Người chuyển giới: Bị hiếp dâm cũng không được pháp luật bảo vệ

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Đây chỉ là một trong những thách thức về mặt pháp lý mà một người chuyển giới sang nữ có thể gặp phải trong thực tế.

Mở đầu buổi hội thảo “Chuyển giới: Người vô hình trong pháp luật Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức, Th.S Lê Quang Bình – Viện trưởng iSEE chia sẻ:

“Nhiều người chuyển giới dường như đang sống “ngoài vòng pháp luật”, do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thật sau phẫu thuật. Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.

“Đã đến lúc xã hội và Nhà nước phải thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và trong đời song thực tế”, ông Bình nói.

Th.S Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) (Ảnh: Tuấn Nam)

Th.S Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) (Ảnh: Tuấn Nam)

Theo TS Phạm Quỳnh Phương (Viện nghiên cứu Văn hóa) – một diễn giả trong buổi Hội thảo, đổi tên, thay đổi giấy tờ và phẫu thuật thay đổi giới tính là 3 thách thức chính về vấn đề pháp lý đối với người chuyển giới.

Trong đó, quyền đổi tên bị giới hạn bởi điều 1 khoản 36 Nghị định 158/2005/NĐ-CP. Pháp luật cũng chỉ cho phép người liên giới tính thay đổi giấy tờ và khoản 1 điều 4 của Nghị định 88/2008/NĐ-CP cấm “Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”.

Theo vị Tiến sỹ này, người chuyển giới đang ở trong ma trận rào cản – những vòng luẩn quẩn chưa lối thoát.

Đưa ra một số ví dụ giả thiết về việc người chuyển giới không được pháp luật bảo vệ, ông Lương Thế Huy – một cán bộ pháp lý của iSEE: Vì không được thay đổi giấy tờ nên không thể kết hôn dù tình yêu giữa họ với người còn lại là quan hệ dị tính (khác giới).

Vị cán bộ này lấy ví dụ thêm: Trong trường hợp nếu một người chuyển giới sang nữ mà bị hiếp dâm thì sẽ không được pháp luật bảo vệ bởi trên giấy tờ, đó là nam giới. Mà trong pháp luật hình sự, không có quy định về việc nam giới bị hiếp dâm…

Ngoài ra, ông Huy cũng bày tỏ sự lo ngại nếu mã số định danh công dân chỉ được cấp 1 lần (có ghi rõ giới tính) thì sẽ là điều khó khăn không nhỏ đối với một người muốn chuyển giới.

Tại hội thảo, bạn Jessica -  một đại diện người chuyển giới sang nữ ở miền Nam (tên thật là Nguyễn Hữu T muốn đổi tên thành Nguyễn Huỳnh T.A) chia sẻ về những khó khăn mà mình gặp phải:

“Tôi cảm thấy khó khăn khi đi xin việc làm. Lúc chưa đổi hình, đi đâu cũng bị hỏi về sự khác nhau giữa giấy tờ và hình thực tế. Giờ đã đổi hình nhưng chưa đổi tên. Về sức khỏe, tôi đang gặp vấn đề vì chưa có cơ sở y tế nào tư vấn, giúp đỡ trong việc tiêm hoóc-môn”.

“Em muốn được đổi tên, giấy tờ. Về phương diện tình cảm, em mong muốn đổi giới tính”, bạn Jessica bày tỏ mong muốn.

Theo iSEE, Bộ Luật Dân sự đang được lấy ý kiến cho việc sửa đổi và trình Quốc hội vào tháng 10/2014. Nhiều người chuyển giới tại Hội thảo bày tỏ mong muốn được Bộ Luật bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân cua rmình như quyền phẫu thuật xác định lại giới tính, quyền đổi tên, quyền được thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật…

"Người vô hình" trong pháp luật

Theo iSEE, người chuyển giới – những người mang giới tính sinh học nữa khát khao trở thành nam, và những người mang giới tính sinh học năm tìn rằng mình là nữ đã luôn luôn tồn tại như một bộ phận của xã hội từ xưa đến nay, nhưng với tư cách “người bên lề” của xã hội, và “người vô hình” trong pháp luật.

Các nghiên cứu trên góc độ quyền của người chuyển giới do đơn vị này tiến hành trong những năm gần đây đã cho thấy rất nhiều vấn đề mà những người chuyển giới đang phải đối mặt.

Về sức khỏe, người chuyển giới gặp nhiều vấn đề cả thể chất lẫn tinh thần. Họ không dám đi khám tại các cơ sở y tế bị kỳ thị, tự dùng hoóc-môn không có hướng dẫn, phẫu thuật cấy ghép “chui” do không được pháp luật cho phép. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và cả bạo lực từ gia đình và xã hội đã khiến cho nhiều người trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc hành động tự tử trên thực tế.

Dù có học vấn hay không, người chuyển giới cũng hầu như không xin được việc dù đây là nguyện vọng tha thiết để đảm bảo sự sinh tồn. Hậu quả là nhiều người phải làm những công việc chịu sự kỳ thị nặng nề hơn nhưu đi hát đám ma hoặc thậm chí bán dâm.

Người chuyển giới hầu như không được sự thừa nhận và bảo vệ của pháp luật, bởi pháp luật Việt Nam hiện không cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu) cũng như trong các đăng ký nhân thân khác (như khai sinh, hộ tịch…) trừ trường hợp giới tính sinh học có khuyết tật bẩm sinh hoặc phải nhờ sự can thiệp của y học mới định hình chính xác. Pháp luật cũng không cho phép phẫu thuật chuyển giới dựa theo ý muốn chủ quan.

 Xem thêm Clip tình yêu của người chuyển giới

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại