Kể từ 1/7, những tài khoản thực hiện giao dịch qua ngân hàng trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng cho một lần hoặc 20 triệu đồng trong một ngày sẽ phải đáp ứng yêu cầu về xác thực sinh trắc học đối chiếu với kho dữ liệu quốc gia về dân cư.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người chưa hoàn tất thủ tục xác thực này vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, quy định này là cần thiết, nhằm tăng tính bảo mật cho khách hàng.
Thường xuyên có nhu cầu giao dịch giá trị lớn nên bắt buộc phải xác thực sinh trắc học. Chị Loan đã thử tự thực hiện đối chiếu dữ liệu tại nhà nhưng chưa thành công.
Chị Lương Thanh Loan - Quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Hôm nay tôi đến quầy giao dịch và cũng có nhu cầu cần được hỗ trợ thu thập dữ liệu về sinh trắc học Thực ra, tôi cũng thường xuyên thực hiện những giao dịch chuyển tiền khá lớn nên tôi nghĩ mình cần thiết phải thu thập sinh trắc học, đảm bảo an toàn hơn cho tôi".
Xác nhận bằng sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trực tuyến giúp hạn chế tình trạng người dùng mất tiền oan
Những ngày gần mốc ngày 1/7, nhiều khách hàng đã được hỗ trợ ngay tại quầy giao dịch của các ngân hàng, để kịp thời đáp ứng quy đinh mới. Sau khi hoàn tất xác thực sinh trắc học, khách hàng cảm thấy an tâm hơn khi thực hiện các giao dịch chuyển khoản có giá trị lớn.
Chị Nguyễn Phương Thanh - Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội chia sẻ: "Việc xác thực sinh trắc học những khoản giao dịch trên 10 triệu có thể phần nào giúp tôi an tâm hơn, tránh bị lừa đảo, tránh bị hack giao dịch mà hiện nay tôi thấy rất nhiều trên mạng".
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ, hiện vẫn còn nhiều trường hợp kẻ gian sử dụng chứng minh thư giả, mua tài khoản ngân hàng của người khác, hoặc đánh cắp mật khẩu của người dùng để thực hiện giao dịch chuyển tiền tới tài khoản không xác thực, nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, yêu cầu xác nhận bằng sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trực tuyến sẽ giúp hạn chế tình trạng người dùng mất tiền oan, bởi những hành vi lừa đảo.
Ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: "Có thể người dùng bị dẫn dụ chuyển tiền vào tài khoản này, nhưng để chuyển được tiền đi, trên 10 triệu phải có gương mặt của chính chủ. Tội phạm dùng chính tài khoản tội phạm cho đúng mặt thì phải lưu lại dấu vết ở ngân hàng, sau này truy vết rất dễ. Còn lại tình trạng mua bán tài khoản thì có thể mua bán tài khoản, nhưng mặt không thể mua bán được. Phải có chính chủ có mặt thì mới chuyển tiền được, cũng góp phần ngăn chặn dòng tiền gian lận".
Trước băn khoăn của nhiều người về việc tiếp tục phải cung cấp, đối chiếu dữ liệu có an toàn không, đại diện Bộ Công An cho biết, đây là quy trình khép kín và hoàn toàn được đảm bảo.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao nêu ý kiến: "Dữ liệu chúng tôi sử dụng chỉ làm tốt cho người dân, để tạo ra môi trường minh bạch để người dân an toàn trên môi trường này. Người dân phải hiểu đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, phối hợp cùng với Nhà nước trong đề án 06 Chuyển đổi số".
Để đảm bảo giao dịch của người dân được an toàn, hiện Bộ Công an và ngành Ngân hàng đã thực hiện làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử.