Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã đồng ý chuyển giao một số công nghệ đường sắt cao tốc cho Thái Lan để giúp đỡ Thái Lan xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc độc lập. Đặc biệt, công nghệ này của Trung Quốc từng được Đức ngỏ ý mua với giá 160 tỷ USD nhưng Trung Quốc không đồng ý.
Cụ thể, Trung Quốc chuyển giao cho Thái Lan công nghệ sản xuất trong lĩnh vực xây dựng đường sắt cao tốc. Công nghệ sản xuất ở đây là phương pháp và quy trình sản xuất và lắp đặt thiết bị và linh kiện đường sắt tốc độ cao. Trong đó, công nghệ lắp đặt thông minh gồm có thiết bị thông minh lắp ráp trụ dây xích đường sắt tốc độ cao, thiết bị thông minh lắp đặt cánh tay dây xích, thiết bị thông minh phát hiện tham số dây xích và hiệu chỉnh dây treo.
Việc áp dụng công nghệ này đã cải thiện đáng kể hiệu quả thi công. So với các phương pháp thi công truyền thống, số lượng nhân công thi công cho mỗi trụ dây xích giảm 1/3, chi phí tổng thể giảm 60%, độ lệch lắp đặt được kiểm soát trong vòng 3 mm và độ an toàn được cải thiện đáng kể.
Trong khi đó, công nghệ lõi của xây dựng đường sắt cao tốc là các nguyên tắc và thuật toán về cách thiết kế và điều khiển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Công nghệ lõi là linh hồn của hệ thống đường sắt cao tốc và cũng là phần khó làm chủ và sao chép nhất. Trung Quốc sẽ không chuyển giao công nghệ lõi này cho bất kỳ quốc gia nào.
Trung Quốc không chỉ cung cấp cho Thái Lan công nghệ đường sắt cao tốc tiên tiến mà còn đồng ý chuyển giao công nghệ trong 11 lĩnh vực, bao gồm thiết kế đường ray, thiết kế đường hầm, xây dựng cầu, thiết kế nhà ga, điện chiếu sáng, hệ thống tín hiệu...
Trong đó, công nghệ chiếu sáng, hệ thống tín hiệu cũng được ứng dụng nhiều công nghệ thông minh. Cụ thể, toàn bộ hệ thống sẽ tích hợp công nghệ điều hướng Beidou, BIM và 5G để toàn tuyến được hoạt động trơn tru.
Những công nghệ này sẽ giúp Thái Lan xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc của riêng mình và nâng cao trình độ cũng như năng lực đường sắt của Thái Lan. Sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc ở Thái Lan sẽ giúp cải thiện giao thông và phát triển kinh tế của Thái Lan.
Theo South China Morning Post, công nghệ được chuyển giao từ Trung Quốc sang Thái Lan sẽ sử dụng tiêu chuẩn đường sắt cao tốc của Trung Quốc, giúp tiết kiệm chi phí và đạt được sự tương thích với cơ sở hạ tầng đường sắt ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.
Hiện nay, công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã được điều chỉnh để phù hợp với môi trường địa lý phức tạp và luôn thay đổi, điều kiện khí hậu, nhu cầu vận chuyển và các yếu tố khác của Trung Quốc.
Công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc có nhiều ưu điểm và tính năng độc đáo, đồng thời có hiệu suất tuyệt vời về tốc độ, an toàn, thoải mái, tiết kiệm năng lượng… Công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là một loại công nghệ để thể hiện sự phát triển của Trung Quốc. Các công nghệ ứng dụng trong xây dựng đường sắt chứa đựng trí tuệ, sự đổi mới, sáng tạo của Trung Quốc.
Ngoài ra, tờ Bangkok Post cho biết, Trung Quốc và Thái Lan đang cùng nhau xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Thái Lan dài 873 km. Đường sắt Trung Quốc - Thái Lan trong tương lai sẽ kết nối Côn Minh (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan). Đây là dự án lớn về hợp tác đường sắt cao tốc Trung Quốc - Thái Lan.
Tờ Bangkok Post nhận định, tuyến đường sắt này sẽ giúp vận chuyển hàng hóa nhanh hơn và hiệu quả hơn, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho ngành du lịch và giúp thúc đẩy thương mại Thái Lan - Trung Quốc.
Tiến độ mới nhất của đường sắt Trung Quốc - Thái Lan do Cục Đường sắt Quốc gia Thái Lan công bố cho thấy, tuyến đường sắt Bangkok-Nakhon Ratchasima thuộc tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên Trung Quốc - Thái Lan dự kiến sẽ thông xe vào năm 2027.