Án treo là gì? Điều kiện hưởng án treo?

Minh Đức |

(Soha.vn) - Tôi mong luật sư tư vấn cho tôi biết án treo là gì? Điều kiện gì để được hưởng án treo? Trường hợp của con tôi có thể được hưởng án treo không?

Câu hỏi:

Con trai tôi làm công tác địa chính ở xã, gia đình tôi cũng không được biết cụ thể công việc của cháu như thế nào nhưng vừa qua cháu bị cơ quan công an bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hiện nay, tôi được biết Tòa án chuẩn bị đưa vụ án của cháu ra xét xử. Tôi có nghe mọi người nói pháp luật hình sự nước ta có quy định về án treo là một loại án mà người phạm tội vẫn được ở nhà, không phải đi tù.

Tôi mong luật sư tư vấn cho tôi biết án treo là gì? điều kiện gì để được hưởng án treo? Trường hợp của con tôi có thể được hưởng án treo không?

Luật sư Bùi Phương Lan – Phó trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính trả lời.

Căn cứ các thông tin ông cung cấp, sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến pháp lý để ông tham khảo.

Bộ luật Hình sự có quy định.

Điều 60. Án treo

1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.

4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Tòa án có thể rút ngắn thời gian thử thách.

5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.

Theo quy định của pháp luật thì án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Về bản chất pháp lý, người bị Tòa án tuyên án treo vẫn là người có tội, có án, nhưng được miễn thực hiện bản án đó có điều kiện.

Điều kiện để được hưởng án treo:

  • Bị xử phạt tù không quá ba năm, tức là bản án mà Tòa án tuyên đối với người phạm tội phải từ ba năm tù trở xuống thì mới có thể được hưởng án treo.
  • Người phạm tội phải là người có nhân thân tốt, chưa bị tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng.
  • Có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 46 Bộ luật Hình sự.
  • Sau khi xem xét, đánh giá các điều kiện trên, Tòa án nhận thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội mà vẫn có thể cải tạo được.

Về nguyên tắc, khi Tòa án tuyên cho người phạm tội một mức án không quá ba năm nhưng cho hưởng án treo thì luôn kèm theo một thời gian thử thách từ một năm đến năm năm. Nếu trong thời gian thử thách là người phạm tội lại phạm tội mới thì Tòa án sẽ buộc họ phải thực hiện bản án “đã cho treo” sau khi đã tổng hợp với bản án của tội mới.

Đối với trường hợp cụ thể của con trai ông, do ông không đưa ra thông tin cụ thể là con ông bị truy tố, xét xử theo khoản nào của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nên khó có thể đưa ra ý kiến tư vấn chính xác. Tuy nhiên, trong trường hợp con trai ông có nhân thân tốt, chưa từng bị tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, khắc phục hậu quả xảy ra, có nơi cư trú rõ ràng, được Tòa án tuyên mức án không quá ba năm tù thì có cơ sở đề nghị Tòa án áp dụng điều 60 Bộ luật Hình sự để cho hưởng án treo.

Luật sư Bùi Phương Lan

Luật sư Bùi Phương Lan hiện là phó trưởng văn phòng luật sư Danh Chính. Luật sư Bùi Phương Lan có 8 năm trong nghề với những kinh nghiệm về các vụ án hình sự, dân sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại