Có nguy cơ trắng tay vì tất cả tài sản đứng tên vợ

Độc giả: Ngọc Tú – Lạng Sơn |

(Soha.vn) - Toàn bộ giấy tờ mua bán các tài sản đều đứng tên của của vợ tôi, nay cô ấy ngoại tình với người yêu cũ rồi đòi chia tay.

Chào Luật sư!

Tôi năm nay 30 tuổi, tôi đã lập gia đình từ năm 2008 và hiện nay đã có 2 người con. 1 người con trai 3 tuổi và người con gái 2 tuổi. Sau nhiều năm tích góp, tôi và vợ có mua được mảnh đất và làm được ngôi nhà nhưng chưa có sổ. Toàn bộ giấy tờ mua bán đều đứng tên của của cô ta.

Gần 1 năm nay, cuộc sống vợ chồng chúng tôi không hợp nhau nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Vì công việc nên tôi thường đi công tác xa. Những lúc vậy, vợ tôi lại đưa con về nhà bà ngoại và lén lút đi ngoại tình với người yêu cũ.

Sau nhiều cuộc cãi vã, vợ chồng tôi nói chuyện với nhau và cô ấy tỏ ý muốn ly hôn nên đã làm đơn và gửi lên tòa. Trong đơn ly hôn phần tài sản chung thì có ghi là tự thỏa thuận nhưng thực tế thì cô ta và gia đình của cô ta không thỏa thuận mà muốn chiếm đoạt nên đã giấu toàn bộ giấy tờ mua bán đất, giấy khai sinh của con và sổ hộ khẩu gia đình hiện đang ở.

Sau khi được Tòa Án triệu tập thì tôi có gửi bản tự khai trình bày toàn bộ sự việc kèm theo 1 đơn đề nghị bổ sung vụ kiện ly hôn trong đó có đề nghị Tòa án xem xét về tư cách và quyền nuôi con cho tôi và đề nghị Tòa đứng ra phân chia tài sản chung. Nhưng sau đó cô ta rút đơn ly hôn về và Tòa đã ra quyết định hòa giải thành công.

Nay một lần nữa cô ta lại gửi đơn ly hôn đơn phương lên Tòa chỉ sau mấy tháng khi có quyết định hòa giải đoàn tụ thành công của Tòa, và hiện tại Tòa lại có giấy triệu tập tôi vào tháng 5 tới đây.

Nhưng hiện tại tôi phải đi công tác ở nước ngoài trong thời gian 2 năm. Thời hạn visa của tôi thì sắp hết hạn. Với lại về phần tài sản chung giữa tôi với cô ta vẫn chưa có giải quyết thỏa đáng nào.

Vì tôi sắp phải đi, không có thời gian ở nhà để giải quyết nên hiện tại tôi muốn Tòa án dừng giải quyết vụ án ly hôn này cho đến khi tôi đi công tác từ nước ngoài về nước và khi tài sản chung của chúng tôi tự thỏa thuận giải quyết xong.

Vậy mong Luật sư tư vấn cho tôi làm cách nào và gửi đơn ra sao để tạm thời dừng vụ việc ly hôn này lại cho đến khi tôi về và thỏa thuận phân chia tài sản chung giữa tôi và cô ta rõ ràng.

Cũng mong Luật sư tư vấn giúp tôi, khi vợ ngoại tình như thế, thường xuyên bỏ bê nhà cửa thì tôi có được quyền nuôi con không, tôi phải làm những gì để được nuôi con. Và về vấn đề tài sản chung thì tôi nên làm như thế nào khi vợ và gia đình nhà ngoại muốn chiếm hữu toàn bộ vì giấy tờ mua bán đều mang tên của cô ta.

Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Ths. Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính trả lời:

Căn cứ các thông tin bạn cung cấp, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến pháp lý để bạn tham khảo:

Do vợ chồng bạn không tự thỏa thuận được các vấn đề liên quan đến việc ly hôn như con cái, phân chia tài sản nên hiện nay, Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ việc với tính chất là một vụ án ly hôn do vợ bạn đứng tên trong đơn khởi kiện.

Trong trường hợp bạn phải đi công tác xa, lâu ngày, không có điều kiện tham gia vụ án được, bạn có thể làm đơn xin tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án gửi đến Tòa án cùng các chứng cứ chứng minh cho lý do của bạn. Tòa án sẽ xem xét, nếu có cơ sở, đủ điều kiện, Tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Liên quan đến vấn đề phân chia tài sản khi ly hôn, điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

Điều 95. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, trong trường hợp hai vợ chồng không tự thỏa thuận được, và phải nhờ đến Tòa án quyết định, bạn cần cung cấp cho Tòa án các bằng chứng chứng minh những tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, là công sức đóng góp của cả hai vợ chồng. Giấy tờ mua bán nhà mặc dù chỉ đứng tên vợ, hoặc chồng nhưng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, và không có căn cứ chứng minh đó là tài sản của riêng vợ hoặc chồng thì về nguyên tắc, Tòa án vẫn có thể quyết định căn nhà đó là tài sản chung của hai vợ chồng.

Liên quan đến vấn đề nuôi con sau khi ly hôn, điều 92 Luật Hôn nhân gia đình quy định:

Điều 92. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Trong trường hợp của bạn, nếu một cháu đã 3 tuổi, một cháu 2 tuổi, và cả hai vợ chồng đều có điều kiện và yêu cầu được nuôi con thì trong thực tiễn xét xử các vụ án ly hôn, Tòa án thường sẽ quyết định mỗi người sẽ có trách nhiệm nuôi một cháu.

Luật sư Chu Mạnh Cường

Luật sư Chu Mạnh Cường -Trưởng văn phòng LS Danh Chính từng tham gia nhiều vụ án lớn, tạo nên uy tín như vụ Tiên Lãng, vụ Phương Ninh hột...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại