‘Nhóm kháng chiến’ chống ông Trump ngay trong Nhà Trắng?

Vĩnh Thụy |

Tổng thống Mỹ Donald Trump phẫn nộ, trước việc một bài xã luận do một quan chức Mỹ cấp cao viết và giấu tên, khẳng định một số quan chức Nhà Trắng ngấm ngầm tìm cách bãi nhiệm ông Trump.

Bài xã luận mang tên “Tôi là một thành viên kháng chiến trong chính phủ Trump”, đăng trên báo New York Times trưa 5.9 lập tức kích hoạt sự đồn đoán tên của tác giả, ở các mạng xã hội, báo giới và ngay trong Nhà Trắng. Ngôn ngữ của bài viết bị soi để tìm đầu mối nhằm tìm ra tác giả là ai trong chính phủ Mỹ.

“Nhóm kháng chiến” muốn bãi nhiệm Tổng thống Trump

Tác giả bài xã luận tự giới thiệu không phải là người của cánh tả (đảng Dân chủ). Người này viết: “Nhiều người được Trump giao nhiệm vụ đã thề bảo vệ các thể chế dân chủ, đồng thời ngăn chặn những cơn bốc đồng ngày càng nặng của Trump cho đến khi nào ông ta bị bãi nhiệm”.

Bài viết còn khẳng định “nhóm kháng chiến” hiểu rõ những gì đang diễn ra, và họ “đang cố gắng làm điều đúng đắn, ngay cả khi Trump sẽ không làm điều đúng đắn”.

Tác giả cho biết ngay từ sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20.1.2017, trong chính phủ đã có “những lời thì thầm” về việc vận dụng điều khoản 5 trong Hiến pháp liên bang Mỹ.

Bài xã luận viết: “Dựa trên tính khí thất thường mà nhiều người đã chứng kiến, ngay từ đầu đã có những lời thì thầm trong chính phủ về việc vận dụng điều khoản 5, vốn có thể bắt đầu một quy trình phức tạp để loại bỏ tổng thống.

Nhưng không ai muốn vội gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Vì thế, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, để lèo lái chính phủ đi đúng hướng, cho đến khi kết thúc sự lạc hướng theo cách này, cách khác”.

Điều khoản 5 xử lý việc kế nhiệm nếu ghế tổng thống bị bỏ trống. Mục 1 viết: “Trong trường hợp bãi nhiệm tổng thống vì qua đời hoặc từ chức, Phó tổng thống sẽ trở thành Tổng thống”.

Mục 4 mô tả chi tiết cách quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ có thể vận dụng điều khoản 5: “Vì bất kỳ lý do nào, nếu Phó tổng thống và đa số thành viên nội các đều có thể bãi nhiệm Tổng thống, bằng cách gửi tuyên bố viết tay đến lãnh đạo Thượng-Hạ viện, nêu rõ Tổng thống không thể đảm đương quyền hạn, chức vụ được giao. Phó tổng thống sẽ lập tức nhận lãnh quyền hạn và trách nhiệm của một Tổng thống tạm quyền”.

Như phe chỉ trích ông Trump, tác giả bài xã luận giới thiệu vài kịch bản, như gợi ý ông Trump yếu kém về lý trí, không còn có thể làm tổng thống Mỹ, mô tả trong các cuộc họp, ông Trump nói huênh hoang, lạc đề, và ông đổi ý nhanh như chong chóng khiến hậu quả là các quyết định “nửa sống nửa chín”, thiếu thông tin và đôi khi là các quyết định ẩu tả và sau đó phải thu hồi, hủy bỏ.

Tác giả còn dẫn lời một quan chức cấp cao mới đây phàn nàn: “Nói đúng ra thì ông ta có thể đổi ý chỉ trong 1 phút”, và một số trợ lý của ông Trump “tuy bị giới truyền thông gọi là những kẻ ác, nhưng trong riêng tư, họ có gắng giam các quyết sách tệ không ra khỏi Cánh Tây, dù rõ ràng họ không luôn thành công trong nỗ lực này”.

Tác giả viết: “Tôi làm việc cho tổng thống, nhưng như các đồng nhiệm có ý thức, tôi thề ngăn chặn các ý tưởng của ông ta có thể gây hại cho đất nước, cùng các khuynh hướng tệ hại của ông ta”.

Và người này kết luận: “Đang có sự kháng cự ngấm ngầm trong chính phủ, từ những người đặt tổ quốc lên trên hết”.

Ông Trump đòi tờ báo công bố tên tuổi tác giả bài xã luận

Một giờ sau khi bài xã luận được đăng, ông Trump đề cập bài viết với các nhà báo, khi ông gặp một số cảnh sát trưởng của toàn nước Mỹ ở Phòng Phía Đông của Nhà Trắng: “Quý vị tin được không? Vô danh có nghĩa hèn nhát”.

Còn có thông tin ông Trump xé toang một bản in bài xã luận ngay trước các cử tọa. Ông Trump nói thêm người ta không ưa ông, vì chương trình hành động của ông luôn không đúng với những gì người khác muốn: “Không ai có thể làm được quá nhiều việc trong chưa đầy hai năm, so với những gì chúng tôi đã làm được”.

Tối 5.9 (giờ Mỹ) Ông Trump viết một đoạn Twitter với chỉ một câu hỏi: “Phản quốc ?”.

Sau đó, ông Trump đòi báo Times công bố tên của quan chức Mỹ nào là tác giả bài xã luận, bất kể người đó là nam hay nữ. Đoạn Twitter của ông viết: “Nếu đúng là có kẻ hèn nhát giấu tên, Times phải giao nộp ngay ông/bà đó cho chính phủ, vì quyền lợi an ninh quốc gia”.

Trước đó, ông Trump dự một dự kiện ở Nhà Trắng, nói về Times: “Họ không ưa Donald Trump, và tôi cũng không ưa họ”. Ông Trump còn nói có thể đây chỉ là “một nguồn tin giả khác” của Times, một tờ báo ông thường mô tả là “thảm bại, chuyên đưa tin giả”

Times vốn thường không đăng ý kiến của người giấu tên (như đa số các báo Mỹ, gọi quyết định đăng bài xã luận là “hiếm có”, và quyết định bảo vệ tác giả “thành viên ổ kháng chiến phản đối tính khí tệ hại” của chủ nhân Nhà Trắng. Tờ báo nổi tiếng chống ông Trump khẳng định “chúng tôi biết nhân thân tác giả và nếu tiết lộ tên tuổi thì công việc của người này sẽ bị nguy hiểm”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders trách bài xã luận “cẩu thả, bệnh hoạn, ích kỷ” và là “trò hạ cấp mới” của tờ báo, đồng thời đòi báo Times xin lỗi.

Bà còn nói chính phủ Mỹ “thất vọng nhưng không bị bất ngờ”, và đây là một ví dụ khác về nỗ lực bôi nhọ uy tín ông Trump: “Người đứng sau bài viết đã không đặt tổ quốc lên trên hết, đưa cái tôi của mình lên trên cả ý chí của nhân dân Mỹ. Kẻ hèn nhát này nên làm điều đúng đắn là từ chức”. Bà Sanders xác nhận tác giả là “ông ấy”, nhưng Times bác bỏ.

Một ngày trước khi có bài xã luận này, cuốn sách Nỗi sợ: Trump trong Nhà Trắng của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward (báo Washington Post) mô tả sự hỗn loạn trong Dinh Tổng thống Mỹ, các trợ lý nỗ lực chặn ông Trump ra những quyết định mà họ nhận định là “vô trách nhiệm”.

Cuốn sách này mô tả các trợ lý cấp cao lấy các tài liệu ngay trên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ trong Phòng Bầu Dục, để ông Trump không thể ký tên vào các tài liệu.

Nhà báo Woodward còn thuật rằng ông Trump ra lệnh giết Tổng thống Bashar Al Assad của Syria, với cớ quân đội Syria dùng vũ khí hóa học giết dân thường hồi tháng 4.2017, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis không tuân lệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại