Từ S-400 đến can thiệp Libya: Thổ Nhĩ Kỳ như "viên thuốc độc" khiến NATO sớm tàn lụi?

Mạnh Kiên |

Trên thực tế Thổ Nhĩ Kỳ là mắt xích yếu nhất trong liên minh NATO và sự hiện diện của Ankara giống như viên thuốc độc sẽ khiến liên minh tàn lụi.

Khi hai quốc gia đồng minh "chĩa súng" vào nhau, NATO đang đứng trên bờ vực của sự tan vỡ. Đây là điều mà nhiều nhà quan sát quân sự lo ngại, đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua liên tục làm mích lòng phương Tây.

Vào ngày 7/6, một tàu chở hàng của Thổ Nhĩ Kỳ được hộ tống bởi ba tàu chiến rời cảng đến Libya. Một tàu khu trục Pháp đã tiến hành chặn con tàu khi nhận được thông báo Ankara có thể đang mang theo thiết bị quân sự cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA), trái với lệnh cấm vận vũ khí do Liên Hợp Quốc áp đặt. Tranh cãi xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho kiểm tra con tàu.

Pháp đã lên án các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và đệ đơn khiếu nại chính thức với NATO. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu một lời xin lỗi từ Pháp. Đáp lại, Pháp đã rút lực lượng bảo vệ biển và yêu cầu NATO thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya, một hành động sẽ gây xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cái gai Thổ Nhĩ Kỳ

Tình huống dẫn đến cuộc đối đầu giữa hai đồng minh NATO ở vùng biển ngoài khơi Libya chỉ là một trong số nhiều bất đồng vốn có của NATO nhấn mạnh thực tế rằng liên minh 71 tuổi này dường như không còn phù hợp.

Ngày càng có nhiều câu hỏi về mục đích tồn tại của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương sau Chiến tranh Lạnh khi tổ chức này ngày càng mâu thuẫn với chính nó. Thủ phạm xoay quanh các tranh cãi này là Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào tháng 2/1952, quốc gia này đã trở thành một thành viên đặc biệt. Tầm quan trọng quân sự của Ankara đối với liên minh là vô cùng lớn. Bằng cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ lên cùng con tàu, NATO không chỉ bảo đảm an ninh sườn phía Nam với Liên Xô, mà còn bảo đảm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ có thể liên minh với Moscow.

Tuy nhiên, đổi lại, NATO đã phải bỏ qua nhiều vấn đề gây bất lợi cho chính mình. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là con dao hai lưỡi.

Đảo chiều

Trong quá khứ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tổ chức đảo chính chống lại chính quyền dân sự.

Mỹ và các đồng minh NATO khác thường làm ngơ trước tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ về việc lật đổ các chính phủ dân sự được bầu cử hợp pháp, bởi phương Tây cũng cho rằng đó là một sự thay thế tốt hơn cho các chính quyền không chia sẻ giá trị cốt lõi với NATO.

Từ S-400 đến can thiệp Libya: Thổ Nhĩ Kỳ như viên thuốc độc khiến NATO sớm tàn lụi? - Ảnh 1.

Sự tồn tại của liên minh 71 tuổi luôn bị đặt dấu hỏi.

Câu chuyện thay đổi vào tháng 7/2016, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong nỗ lực đảo chính Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong đó nhiều sĩ quan đứng sau có khuynh hướng thân NATO.

Kể từ cuộc đảo chính thất bại, Tổng thống Erdogan đã định hình lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên kết về mặt tư tưởng với tầm nhìn của ông về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trên thế giới - một tầm nhìn thường trái ngược với các mục tiêu của NATO.

Có lẽ biểu hiện rõ ràng nhất của sự mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Mỹ đã đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ bằng các biện pháp trừng phạt đối với động thái này và chấm dứt sự tham gia của Ankara trong chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35.

Các mâu thuẫn khu vực khác bao gồm hành động tiến công vào lãnh thổ phía Bắc Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc xung đột sau đó với các lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.

Ngoài ra còn có hoạt động quân sự đang diễn ra của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq, được thực hiện mà không có sự cho phép của Chính phủ Iraq; và sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với GNA tại Libya.

Chính sự hỗ trợ này cho GNA - xuất hiện dưới hình thức vận chuyển vũ khí và hỗ trợ nhân lực - đã gây ra sự cố hải quân với Pháp và khiến Thổ Nhĩ Kỳ va chạm nảy lửa với NATO.

Liên minh NATO đã phải vật lộn với sự tồn tại của chính mình kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Đã có nhiều vết thương tồn tại trong liên minh nhưng vết thương lớn nhất là sự không tương thích vốn có của mục tiêu xây dựng lại ánh hào quang Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ (động lực đằng sau sự can thiệp vào Libya) với trật tự dựa trên quy tắc mà NATO thiết lập.

Tờ RT đánh giá, vụ việc giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ phơi bày điểm yếu cơ bản của NATO, một tổ chức tuyệt vọng trong việc tìm kiếm sự gắn kết. Trên thực tế Thổ Nhĩ Kỳ là mắt xích yếu nhất trong liên minh này, và sự hiện diện Ankara giống như viên thuốc độc sẽ khiến liên minh tàn lụi. Câu hỏi duy nhất chỉ là: Bao giờ điều đó xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại