Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
Song trùng - Doppelganger là một khái niệm đang gây sốt kể từ khi phim "Us" của "thánh meme" Jordan Peele ra mắt. Trong phim, Adelaide, gia đình của cô và cả một tiểu bang của Mỹ đã bị chính những phiên bản khác với dung mạo giống hệt mình - các doppelganger - săn đuổi, sát hại.
Doppelganger vốn là một từ xuất phát từ tiếng Đức, mang ý nghĩa chỉ một bản sao "ma quái" của người đang sống. Bản sao này có thể hiện ra trước mặt, ở một nơi quạnh hiu nào đó, hoặc trong gương - giống như Adelaide và Red của "Us" lúc gặp nhau. Ngày nay, cụm từ này còn được dùng để chỉ trường hợp những người xa lạ nhưng giống nhau như có máu mủ ruột rà vậy.
Us là một bộ phim mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ, khiến người xem phải đau đầu suy nghĩ. Và khi suy nghĩ, nhiều người cũng vô tình đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải ai cũng có cho mình một phiên bản sinh đôi ở đâu đó trên thế giới này?
Khi bạn gặp bản sao của chính mình
Hãy ngắm những bức ảnh trên xem, bạn nghĩ ai trong số này là một cặp sinh đôi thực sự?
Đáp án là không cặp nào là sinh đôi hết hết! Tất cả mọi người trong các tấm hình trên đều chẳng hề quen biết. Họ chỉ tình cờ gặp nhau trong một bữa tiệc, một quán bar, hay tình cờ là đồng nghiệp của nhau. Vậy mà họ giống nhau đến kinh ngạc, còn hơn cả anh chị em ruột nữa.
Và đây chỉ là vài ví dụ trong số nhiều trường hợp ghi nhận mình đã gặp được "bản sao" của đời mình. Nhưng nếu bạn nghĩ mình có thể gặp được một song trùng ở đâu đó, thì khoa học sẽ làm bạn vỡ mộng ngay.
Xác suất có "song trùng" là cực thấp
Năm 2015, Teghan Lucas - một nhà nghiên cứu từ ĐH Adelaide (Úc) đã thực hiện một thí nghiệm để đánh nguy cơ nhầm lẫn giữa người vô tội và tội phạm nếu cả 2 giống nhau về ngoại hình.
Thí nghiệm yêu cầu phân tích chi tiết khuôn mặt của hơn 4000 người, đo lường kích thước của 8 bộ phận chính trên mặt rồi đưa ra xác suất lặp trên người khác. Và kết quả, để bắt gặp được 2 người bất kỳ có các đặc điểm trên mặt giống nhau là... 1: ngàn tỉ.
Để gặp được người giống nhau như tạc, xác suất gần như là không tưởng (Ảnh minh họa)
Đó mới chỉ là 8 thôi đấy. Nếu xét về vẻ ngoài hoàn toàn tương đồng, các đặc điểm giống nhau phải lớn hơn con số 8 rất nhiều. Hay nói cách khác về mặt lý thuyết, việc bạn gặp được một song trùng giống hệt mình là điều không tưởng, trừ phi có một "thế lực" bí mật nào đó trợ giúp.
Tại sao có nhiều người gặp được "song trùng" của mình?
Đúng thật! Nếu như tỷ lệ gặp người giống người thấp đến mức không tưởng, cớ sao lại có nhiều người gặp được bản sao của chính mình đến vậy?
Đây là 2 người đàn ông chẳng có quan hệ gì với nhau, chỉ tình cờ gặp trên một chuyến bay, nhưng họ khác gì anh em sinh đôi đâu
Câu trả lời nằm ở não bộ. Chính xác hơn là ở cách não bộ nhìn nhận các gương mặt ta gặp trong đời.
Trong nghiên cứu của Lucas, các đặc điểm trên gương mặt được đo với chỉ số chính xác tuyệt đối, với sai số chưa đầy 1mm. Tuy nhiên sự thật là mắt và não bộ con người khó lòng chính xác được như thế. Chúng ta nhận mặt người dựa trên các đường nét tổng quát trên cơ thể. Vậy nên trừ phi cố tình cải trang, bạn sẽ vẫn nhận ra người quen dù họ đổi kiểu tóc hoặc trang điểm khác mọi ngày.
Trong một nghiên cứu khác của Nick Fieller - chuyên gia dự án "Nhận diện khuôn mặt" của Mỹ, mỗi người chúng ta khi muốn nhận diện ai thường tập trung vào một số đặc điểm như kiểu tóc, lông mày, rồi hướng đến mắt, miệng... Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng não bộ có xu hướng phớt lờ một số hình ảnh khó so sánh khi đánh giá vẻ ngoài.
Chỉ cần giống nhau ở một vài đặc điểm, bạn sẽ thấy có những người trông giống nhau như tạc
Kết hợp lại, điều này có nghĩa là 2 người dù khác nhau, nhưng chỉ cần giống ở một vài đặc điểm như kiểu tóc, mũi, dáng miệng, mắt... não bộ sẵn sàng bỏ qua mọi sự khác biệt mà cho rằng họ giống nhau như anh em sinh đôi. Và từ đây, việc bạn gặp được một người giống mình sẽ có xác suất cao hơn rất nhiều.
Lấy ví dụ: A là người châu Âu có tóc vàng, mắt nâu, mũi to, mặt tròn, râu rậm. Theo thống kê, có 55% dân số thế giới mang màu mắt nâu, 10% có khuôn mặt tròn, 24,2% người mũi bự, 82% nam giới để tóc ngắn trong đó 2% mang màu vàng tự nhiên, 1/6 có râu rậm, và 1/2 người trên Trái đất có giới tính nam.
Thử một phép nhân đơn giản: Giới tính nam x Mắt nâu x Tóc vàng x Tóc ngắn x Mặt tròn x Mũi to x Râu rậm. Kết quả cho thấy xác suất một người sở hữu tất cả đặc điểm trên là gần 1/50.000 (0,001819%).
Nghĩa là trong hơn 7 tỉ dân số trên thế giới, A có đến... hơn 140.000 bản sao tiềm năng. Để so sánh thì còn đông hơn hội "Người xích" trong "Us" ấy chứ.
Cựu tổng thống Mỹ Obama (trái) và "song trùng" của ông - chàng trai người Indonesia Ilham Anas
Cần lưu ý rằng phép tính vừa rồi chỉ mang tính ước lượng và không hoàn toàn chính xác. Mà kể cả khi nó chính xác, thì những "bản sao" tiềm năng nói trên không thực sự là Doppelganger vì họ không giống nhau hoàn toàn. Đó chỉ là những người tình có nhiều đặc điểm giống nhau được não bộ đánh đồng mà thôi.
Dù vậy, chừng này cũng đủ để giải thích rằng bạn có một cơ hội không nhỏ để gặp được người giống như mình - không chỉ một, mà có đến cả trăm ngàn người. Dù vậy, tỉ lệ này ở mỗi người sẽ có chút khác biệt. Nếu sở hữu một vẻ ngoài khá bình thường - thậm chí là mờ nhạt - tỉ lệ gặp "bản sao" sẽ cao hơn một chút.
Tham khảo: US, BBC