Thời Tam Quốc loạn lạc, nhân tài và anh hùng xuất hiện không ít. Có anh hùng dũng mãnh đến mức quyết một trận thư hùng trên chiến trường; lại cũng có những bậc kỳ tài ở phía sau chiến tuyến để điều binh khiển tướng, tính toán vạn sự như thần; và cũng có những người 'biết mình biết ta', thuận theo thế sự để lo việc quan trọng phía sau, lùi một bước để tiến ba bước.
Có thể không nhiều người biết, những người "lùi một bước để tiến ba bước đó" lại được gọi là "Tứ đại cao thủ giả chết" thời Tam Quốc. Dù là chính sử hay tiểu thuyết dã sử đồ sộ, những lần "giả chết" này của họ góp phần thay đổi cục diện theo nhiều hướng khác nhau.
Vậy, "Tứ đại cao thủ giả chết" đó là ai?
1. Liêu Hóa
Bất kể là chính sử hay Tam Quốc Diễn Nghĩa, Liêu Hóa được xem là nhân chứng sống của nhà Thục Hán. Vị tướng này đã chứng kiến sự hưng thịnh cũng như suy vong của nhà Thục trong hơn 40 năm.
Trong lịch sử, Liêu Hóa xuất thân từ một gia đình giàu có ở Kinh Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), không phải là binh lính tham gia Loạn Hoàng Cân (Khởi nghĩa Khăn Vàng) chống lại triều đình nhà Hán vào năm 184 như trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung đã mô tả.
Nửa đầu cuộc đời của Liên Hóa không có thành tích gì đáng chú ý. Ban đầu, Liêu Hóa giữ chức Chủ bộ, đảm nhiệm việc ghi chép binh lực dưới trướng Quan Vũ. Khi đó ông đã trung tuần.
Mọi chuyện rẽ sang hướng mới sau lần giả chết của ông ngay sau khi Quan Vũ thất bại dưới tay các chiến tướng của Tôn Quyền và qua đời năm 220.
Ban đầu, Liêu Hóa giả vờ quy hàng Tôn Quyền và được Tôn Quyền phong cho chức thống đốc. Vì một lòng tận trung với Lưu Bị, Liêu Hóa dùng kế giả chết và cùng mẹ già trong đêm chạy về phía Tây, trốn về Thục, trên đường gặp Lưu Bị khi đó đang mang binh đi đánh Tôn Quyền trả thù cho huynh đệ Quan Vũ.
Không có tài liệu nào ghi lại việc Liêu Hóa đã giả chết như thế nào mà khiến quân của Đông Ngô tin là thật.
Lưu Bị ngưỡng mộ lòng trung thành và ý chí của Liêu Hóa đến mức bổ nhiệm ông làm thống đốc Nghi Đô (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc) và đồng hành cùng vạn quân Đông tiến trả thù cho Quan Vũ.
Bất chấp những thất bại cay đắng của nhà Thục Hán trong trận Di Lăng với quân Đông Ngô năm 221-222, Liêu Hóa một lần nữa vẫn sống sót.
Liêu Hóa về sau trở thành vị tướng chủ lực của chiến dịch Bắc phạt vào cuối thời Thục Hán và có những đóng góp quan trọng cho Gia Cát Lượng.
Sau khi nhà Thục Hán sụp đổ, năm 264, Liêu Hóa qua đời vì bệnh tật trên đường đến Lạc Dương, thọ hơn 70 tuổi.
2. Lưu Bị
Trong số những anh hùng uy chấn thiên hạ thời Tam Quốc, Lưu Bị nổi lên là một nhà cầm quân trầm tĩnh, ít nói, luôn ẩn mình chờ thời, tận trung tận hiếu và thấu hiểu lòng người. Đây chính là điểm rất đáng trân quý của Hoàng đế Thục Hán.
Thủa nhỏ, dù có dòng dõi hoàng tộc nhưng gia đình Lưu Bị rất nghèo, cha lại mất sớm. Ông cùng với mẹ kiếm kế sinh nhai bằng nghề bện giày cỏ và chiếu sống qua ngày. Năm 15 tuổi, Lưu Bị được theo học Lư Thực và vô cùng ngưỡng mộ thầy, một người văn võ toàn tài.
Khi loạn Hoàng Cân do Trương Giác cầm đầu nổ ra năm 184, Lưu Bị khi đó mới 24 tuổi. Trong suốt 21 năm diễn ra cuộc chiến, Lưu Bị tích cực tham gia chiến đấu cùng nhà Đông Hán và lập được nhiều chiến công.
Chuyện kể rằng, khi đi qua huyện Bình Nguyên (thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay), Lưu Bị gặp người đứng đầu huyện. Người này vì biết Lưu Bị nổi tiếng dũng cảm nên tiến cử ông vào đội quân tiến đánh các tướng lĩnh của Hoàng Cân.
Trên đường đi, Lưu Bị cùng binh lính chạm trán với một băng cướp thổ phỉ. Bản thân Lưu Bị lúc đó lại đang bị trọng thương. Ông liền nghĩ ra một mưu kế đó là giả chết. Lưu Bị giả vờ ngã ngựa, nín thở, giả chết.
May mắn thay, bọn thổ phỉ không nghi ngờ và bỏ đi sau khi đã cướp hết quân lương, vũ khí. Bản thân Lưu Bị sau đó được quân lính đưa đi trị thương.
Về sau, Lưu Bị tác chiến mấy lần đều chiến thắng, lập được nhiều chiến công nên được thăng làm thái thú của quận Bình Nguyên - đây chính là cột mốc đánh dấu sự nghiệp chính trị của Lưu Bị trước khi trở thành Hoàng đế nhà Thục Hán về sau.
3. Tôn Sách
Tôn sách là con trai trưởng của Tôn Kiên; là huynh trưởng của Tôn Quyền - Hoàng đế Đông Ngô sau này. Cùng với hai công thần khai quốc của Đông Ngô là Trương Chiêu và Chu Du, Tôn Sách đã có công rất lớn trong việc đặt nền móng cho sự ra đời của Đông Ngô.
Sử chép rằng, Tôn Sách là một anh hùng tráng kiện, cưỡi ngựa phi nước đại trên chiến trường, sẵn sàng lao vào quân địch với thành tích bất khả chiến bại.
Sau cái chết của cha, Tôn Sách đi theo Viên Thuật. Năm 195, Tôn Sách hợp binh với danh tướng Chu Du liên tiếp đánh bại các bộ tướng của Lưu Do - kẻ thù của Viên Thuật. Khi giao đấu với quân của Lưu Do, Tôn Sách đụng độ Trách Dung tại Mạt Lăng.
Trận chiến ban đầu diễn ra nghiêng hẳn về phía Tôn Sách. Tôn Sách cùng Chu Du tiêu diệt được hơn 500 quân địch. Thừa thắng xông lên, Tôn Sách tiếp tục đánh bại các tướng địch là Tiết Lễ, Phàn Năng, bắt sống được hơn 10.000 quân địch.
Trong trận đánh Trách Dung lần thứ hai. Khi thắng lợi đang nghiêng về phía Tôn Sách thì ông bị mũi tên địch cắm trúng đùi, buộc phải lui binh. Vết thương này khiến Tôn Sách nhất thời không thể cưỡi ngựa. Tình thế này khiến Tôn Sách nghĩ ra một kế: Ông cho binh lính tung tin rằng mình trúng tên và đã chết.
Trách Dung nghe mật báo thì vui mừng khôn xiết liền sai các tướng của mình dẫn quân tấn công quân của Tôn Sách mà không xác nhận sự thật.
Tôn Sách đã dự liệu trước việc này nên điều binh mai phục, giả vờ thua chạy để dồn quân Trách Dung vào vòng vây rồi triển khai hàng trăm bộ binh và kỵ binh xông ra tấn công. Kết quả, quân của Trách Dung bị đánh cho tan tác, thiệt hại hơn một nghìn quân.
Chiến tích lừng lẫy này khiến nhuệ khí quân Tôn Sách dâng cao ngút trời. Tôn Sách một mặt chữa thương, mặt khác cùng quân lính tràn xuống phía nam đánh các tướng khác của Lưu Do. Kết cục, Lưu Do thất thủ, phải tháo chạy, sau đó thì chết do bệnh nặng năm 198.
4. Lữ Bố
Có lẽ không ít người thấy ngạc nhiên khi "Chiến thần mạnh nhất Tam Quốc" Lữ Bố lại từng phải giả chết. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lữ Bố không chỉ tráng kiện phi phàm, võ công vạn người khó địch, mà còn có tài cưỡi ngựa bắn cung đệ nhất thiên hạ.
Có lẽ, uy danh của Lữ Bố trên chiến trường chấn động đến mức kẻ thù phải dùng cách ám sát chiến tướng này khi ngủ. Bởi thế, cái chết giả của Lữ Bố có đôi phần khác với những lần chết giả của Lưu Bị và Tôn Sách.
Sau khi Lữ Bố bị Lý Thôi (viên tướng dưới trướng của Đổng Trác) truy đuổi khỏi thành Trường An, Lữ Bố khi ấy thế cùng lực kiệt bèn phải chạy về nương nhờ Viên Thuật. Bị lãnh chúa này từ chối, Lữ Bố lại phải chạy đến cầu viện Viên Thiệu - là đối thủ mạnh nhất của Tào Tháo; đồng thời cũng đang thống lĩnh 4 châu lớn ở Hà Bắc bấy giờ.
Biết rõ tài võ nghệ của Chiến thần Tam Quốc, Viên Thiệu nhanh chóng lợi dụng sự dũng mãnh của Lữ Bố để gia tăng thanh thế.
Lúc này, Trương Yên trong mắt Viên Thiệu là cái gai khó nhổ. Năm 193, Trương Yên liên thủ quân Hoàng Cân đánh chiếm nhiều vùng đất do Viên Thiệu quản lý. Khi Trương Yên dẫn quân đánh Thường Sơn - địa phận của Viên Thiệu cai quản, trong đầu Viên Thiệu hiện lên 2 chữ "Lữ Bố".
Viên Thiệu giao cho Lữ Bố "nhổ cái gai" này. Lữ Bố tập trung đội kỵ binh tinh nhuệ, lên đường đánh vào trại địch liên tiếp. Kết quả, sau 20 ngày giao chiến, quân Trương Yên đại bại.
Sau khi lập được chiến công to lớn này, Lữ Bố muốn Viên Thiệu tăng thêm viện binh cho mình, nhưng Viên Thiệu đã từ chối. Vì lo ngại một chiến tướng Lữ Bố dũng mãnh mà có thêm quân lính thì sẽ như "hổ mọc thêm cánh", sẽ rời bỏ mình rồi sớm muộn gì cũng trở thành mối họa. Nghĩ vậy, Viên Thiệu bí mật sai người đến giết Lữ Bố.
Trong một đêm mưa gió, 30 chiến binh thiện chiến của Viên Thiệu bí mật áp sát lều quân sự của Lữ Bố. Quá nửa đêm, trong khi một vài người giữ chặt chăn trùm lên người Lữ Bố, thì một số người còn lại dùng kiếm đâm liên tiếp xuống người trong chăn.
Khi thấy tấm chăn đẫm máu nóng, toán quân bỏ đi, chắc rằng đã giết được mãnh tướng thiện chiến Lữ Bố mà không cần xác nhận thi thể đó là ai.
Đây chính là sai lầm chí mạng của quân Viên Thiệu. Bởi người nằm đó không phải Lữ Bố. Lữ Bố trước đó đã sớm nhận ra việc Viên Thiệu sẽ gây bất lợi cho mình nên nghĩ ra kế "nằm chờ chết" như vậy để qua mặt 30 tên sát thủ.
Kế sách thành công. Lữ Bố nhờ đó thoát được cái chết từ Viên Thiệu nhờ sự nhạy bén của bản thân.
Tham khảo: Baidu, 163, Tam Quốc Diễn Nghĩa