Môi trường công sở vốn phức tạp và có vô vàn vấn đề nảy sinh mỗi ngày khiến chị em khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi.
“Thích nghi để sinh tồn” nên đứng trước tình huống trước giờ không hề hiếm này, nhiều người chọn cách thích nghi, hòa vào dòng chảy chung, đổi lấy sự yên bình cho bản thân để tiếp tục hoàn thành tốt công việc được giao.
Tuy nhiên, cũng có một kiểu người rất rõ ràng, nhất quyết không để bản thân mình dung nạp những nhiễu nhương, thị phi mà một mực giữ sự trong sạch, thanh bạch cho bản thân.
Vậy đâu là các xử trí khôn ngoan trong tình huống này, người quân tử có cần “thích nghi” với kẻ tiểu nhân hay không?
Câu chuyện về cách mà ba học trò trả lời câu hỏi của Khổng Tử chắc chắn sẽ khiến chị em công sở ngộ ra cho mình những bài học để làm dày thêm kinh nghiệm sống của bản thân:
Sử ký Tư Mã Thiên có chép chuyện Khổng Tử bị các quan đại phu nước Trần và nước Thái cho người vây hãm, ngăn không cho sang Sở.
Khổng Tử hết lương ăn, những người đi theo đều ốm không ai dậy được, nhưng Khổng Tử vẫn giảng giải, vẫn ngâm thơ, đánh đàn và ca hát không tỏ ra suy yếu.
Tử Lộ ra điều nóng giận, Khổng Tử bèn gọi Tử Lộ đến hỏi: “Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?“.
Tử Lộ nói: “Theo ý của con, có lẽ vì chúng ta chưa “nhân” chăng nên người ta chưa tin chúng ta. Có lẽ chúng ta chưa “trí” chăng nên người ta không cho chúng ta đi?”.
Nào phải thế đâu! Này anh Do, nếu như người nhân thế nào cũng được người ta tin thì làm gì có chuyện Bá Di, Thúc Tề nữa, nếu như người trí gặp việc gì cũng thông suốt thì làm gì có Vương Tử, Tỉ Can nữa.
Tử Lộ đi ra, Tử Cống vào yết kiến. Khổng Tử cũng hỏi: “Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?”.
Tử Cống nói: “Đạo của thầy hết sức lớn, cho nên thiên hạ không ai dung nạp được. Thầy phải hạ thấp một chút”.
Này anh Tứ, người giỏi nghề nông có thể biết vãi giống, nhưng không chắc là gặt được. Người thợ giỏi có thể làm khéo nhưng không thể làm cho người ta vừa lòng.
Người quân tử trau dồi đạo đức của mình theo những đường lối chính và giữ nó, điều chỉnh nó mà không thể làm cho nó được người ta theo. Anh không lo trau dồi đạo của mình mà chỉ lo người ta dung nạp mình.
Cái chí của anh Tứ không phải là xa.
Tử Cống đi ra. Nhan Hồi vào yết kiến. Khổng Tử lại hỏi: “Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?”.
Nhan Hồi nói: “Đạo của phu tử hết sức lớn lao nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng phu tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp thì có hại gì?
Người ta không dung nạp nhưng sau này người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử. Đạo không được trau dồi, đó là cái điều ta lấy làm xấu hổ.
Đạo đã trau dồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp phu tử thì có hại gì? Về sau người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử”.
Khổng Tử cười, tấm tắc khen ngợi Nhan Hồi.
Lão Tử từng nói: “Thượng sỹ văn đạo, cần nhi hành chi. Trung sỹ văn đạo, nhược tồn nhược vong. Hạ sỹ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”.
Bậc thượng sĩ sáng suốt nghe đạo, hiểu được, thì gắng sức thi hành; kẻ tầm thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ; kẻ tối tăm nghe đạo, cho là hoang đường, thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa.
Khổng Tử cũng nói: “Chi Lan sinh vu thâm cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương; quân tử tu Đạo lập đức, bất vi cùng khốn nhi cải tiết”.
Cỏ Chi Lan sống ở hang núi sâu, không vì ở chốn không người mà không thơm; người quân tử tu Đạo lập đức, không vì khốn cùng mà thay đổi.
Rõ ràng trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng, chúng ta khó tránh khỏi việc phải tiếp xúc với những kẻ tiểu nhân. Tuy nhiên, mỗi người một chí hướng, mỗi người một phương cách riêng.
Cho nên, thiết nghĩ chẳng cần phải thích nghi cũng như đồng hóa bản thân làm gì, chỉ khiến cốt cách và chất riêng trở nên mờ nhạt đi.
Người quân tử như hoa sen tinh khiết, kẻ tiểu nhân như bùn lầy dơ bẩn. Hoa sen tuy “gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn”.