Thế số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2017 đạt 19,3 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng 8. Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 154,3 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 9 đạt 14 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng 8, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong 9 tháng lên 109,1 tỷ USD, tăng 21,4%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 18,2 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng 8. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 153,9 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, cán cân thương mại tháng 9 đạt mức thặng dư 1,1 tỷ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 328 triệu USD.
Số liệu xuất nhập khẩu lũy kế theo từng tháng 2017
Con số này vượt so với số liệu ước tính của Tổng cục Thống công bố trước đó. Theo số liệu từ Tổng cục, tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2017, Việt Nam nhập siêu 442 triệu USD.
Đây được coi là tín hiệu đáng mừng bởi các năm gần đây Việt Nam luôn là nước có tỷ lệ nhập siêu cao.
Trong tháng 9, có 3 mặt hàng nhập khẩu vượt mức 1 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 3,7 tỷ USD, tăng 22,3% so với tháng 8. Đứng thứ 2 là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,6 tỷ USD giảm 9,6%. Đứng thứ 3 là điện thoại các loại và linh kiện với 1,9 tỷ USD, tăng 32,6%.
Nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD trong tháng 9 có xu hướng giảm so với tháng 8, trừ mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện.
Có 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong nhóm này là hàng dệt may (2,3 tỷ USD, giảm 11,2%); giày dép các loại (1,04 tỷ USD, giảm 17,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,4 tỷ USD, giảm 0,4%); điện thoại các loại và linh kiện (4,8 tỷ USD, tăng 17,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (1,07 tỷ USD, giảm 13,2%).