Ông Phạm Văn Lợi (Thừa Thiên - Huế) sinh ngày 10/11/1962, nhập ngũ tháng 2/1982. Tháng 11/1991, ông phục viên, được thanh toán 1 lần. Tháng 12/1996, ông Lợi được bầu làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã.
Do sức khỏe yếu, tháng 4/2012, ông xin nghỉ việc nhưng tiếp tục đóng BHXH và đóng tổng cộng được 25 năm 1 tháng.
Ông Lợi hỏi, ông có được cộng nối thời gian phục vụ quân đội không? Ngày tháng năm nào thì ông được nhận lương hưu?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Về cộng nối thời gian công tác trong quân đội: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, nếu thời gian công tác trong quân đội của ông từ tháng 2/1982 đến tháng 11/1991 chưa giải quyết hưởng chế độ, trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì thời gian này được cộng nối với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.
Việc xem xét, giải quyết cộng nối thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể. Đề nghị ông cung cấp hồ sơ đến cơ quan BHXH nơi cư trú để được xem xét, giải quyết theo quy định.
Về thời điểm hưởng lương hưu: Căn cứ quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 thì từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu theo Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019. Đề nghị ông theo dõi thông tin truyền thông để nắm được quy định về tuổi nghỉ hưu khi Chính phủ ban hành và liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được trả lời cụ thể về thời điểm nghỉ hưu đối với ông.