Xin hỏi giữa đêm khuya cảnh sát khu vực cùng dân phòng gõ cửa kiểm tra dãy phòng trọ về thủ tục đăng ký tạm trú mà không có chủ phòng trọ và đại diện tổ trưởng hoặc tổ phó an ninh đi cùng thì có đúng không? Trường hợp này thường xuyên xảy ra tại xã Bình Hưng, quận 8, TP.HCM.
Trả lời:
Theo khoản 1, điều 26 thông tư số 52/2010/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cư trú, nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25-6-2007 và nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24-5-2010, thông tư 52 thì “Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự”. Do đó, việc kiểm tra thủ tục đăng ký tạm trú giữa đêm khuya là được phép.
Về ý thứ hai bạn hỏi, theo khoản 4, điều 26 thông tư 52 thì “cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia”.
Một trong những quyền hạn của bảo vệ dân phố là “theo sự phân công hướng dẫn của lực lượng công an hoặc lực lượng chức năng khác, bảo vệ dân phố được tham gia truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, người trốn thi hành án hoặc kiểm tra tạm trú, tạm vắng, kiểm tra giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân khác của người tạm trú, người có biểu hiện nghi vấn đến cư trú trên địa bàn” (điểm 3.1 mục III thông tư liên tịch 02).
Bảo vệ dân phố bị nghiêm cấm tự ý kiểm tra giấy tờ, hàng hóa, phương tiện hoặc vào nơi ở của công dân để kiểm tra, kiểm soát trái quy định của pháp luật (điểm 3.2 mục III thông tư liên tịch 02).
Trong mối quan hệ với cảnh sát khu vực thì “bảo vệ dân phố vừa chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác giữ gìn an ninh trật tự, vừa phối hợp, giúp đỡ lực lượng cảnh sát khu vực trong công tác” (điểm 2.2 mục VI thông tư liên tịch 02). Như vậy, không bắt buộc phải có sự hiện diện của tổ trưởng hoặc tổ phó tổ bảo vệ dân phố khi công an khu vực tiến hành kiểm tra thủ tục đăng ký tạm trú.
Theo khoản 3 điều 30 Luật cư trú thì “người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”.
Như vậy, việc đăng ký tạm trú là trách nhiệm của cá nhân người tạm trú, còn chủ nhà chỉ là người xác nhận cho phép tạm trú. Do đó, nếu không có sự hiện diện của chủ nhà trọ thì công an khu vực vẫn được tiến hành kiểm tra thủ tục đăng ký tạm trú đối với những người đang ở nhà trọ đó.