Tu chính án thứ 25 ảnh hưởng Tổng thống Trump ra sao?

Thu Hằng |

Tu chính án 25 trở thành thuật ngữ "tâm điểm" của chính trường và báo giới Mỹ những ngày này sau khi tờ New York Times tung ra bài op-ed nặc danh, tiết lộ các cố vấn thân cận đang âm mưu tiến hành một cuộc lật đổ Tổng thống Trump bằng Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ.

"Quả bom" nặc danh

Ngày 5/9, tờ New York Times đăng tải một bài viết trong mục Op-ed (bài bình luận của bạn đọc) với tiêu đề "Tôi là một phần phe chống đối trong chính quyền Trump". Bài viết không ghi tên tác giả mà chỉ đề cập là "một quan chức cấp cao trong chính quyền".

Bài báo viết: "Tổng thống tiếp tục hành xử theo cách gây thiệt hại cho nền cộng hòa của chúng ta. Đó là lý do tại sao nhiều người được ông Trump bổ nhiệm đã cam kết làm những gì có thể để gìn giữ các thể chế dân chủ, đồng thời cản trở những sự thôi thúc lầm lạc của ông Trump cho đến khi ông ấy rời chức"

"Gốc rễ của vấn đề là sự phi lý của Tổng thống. Bất cứ ai làm việc với ông đều biết rằng ông ấy không ràng buộc với bất cứ nguyên tắc rõ ràng nào trong việc ra quyết định", tác giả giấu tên viết.

Mô tả "phong cách lãnh đạo" của Tổng thống là "bốc đồng, thù địch, nhỏ mọn và thiếu hiệu quả", tác giả nặc danh cho rằng đã có "những lời thầm thì bên trong nội các về việc áp dụng Tu chính án thứ 25", nhưng âm mưu này bị từ bỏ vì "không ai muốn gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp". Thay vào đó, theo tác giả, những "cái đầu lạnh" đang tìm cách "lái chính quyền đi đúng hướng cho đến khi - cách này hay cách khác - chuyện sẽ qua".

Bài viết nặc danh được đăng chỉ một ngày sau khi những đoạn trích gây sốc của cuốn sách "Fear: Trump in the White House" (Nỗi sợ hãi: Trump tại Nhà Trắng), tác giả là nhà báo điều tra Bob Woodward, viết về một loạt vấn đề trong nội bộ Nhà Trắng được công bố.

Bài Op-ed ngay lập tức khiến Tổng thống Trump và Nhà Trắng nổi giận. Trên Twitter, ông Trump chỉ trích đây là hành động “phản quốc”, "hèn nhát" và yêu cầu điều tra danh tính người viết.

Tại Washington còn xuất hiện một làn sóng "truy tìm thủ phạm" trong lúc giới truyền thông xầm xì về nhiều tên tuổi trong chính quyền, còn ông Trump thì vạch thẳng rằng đó là một thành viên của đội ngũ an ninh quốc gia.

Tu chính án thứ 25 ảnh hưởng Tổng thống Trump ra sao? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump chỉ trích tờ New York Times cho đăng bài viết "ném đá giấu tay". Ảnh: NYT.

Tu chính án 25 có "quyền lực" thế nào?

Tranh cãi đã lập tức nổi lên, tập trung vào thủ phạm bài viết, liệu ông ta nên được tán dương vì đã dám thả "quả bom" hay đáng bị chê cười vì viết bài nặc danh gây náo loạn chính quyền. Nhưng còn một câu hỏi khác cũng hóc búa không kém, đó là: Liệu Tu chính án thứ 25 có thể đẩy Tổng thống Trump trở về Manhattan?

Được phê chuẩn vào năm 1967, Tu chính án thứ 25 gồm 4 phần.

Phần 1 tái khẳng định điều đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ: rằng, nếu Tổng thống phải rời bỏ nhiệm vụ của mình vì qua đời hay từ chức, Phó Tổng thống sẽ trở thành Tổng thống.

Phần 2 quy định về việc thay thế Phó Tổng thống khi vị trí này bị bỏ trống. Quy định này từng được sử dụng để đưa ông Gerald Ford lên làm Phó Tổng thống Mỹ sau khi Phó tổng thống Spiro Agnew từ chức vào năm 1973; sau đó đưa Nelson Rockefeller lên làm Phó Tổng thống sau khi Gerald Ford trở thành Tổng thống Mỹ vì Richard Nixon từ chức sau bê bối Watergate.

Phần 3 quy định khi nào và như thế nào thì một Tổng thống có thể tự nguyện chuyển giao quyền lực tạm thời cho Phó Tổng thống - như Tổng thống George. W. Bush từng làm hai lần áp dụng khi ông trải qua ca phẫu thuật ruột kết.

Cuộc tranh cãi lần này tập trung vào Phần 4, vốn chưa bao giờ được áp dụng trong lịch sử Tu chính án 25. Phần này quy định khi Phó Tổng thống và đa số bộ trưởng trong nội các tuyên bố rằng Tổng thống "không thể đảm trách các quyền lực và nhiệm vụ của mình", thì Phó Tổng thống sẽ trở thành "Quyền Tổng thống" cho đến khi Tổng thống, sau một quy trình phức tạp, được tuyên bố là đảm bảo trở lại cương vị.

Tu chính án thứ 25 ảnh hưởng Tổng thống Trump ra sao? - Ảnh 3.

Một đoạn trong Phần 4 của Tu chính án thứ 25 Hiến pháp Mỹ.

Thực ra mối lo ngại về tình trạng mất năng lực của Tổng thống đã xuất hiện ít nhất là từ những năm 1880, khi Tổng thống James Garfield bị một tay súng bắn trọng thương và qua đời 79 ngày sau đó. Trong khoảng thời gian nằm viện, ông Garfield hầu như không thể gánh vác bất cứ nhiệm vụ nào của Tổng thống.

Nội dung gốc của Hiến pháp Mỹ nói rằng, trong trường hợp Tổng thống mất năng lực, thì các quyền lực và nhiệm vụ của cương vị Tổng thống sẽ được ủy thác cho Phó Tổng thống. Tuy nhiên, Hiến pháp gốc lại không chỉ rõ như thế nào là mất năng lực.

Trong thông điệp vào tháng 12/1881 trước Quốc hội, ông Arthur, lúc này là Tổng thống, đã nhấn mạnh những câu hỏi chưa có lời giải về đặc điểm cụ thể của tình trạng mất năng lực hoàn thành các quyền lực và nhiệm vụ của Tổng thống, tình trạng này có bị giới hạn ở mất năng lực trí tuệ kéo dài, hay còn mở rộng hơn?... Ông kêu gọi Quốc hội xem xét những vấn đề này.

Đến thời kỳ Tổng thống Woodrow Wilson, những câu hỏi trên vẫn chưa có lời giải. Và khi Tổng thống Wilson bị một cơn đột quỵ vào năm 1919, cuộc tranh luận làm rõ vấn đề này được nối lại. Nhưng Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát không có hành động nào để tước quyền lực Tổng thống, dù chỉ là tạm thời vì sợ phe Dân chủ trả đũa và cử tri nổi giận. Bản thân Tổng thống Wilson cũng không cho thấy ý định từ chức. Thời gian này, vợ ông là Edith và bác sĩ cũng là bạn thân của tổng thống, Cary T. Grayson là những người đưa ra quyết định trên danh nghĩa tổng thống.

Nỗ lực giải quyết vấn đề trên đứng trước áp lực mới trong kỷ nguyên hạt nhân. Tổng thống Dwight Eisenhower trải qua nhiều cuộc khủng hoảng sức khỏe, trong đó có cơn đau tim vào năm 1955, chiến đấu với bệnh viêm hồi tràng vào năm 1956 và đột quỵ năm 1957.

Cuối cùng, vụ ám sát Kennedy vào năm 1963, cùng với bóng ma chiến tranh hạt nhân, đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ phê chuẩn Tu chính án thứ 25 để giải quyết vấn đề này.

Tu chính án 25 có thể tước quyền của Tổng thống Trump như thế nào?

Tu chính án 25 có thể được kích hoạt với việc, đầu tiên Phó Tổng thống Mike Pence và đa số nội các gửi cho Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Mỹ (Thượng nghị sĩ Cộng hòa Orrin G. Hatch) và Chủ tịch hạ viện (nghị sĩ Cộng hòa Paul Ryan) một tuyên bố bằng văn bản rằng Tổng thống Trump không có khả năng đảm đương quyền lực và nhiệm vụ. Việc này ngay lập tức khiến ông Trump bị tước quyền lực và ông Pence trở thành Quyền Tổng thống.

Tuy nhiên, ông Trump có thể ngay lập tức gửi một tuyên bố riêng cho hai chủ tịch lưỡng viện rằng ông có thể thực hiện nhiệm vụ. Điều đó sẽ giúp ông lấy lại ghế, trừ khi ông Pence và nội các gửi tuyên bố thứ hai cho các lãnh đạo quốc hội trong vòng 4 ngày, một lần nữa đề cập lo ngại của họ.

Khi đó, quốc hội Mỹ sẽ phải họp trong vòng 48 giờ và bỏ phiếu trong vòng 21 ngày để đưa ra quyết định. Nếu 2/3 thành viên của cả hạ viện và thượng viện đồng ý rằng ông Trump không thể tiếp tục làm tổng thống, ông sẽ bị tước quyền lực và Phó Tổng thống Pence kế nhiệm. .

Michael D. Shear, cây bút chuyên về Nhà Trắng của NYTimes, đánh giá rằng việc loại bỏ một tổng thống theo Tu chính án 25 còn khó hơn quy trình luận tội.. Một tổng thống Mỹ có thể bị luận tội nếu đa số quá bán (1/2) tại hạ viện và 2/3 thượng viện đồng ý. Trong khi đó, Tu chính án 25 đòi hỏi đa số tuyệt đối (2/3) nghị sĩ tại cả hai viện thông qua. Với thực tế là phe Cộng hòa đang kiểm soát lưỡng viện, điều này rất khó xảy ra.

https://baotintuc.vn/the-gioi/tu-chinh-an-thu-25-anh-huong-tong-thong-trump-ra-sao-20180910003005557.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại