Ngày đầu năm 2021, cảnh sát Na Uy bất ngờ phát hiện một thi thể dạt vào bờ biển khu vực Karmoy, hạt Rogaland. Đó là một bé trai mới chỉ 15 tháng tuổi, bị chết đuối vì ngạt nước. Không ai biết em bé đến từ đâu, và vì thế một cuộc điều tra đã được mở ra.
"Chúng tôi không thấy bất kỳ báo cáo tìm trẻ lạc nào tại Na Uy, cũng không thấy gia đình nào liên hệ," - Camilla Tjelle Waage, trưởng đội điều tra của cảnh sát Na Uy cho biết.
"Bộ áo màu xanh em bé mặc cũng không đến từ một thương hiệu nào của Na Uy. Điều đó cho thấy, có thể em bé không phải là người của quốc gia này."
Em bé Artin chết thương tâm, thi thể được tìm thấy tại bãi biển Na Uy
Nửa năm điều tra và câu chuyện đau lòng phía sau
Bằng phương pháp xác định truy vết ADN, cảnh sát cuối cùng cũng xác định được thi thể thuộc về một đứa trẻ có tên Artin.
"Các chuyên gia tại Bộ Khoa học Pháp y từ Bệnh viện ĐH Oslo cuối cùng đã xác định được mẫu ADN từ thi thể," - cảnh sát Na Uy thông báo hôm 8/6.
Artin là một bé trai người Kurd. Ngày 27/10/2020, bé Artin cùng gia đình, Rasoul Iran-Nejad (35 tuổi), Shiva Mohammad Panahi (35 tuổi), Anita (9 tuổi), và Armin (9 tuổi) lên một chiếc thuyền để vượt biển. Tai họa xảy ra, chiếc thuyền chìm giữa biển khơi, và cả gia đình đều tử vong.
Gia đình Artin đến từ thành phố Sardasht phía Tây Iran, gần biên giới Iraq. 15 người di cư đi cùng gia đình Artin được đưa tới bệnh viện, sau đó cuộc điều tra về vụ chìm tàu được tiến hành. Trong khi đó, họ hàng tại Na Uy của gia đình Artin ngóng trông, mong sự thật về cái chết của thân nhân họ.
Bộ quần áo khi tìm thấy thi thể Artin
Nihayat, dì của Artin là người họ hàng đầu tiên khai báo với cảnh sát. "Tôi đau buồn, nhưng cũng nửa vui mừng," - bà cho biết. "Mừng vì thi thể Artin cuối cùng đã được tìm thấy. Còn buồn vì thằng bé đã ra đi mãi mãi."
Shavin - một người dì khác của Artin tại Thụy Sĩ thì muốn cậu bé đoàn tụ cùng gia đình mình, đồng thời cho biết sẽ hoàn thiện giấy tờ để đưa thi thể bé trở về Sardasht, Iran.
Theo BBC công bố, chỉ một thời gian ngắn sau khi vụ chìm thuyền xảy ra, họ phát hiện hàng loạt tin nhắn được cho là do bà Mohammad Panahi (nạn nhân) gửi đi. Trong đó có cả tin nhắn cho thấy họ có nhận thức được mối nguy hiểm khi băng qua eo biển Manche (tên tiếng Anh: English Channel) bằng thuyền. Tuy nhiên, họ không có bất kỳ lựa chọn nào khác.
"Nếu muốn đi bằng tàu phà, chúng tôi cần nhiều tiền hơn thế," - trích một tin nhắn do bà Panahi gửi đi.
"Tôi có quá nhiều nỗi đau trong tim, và giờ khi rời Iran, tôi muốn quên đi mọi thứ trong quá khứ," - trích một tin nhắn khác.
Được biết, gia đình cậu bé có thể đã phải trả cho những kẻ buôn người ít nhất 6000 USD để cùng 23 người khác vượt biển tới Anh. Trước đó, họ đã từng tìm cách vào Anh 2 lần, nhưng đều thất bại.
Theo một quan chức người Pháp, có 19 người đã được tìm thấy sau sau vụ tai nạn. Nhưng một tổ chức nhân quyền tại Kurd cho hay chuyến đi có tổng cộng 28 người, nghĩa là nhiều người vẫn chưa được tìm thấy.
Gia đình bé Artin
Tại trại tị nạn Dunkirk, một người di cư tên Bilal Gaf cho biết gia đình nạn nhân đã trú gần lều của anh khoảng 3 - 4 ngày trước khi rời đi. Gaf cho biết, Artin là cậu bé rất nổi tiếng trong trại tị nạn.
"Đó là một cậu bé thực sự vui vẻ," - anh nói, tay chìa ra bức hình chụp chung với Artin, chụp cách đó khoảng 10 ngày.
"Ai cũng buồn, nhưng chúng tôi có thể làm gì chứ? Chẳng gì hết, chỉ khóc được thôi."
Khalil, anh trai của Rasul Iran Nezhad lần cuối cùng nghe tin từ em trai là lúc họ cố gắng vượt biên. Hành trình của họ đi từ Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ, rồi tìm cách để qua châu Âu. Theo Khalil, em trai mình muốn đưa cả nhà đến Anh để "có một cuộc sống tốt đẹp hơn" so với những gì phải nhận ở Iran. Được biết trong gia đình, Rasul là lao động chính nhưng cũng chỉ kiếm được rất ít tiền.
Câu chuyện của gia đình Artin là một thảm kịch đầy đau xót, nhưng nó chỉ là bề nổi của tảng băng lớn hơn như thế. Mỗi năm, có hàng ngàn người tộc Kurd đặt sinh mạng của mình và gia đình vào tay những kẻ buôn người, để tìm cách đến châu Âu tị nạn. Bởi lẽ, khu vực của tộc Kurd tại Iran là một nơi chịu đựng quá nhiều đau khổ, từ tranh chấp chính trị cho đến chênh lệch giàu nghèo hết sức kinh khủng.
Hiện tại, có khoảng 25 - 35 triệu người Kurd sinh sống tại các vùng núi phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran và Armenia. Họ là tộc người đông thứ 4 của vùng Trung Đông.