhân Majid Shahriari thuộc Đại học Shahid Beheshti cũng bị sát hại bởi một quả bom từ trường gắn vào ô tô của ông.

Ngày 23/7/2011, nhà vật lý hạt nhân Darioush Rezai - Nejad bị bắn chết tại nhà riêng. Sau vụ ám sát, Ali Larijani, Chủ tịch Quốc hội Iran vào thời điểm đó, cáo buộc Mỹ và Israel đã lên kế hoạch cho vụ sát hại, nhưng Nhà Trắng đã phủ nhận.

Vào ngày 11/1/2012, một vụ nổ ô tô đã xảy ra ở thủ đô Tehran, chuyên gia hóa học người Iran Mostafa Ahmadi Roshan tử vong ngay tại chỗ. Được biết, ông đã làm việc cho cơ sở hạt nhân Natanz của Iran và chịu trách nhiệm mua bán liên quan đến việc làm giàu uranium.

Theo lời kể của các nhân chứng, một kẻ tấn công đi xe moto đã gài bom vào chiếc xe của Roshan, sau đó chiếc xe phát nổ. Vụ việc diễn ra vào thời điểm quan trọng về vấn đề hạt nhân Iran, phía Iran lên án Israel và các cơ quan tình báo Mỹ đã cùng nhau lên kế hoạch cho vụ ám sát nhằm ngăn chặn sự tiến bộ của chương trình hạt nhân của Iran. Vào thời điểm đó, Mỹ phủ nhận và Israel từ chối bình luận.

Từ vụ ám sát ở Iran: Chiến trường tương lai sẽ không người, vũ khí tự động khóa và tiêu diệt mục tiêu chỉ định - Ảnh 1.

Nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: CCTV

Tuy nhiên, với vụ ám sát Fakhrizadeh, đây là vụ việc xảy ra lần đầu tiên kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết nên đang được quan tâm đặc biệt.

Trước đó, vào ngày 3/1 năm nay, Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của quân đội Mỹ bên ngoài sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ ám sát.

Các chuyên gia Iran phân tích, trong vài thập kỷ qua, liên tục xảy ra các vụ ám sát ở khu vực Trung Đông, trong đó có Iran. Và các phương pháp ám sát liên tục thay đổi. Sự thay đổi của các phương pháp ám sát như sau: Nổ súng - đặt bom hẹn giờ - bom xe - bom ven đường - máy bay không người lái - vũ khí tự động và điều khiển từ xa. Hãng thông tấn Iran Fars nói rằng Soleimani là quan chức Iran đầu tiên thiệt mạng trong một vụ ám sát bằng máy bay không người lái và phương pháp được sử dụng để ám sát Fakhrizadeh lần này cho thấy tiến bộ công nghệ cũng như cách biệt về thông tin và an ninh giữa hai bên.

Cộng đồng quốc tế lên án

Theo CCTV, hành động chỉ định tiêu diệt mục tiêu của Israel có thể được bắt nguồn từ đầu những năm 1970 khi tổ chức tình báo Mossad ám sát các nhà lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine để ngăn cản các hoạt động chống Israel của người Palestine.

Hành động chỉ định tiêu diệt mục tiêu quy mô lớn của Israel bắt đầu trong cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine. Vào tháng 9/2000, để trả đũa cho các vụ đánh bom liều chết của các tổ chức cấp tiến Palestine, chính phủ Israel đã thực hiện việc tiêu diệt mục tiêu nhằm vào các quan chức cấp cao và thành viên chủ chốt của các phe phái khác nhau ở Palestine.

Vào ngày 22/3/2004, Israel đã giết Sheikh Ahmed Yassin, người sáng lập và lãnh đạo tinh thần của tổ chức Hamas bằng biện pháp chỉ định tiêu diệt mục tiêu, gây ra một làn sóng phản đối lớn. Vụ việc cũng đã làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi trong cộng đồng quốc tế về phương pháp ám sát này. Tổng thư ký Liên hợp quốc khi đó là Kofi Annan đã lên án mạnh mẽ việc Israel cố ý ám sát nhà lãnh đạo tinh thần Hamas Yassin và cho rằng động thái của Israel không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn không có lợi cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Trung Đông.

Vào thời điểm đó, tất cả các quốc gia trên thế giới đều lên án vụ việc. Lãnh đạo Nga, Pháp, Liên minh châu Âu, Ả Rập Saudi đều đưa ra những tuyên bố gay gắt, thậm chí Ngoại trưởng Anh Jack Straw cũng lên án vụ ám sát Yassin là "không thể chấp nhận" và "không công bằng". Ông nói, "Israel cũng không được lợi ích gì khi giết một ông già ngồi trên xe lăn".

Tuy nhiên, sự lên án của cộng đồng quốc tế không ngăn được hoạt động chỉ định tiêu diệt mục tiêu của Israel. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2000 đến năm 2010, Israel đã thực hiện 213 vụ, giết chết 239 người Palestine.

Sau sự kiện 11/9, Mỹ cũng sử dụng chiến thuật chỉ định tiêu diệt mục tiêu quy mô lớn ở Afghanistan và Iraq. Sau năm 2009, chính quyền Barack Obama đã mở rộng phạm vi áp dụng chiến thuật này với các cuộc không kích bằng máy bay không người lái trong hai nhiệm kỳ nắm quyền Tổng thống. Tuy nhiên, chiến thuật này cũng gây thương vong lớn cho dân thường.

Từ vụ ám sát ở Iran: Chiến trường tương lai sẽ không người, vũ khí tự động khóa và tiêu diệt mục tiêu chỉ định - Ảnh 2.

Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: CCTV

Sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, ông đã trực tiếp sử dụng các lệnh hành pháp để cho phép các cơ quan tình báo Mỹ không tiết lộ thương vong dân sự do máy bay không người lái gây ra.

Sau khi Mỹ ám sát Tướng Iran Soleimani vào tháng 1/2020, nhiều nước bày tỏ lo ngại tình hình khu vực xấu đi và lên án vụ ám sát. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng việc sát hại Soleimani "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và cần bị lên án".

Trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran lần này, các quốc gia như Đức, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Lebanon cũng lần lượt lên án. Mặc dù Ả Rập Saudi là đối thủ chính của Iran ở Trung Đông nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 1/12, Đại sứ Ả Rập Saudi tại Liên hợp quốc cho biết, vụ ám sát không giúp cải thiện tình hình, cái chết của một nhà khoa học hạt nhân là tổn thất đối với người dân Hồi giáo, nhưng ông cũng kêu gọi Iran cần kiềm chế để tránh leo thang tình hình.

Chỉ định tiêu diệt mang lại một vòng luẩn quẩn

Hành động chỉ định tiêu diệt mục tiêu đã được Mỹ thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng hiệu quả của nó cũng gây tranh cãi trong chính quốc gia của mình. Các hành động chỉ định tiêu diệt mục tiêu quy mô lớn của Israel ở Palestine đã không giải quyết được các vấn đề an ninh của nước này mà ngược lại, nó tiếp tục gây chấn thương tâm lý cho người Palestine và gây ra một đợt trả đũa mới, không ngừng xuất hiện những người Palestine "tử vì đạo" mới và tạo ra một vòng luẩn quẩn. Ví dụ, vào tháng 7/2002, sau khi Israel giết Salah Shehada, một nhà lãnh đạo quân sự quan trọng của Hamas thì đến cuối tháng, Hamas đã đáp trả bằng vụ nổ tàn khốc vào Đại học Hebrew ở Jerusalem.

Đầu năm 2020, một báo cáo do tổ chức phi chính phủ Anh Drone Wars công bố cho thấy, các nước Anh, Mỹ đang ngày càng sử dụng máy bay không người lái để "chỉ định tiêu diệt" những nhân vật của đối phương và từ chối tiết lộ chi tiết với lý do bí mật quân sự nhằm qua mặt trình tự pháp lý bình thường. Đây là xu hướng rất đáng lo ngại.

Tác giả của báo cáo, Joanna Frew, nói với The Guardian (Anh) rằng miễn là mục tiêu của cuộc tấn công được mô tả "vô cùng tồi tệ", cuộc tấn công dường như "vượt qua phạm vi của luật pháp và không cần biện minh pháp lý nữa".

Mặt khác, chính phủ Anh và Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết của các hoạt động chỉ định tiêu diệt mục tiêu với lý do bí mật quân sự, do đó tránh các cuộc thảo luận chính sách rộng hơn.

Không thể chối cãi rằng việc sử dụng máy bay không người lái để thực hiện các hoạt động chỉ định tiêu diệt mục tiêu đang trở nên bình thường hóa", Chris Cole, Giám đốc tổ chức Drone Wars nói. "Các quy tắc của luật pháp quốc tế đã bị xói mòn và thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại