Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang
Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Theo đó, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Nghị quyết 27 nêu rõ: Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Trong đó, sẽ xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:
1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
3 bảng lương mới theo vị trí việc làm áp dụng đối với lực lượng vũ trang được xây dựng dựa trên các yếu tố sau:
Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Mức lương mới không thấp hơn mức lương cũ
Trước đó, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương lực lượng vũ trang và cơ yếu vừa tổ chức hội nghị xây dựng các bảng lương mới và chế độ phụ cấp đặc thù của lực lượng vũ trang và cơ yếu.
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất quan điểm xây dựng các bảng lương của lực lượng vũ trang phải phù hợp với tổ chức, biên chế và tính chất đặc thù của lực lượng vũ trang. Tiền lương phải gắn theo vị trí việc làm, yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong lực lượng vũ trang.
Cải cách chính sách phải gắn với việc thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, gắn với vị trí công tác, thể hiện được thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật của chức vụ, chức danh đảm nhiệm; giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng trong lực lượng vũ trang.
Các đại biểu cũng thống nhất nguyên tắc xây dựng bảng lương sĩ quan theo 2 thành tố: Lương chức vụ (hoặc lương chức danh) và lương quân hàm, cấp hàm. Trong đó, lương chức vụ (hoặc lương chức danh) được xác định theo nhóm trên cơ sở các chức vụ, chức danh cơ bản, các bậc chức vụ, chức danh tương đương. Lương quân hàm, cấp hàm được xây dựng theo cấp bậc quân hàm, cấp hàm quy định trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.
Xây dựng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật, công nhân quốc phòng, công nhân Công an trên cơ sở vị trí nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, yêu cầu trình độ của vị trí đảm nhiệm và chức vụ chỉ huy, lãnh đạo, quản lý.
Đảm bảo thống nhất về mức lương được hưởng ở các chức vụ tương đương giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an… Xây dựng bảng lương mới bảo đảm thuận lợi cho chuyển xếp lương cũ sang lương mới, mức lương mới không thấp hơn mức lương cũ...