"TQ cần 1.000 đầu đạn hạt nhân để răn đe Mỹ"
Ngày 9/5, tổng biên tập thời báo Hoàn Cầu Hu Xijin đăng tải một bài xã luận kêu gọi Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân của nước này lên "1.000 đầu đạn" trong thời gian ngắn và "thu hẹp khoảng cách hạt nhân với Mỹ".
Động thái này diễn ra sau khi tờ Hoàn Cầu đăng một bản tin dẫn lời các chuyên gia phân tích nhận định rằng Trung Quốc "đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân để răn đe ‘những cái đầu hiếu chiến’ ở Mỹ".
Theo bài báo, sở dĩ Trung Quốc tăng cường cảnh giác như vậy là do Mỹ vẫn tiếp tục điều B1-B bay qua biển Hoa Đông và Lầu Năm Góc còn có kế hoạch trang bị cho lực lượng thủy quân lục chiến ở Thái Bình Dương các tên lửa hành trình Tomahawk.
Kế hoạch phân bổ ngân sách quốc phòng năm 2020 của Mỹ kêu gọi triển khai đầu đạn hạt nhân W76-2 trên các tàu ngầm – đề xuất này phù hợp với Bản đánh giá vị thế hạt nhân năm 2018 của Mỹ. Đây là bản báo cáo đã khiến tờ Hoàn Cầu dấy lên hồi chuông báo động trong suốt 2 năm qua.
Chính quyền Tổng thống Trump đang tiếp tục thúc đẩy để đưa Trung Quốc vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới với Nga.
Tổng biên tập Hu Xijin (Hồ Tích Tiến) của tờ Global Times thuộc quản lý của Nhân Dân Nhật Báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) - Ảnh: SCMP
Trong bài xã luận của mình, ông Hu viết: "Nếu khởi xướng một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm vào Trung Quốc, Mỹ sẽ không có bất cứ cơ hội nào để giành phần thắng – Đó là năng lực răn đe hạt nhân mà Trung Quốc cần bảo toàn".
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Mitchell Blatt trên tạp chí National Interest, mặc dù Hoàn Cầu là một tờ báo thuộc quyền quản lý của nhà nước Trung Quốc nhưng không phải vì thế mà tiếng nói của tờ này đại diện cho tiếng nói của chính phủ Trung Quốc.
Cũng cần đặt câu hỏi về tầm ảnh hưởng của "những chuyên gia" được đề cập đến trong bài viết đăng ngày 8/5 trên Hoàn Cầu, và cần lưu ý rằng bình luận của họ không củng cố cho đề xuất của ông Hu.
Chuyên gia đầu tiên là Song Zhongping – nhà bình luận truyền hình, tốt nghiệp một trường đào tạo của quân đội Trung QUốc (PLA).
Ông Song đã đóng góp nhiều bài viết vào mục op-ed (mục tranh luận của các ý kiến trái với quan điểm của ban biên tập trong một tờ báo, thường xuất hiện trong các ấn phẩm báo chí phương Tây) trên thời báo Hoàn Cầu, đồng thời được đề cập và dẫn nhận định trên nhiều bài viết về quân sự khác của tờ này.
Song Zhongping thường cho thấy quan điểm ủng hộ chủ nghĩa dân tộc tương đối hung hăng. Trong bài viết ngày 8/5 trên tờ Hoàn Cầu, ông Song cho rằng: "Trung Quốc phải mở rộng kho vũ khí hạt nhân".
Ông Hu kêu gọi Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân của nước này lên 1.000 để kiềm chế Mỹ. Ảnh minh họa: Twitter
Chuyên gia thứ hai - Wei Dongxu bình luận rằng Trung Quốc nên nâng cấp lực lượng hạt nhân của mình. Đáng lưu ý, không có ai trong số hai chuyên gia này kêu gọi Trung Quốc tăng lên 1.000 đầu đạn hạt nhân hoặc nhiều hơn.
Ai cũng biết Trung Quốc có ý định mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này, nhưng các dự đoán thiên về con số vài trăm, chứ không phải vài nghìn.
Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ dự đoán Trung Quốc có thể tăng gấp đôi số đầu đạn hạt nhân trong thập kỷ tới, tức là sẽ tăng từ hơn 250 lên khoảng 500-600 đầu đạn. Mỹ hiện có 3.800 đầu đạn hạt nhân hoạt động, trong đó 1.600 đầu đạn đã được triển khai.
Truyền thông phương Tây rơi vào "bẫy" của Trung Quốc
Theo nhà phân tích Mitchell Blatt, những lời kêu gọi Trung Quốc tăng lên ít nhất 1.000 đầu đạn của ông Hu ban đầu được viết trong 3 đoạn văn bằng tiếng Trung đăng tải trên microblog của mạng xã hội Weibo, nhưng sau đó ông này đã đưa vấn đề gây tranh cãi đó vào bài xã luận bằng tiếng Anh.
Dù bằng cách nào thì các con số đều vượt xa những gì các chuyên gia Trung Quốc đang đề xuất và những gì giới chuyên gia Mỹ quan sát được về Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa kho vũ khí bằng các tên lửa tầm xa và tăng cường khắc phục các điểm yếu trong bộ ba hạt nhân, nhưng phương châm hiện đại hóa của họ tập trung vào chất lượng, chứ không chỉ số lượng.
Bài viết của ông Hu đã thành công trong việc kích động những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, đồng thời thu hút sự chú ý cả ở trong và ngoài nước. Bài đăng đầu tiên của ông này trên Weibo đã được hàng chục nghìn người chia sẻ và được một số hãng thông tấn như Reuters, Epoch Times dẫn lại.
Theo nhà phân tích Mitchell Blatt, "vũ khí ngôn từ" của ông Hu đã "đánh trúng mục tiêu", và đây không phải là lần đầu tiên. Chỉ trong hai ngày qua, tờ Spectator dẫn lại lời ông Hu gọi Australia như là "miếng kẹo cao su dính trên đế giày của Trung Quốc" và cần được "loại bỏ" sau khi Canberra kêu gọi mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona.
Trong khi đó, hãng tin CNN cũng dẫn lại lời ông này chỉ trích rằng: "Sự bất tài của chính phủ Mỹ giống như một chiếc gương, nó phản ảnh mức độ đáng tin cậy của chính phủ Trung Quốc".
Những gì đang diễn ra đã cho thấy một sự thay đổi trong chiến lược truyền thông của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc đang tăng cường lợi dụng các kênh truyền thông xã hội của phương Tây để đưa quan điểm của họ ra thế giới và khiến nó lan truyền mạnh mẽ.
Trung Quốc đang thay đổi chiến lược truyền thông. Trong ảnh: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lijian Zhao (Ảnh: CNN)
Trước đây, có một câu nói móc trên truyền thông xã hội Trung Quốc như sau: Các cư dân mạng Trung Quốc thường để mắt tới tài khoản Twitter của Tổng thống Obama để luyện tập tiếng Anh, giờ đây họ đọc các dòng tweet của Tổng thống Trump và tự nhận thấy tiếng Anh của mình đã rất tốt!
Tuy nhiên, nếu người Trung Quốc không học tiếng Anh từ những gì đăng trên tài khoản Twitter của ông Trump thì cái mà họ học là chiến thuật truyền thông xã hội.
Số lượng người follow Twitter của ông Hu đã tăng từ con số 20.000 hồi tháng 4 năm ngoái lên hơn 254.000.
Lijian Zhao - phó tổng cục trưởng của vụ thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nổi lên như một "ngôi sao" Twitter thành công nhất của chính phủ Trung Quốc.
Ông Zhao được biết đến là người đã thúc đẩy, làm lan truyền thuyết âm mưu rằng virus SARS-CoV-2 là do lính Mỹ mang tới Vũ Hán. Điều đáng nói là cách ông này dựa vào những blog thuyết âm mưu của phương Tây để làm căn cứ cho phát ngôn của mình.
Ông Zhao đã dẫn link tới địa chỉ blog GlobalResearch.ca của Canada trong một số bài đăng của mình. Động thái này tạo cảm giác như thể ông này tế nhị chi ra rằng mạng lưới internet tự do và công khai ở phương Tây "ô uế" tới mức nào. Virus SARS-CoV-2 có thể không được sản sinh từ Bắc Mỹ nhưng theo thuyết âm mưu thì là như vậy.
Cũng trong trường hợp đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai (Thôi Thiên Khải) bày tỏ quan điểm ôn hòa hơn: Tránh các thuyết âm mưu và trò chơi đổ lỗi.
Có thể ví ông Zhao như thời báo Hoàn Cầu, trong khi ông Cui như tờ People’s Daily (tờ People's Daily có độ chính thống cao hơn tờ Hoàn Cầu).
Lời kêu gọi của ông Hu về việc tăng cường sản xuất đầu đạn hạt nhân không phản ảnh chính sách chính thức của Trung Quốc nhưng nó cho thấy quan điểm của nước này.
Theo ông Blatt, nếu Mỹ muốn tác động sự thay đổi ở Trung Quốc như thể hiện qua việc họ để Phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger có bài phát biểu tại Mandarin nhằm trực diện vào Trung Quốc, thì chiến lược của họ có lẽ sẽ phản tác dụng.
Vào thời điểm khi Trung Quốc nhận thấy mình có thể bị tấn công, họ đã tuyên truyền, làm cho người dân nước này thấm nhuần chủ nghĩa dân tộc và từ đó cho phép chính phủ Trung Quốc tạo ra một kẻ thù chung.
*** Các bình luận trong bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Mitchell Blatt