Từ binh pháp ‘Nở hoa trong lòng địch’ đến ‘Lấy xe tăng địch đánh địch’

Nhật Nam |

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ năm 18 tuổi, 26 tuổi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và ông cũng là người góp công lớn trong cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn mùa xuân năm 1975.

45 năm đã trôi qua, những ký ức về một thời hào hùng khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của vị tướng.

Nở hoa trong lòng địch

Đoàn Sinh Hưởng nhập ngũ năm 1966, khi vừa tròn 17 tuổi, được phiên chế về Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3.

Chiến dịch đầu tiên trong đời lính của ông là chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, trận chiến vẫn được mệnh danh là "Điện Biên Phủ thứ hai" của Việt Nam. Sau chiến dịch Đường 9-Nam Lào, ông là Đại đội trưởng xe tăng, thuộc Binh chủng tăng thiết giáp, được điều động vào chiến trường Tây Nguyên, bắt đầu mở màn chiến dịch Tây Nguyên.

Những trận chiến đấu ở chiến dịch Tây Nguyên (3/1975) và đặc biệt là trận đánh ở Buôn Ma Thuột đã làm nên tên tuổi của vị tướng Đoàn Sinh Hưởng.

Chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng trận đánh thẳng vào mặt trận thị xã Buôn Ma Thuột nhằm gây cho địch bất ngờ. Nếu đúng theo kế hoạch tác chiến từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 của ta, Đại đội 9 được lệnh di chuyển đánh xuống thị xã Gia Nghĩa. Vì Buôn Ma Thuột là địa bàn trọng yếu của Tây Nguyên, địch tổ chức phòng thủ theo tầng tầng lớp lớp từ xa đến gần, quan trọng nhất là Sư bộ 23.

Lúc này Đoàn Sinh Hưởng đang là Đại đội trưởng Đại đội 9 xe tăng thuộc Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Sư bộ 23. Ông cho biết, theo nghệ thuật quân sự, đây là kiểu đánh "Nở hoa trong lòng địch".

Trước trận đánh, nhiệm vụ trinh sát để tiếp cận mục tiêu, tìm hướng vào được thực hiện trong nhiều tháng trước đó.

Địch bố trí hỏa lực mạnh với nhiều tầng nhiều lớp chốt chặn được canh gác 24/24 giờ nhưng những chiến sĩ trinh sát của ta vẫn có thể tiếp cận vào sát được hàng rào mà địch không hề hay biết. Kể cả đêm 29 Tết, đêm giao thừa trinh sát vẫn xâm nhập nắm bắt tình hình địch.

Đúng giờ G, Đại đội 9 xe tăng được lệnh tấn công tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Trong địa bàn thị xã có nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có kho Mai Hắc Đế nằm trên hướng tấn công của Đại đội 9.

Lúc này kho Mai Hắc Đế đã bị đặc công của ta tiến đánh nhưng bị địch phản công ghìm lại. Đến khi Đại đội 9 tiến vào mới đánh bật sự phản kháng của địch chiếm lại quyền kiểm soát kho Mai Hắc Đế đồng thời giải nguy cho lực lượng đặc công.

Ngay sau chiến thắng đầu tiên này Đại đội 9 phát triển đánh thẳng vào Sư bộ 23 thì bị lạc hướng do đường đi nhiều lại thêm mù mịt bom đạn trong sự chống trả của địch. Nhưng khi quyết định quay lại thì sự chống cự của địch mạnh hơn do có lực lượng tiếp viện với hỏa lực mạnh.

Bộ Chỉ huy quyết định dùng đạn pháo, xe tăng tập trung tất cả hỏa lực chiếm lại vị trí chiếm đóng ban đầu. Khi Đại đội 9 cùng bộ binh Sư đoàn 10 chiếm lại được vị trí cũ, các trinh sát mới biết Sư bộ 23 của địch chỉ cách khoảng 1 km. Trên đường tấn công vào Sư bộ 23, Đại đội 9 xe tăng đã bắn cháy 2 chiếc M113 và bắt sống Đại tá Luật - Tỉnh phó tỉnh Đắk Lắk và gần 100 tên địch.

Tiếp đó quân ta tiến đánh khu truyền tin, khu Bộ tham mưu, đánh thẳng vào cơ quan đầu não của Sư bộ 23. Đúng 11h30 ngày 11/3/1975, quân đội ta cắm cờ chiến thắng lên nóc chỉ huy ở Sư bộ 23.

Sau đó lực lượng phát triển tiếp đánh xuống khu vực ngã 5. Tại đây gặp sự phòng ngự của địch khá mạnh vì lúc này địch có sự bổ sung của cả xe tăng, đạn pháo.

Giằng co suốt buổi sáng ngày 11/4/1975, Đại đội 9 cùng bộ binh tiêu diệt toàn bộ địch phòng ngự khu vực ngã 5 rồi tiếp tục tiến đánh xuống khu vực ngã 6, san phẳng sự kháng cự của địch tại khu vực này, cùng các cánh quân khác giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.

Trong trận đánh đó xe số hiệu 980 do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã nhiều lần lập công xuất sắc. Chiếc xe tăng 980 đã theo ông cùng đoàn quân giải phóng thu về bao chiến thắng lẫy lừng trên chiến trường Tây Nguyên.

Sau giải phóng, TP. Buôn Ma Thuột đã dựng tượng đài chiến thắng ở Ngã Sáu và lấy mô hình xe tăng 980 làm biểu tượng cho khí thế tiến công và vinh danh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.

Lấy xe tăng địch để đánh địch

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bồi hồi chia sẻ rằng trong đời binh nghiệp của ông có nhiều khoảnh khắc sinh tử đáng nhớ song trận đánh tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là trận tử chiến đáng nhớ nhất.

Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, quân ta tiến xuống giải phóng tiếp Phú Yên. Sau Phú Yên, Đại đội xe tăng do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy hành quân theo đường chiến lược vòng về phía tây vào Sài Gòn.

Từ Tây Ninh tiến về Sài Gòn chỉ có một con đường độc đạo, quân chủ lực của ta phải qua cứ điểm ở khu vực cầu An Hạ (giáp ranh giữa hai huyện Hóc Môn và Củ Chi nằm trên Quốc lộ 22 ngày nay). Đại đội 9 xe tăng thuộc Lữ đoàn 273 vừa có nhiệm vụ đánh chiếm cầu, đồng thời giữ vững cầu này. Nếu cầu An Hạ bị địch phá gãy, quân ta có thể chậm trễ, đánh mất thời cơ lịch sử.

Sáng ngày 29/4/1975, sau khi chiếm được cầu An Hạ, trong đội hình Đại đội 9 xe tăng chỉ còn 4 chiếc, ngay sau đó phải đối mặt với thiết giáp đoàn gồm 24 chiếc của đối phương.

Trước thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi 1 chọi 6, những người lính đều xác định quyết tử. Lúc này, Đoàn Sinh Hưởng tự nhủ, cần phải bình tĩnh, giữ vững sự sắc sảo của người chỉ huy.

Do còn 4 chiếc xe tăng, Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy anh em dồn đội hình lại, chiếm giữa vị trí địa hình có lợi nhất. Chờ cho đoàn xe của địch đi qua hết cầu rồi mới nhả loạt đạn đầu tiên, chiếc xe đi đầu bốc cháy. Loạt đạn tiếp theo bắn cháy chiếc cuối cùng. Cái đầu và cái cuối bị cháy đã gây tắc đường giam chân địch ngay trong tầm bắn của mình làm "tắc" khả năng chống đỡ của chúng.

Sau gần 1 giờ chiến đấu, 4 xe tăng của ta đã bắn cháy 12 thiết giáp của địch. Địch hoảng loạn không còn khả năng chiến đấu, các chiến sĩ Đại đội 9 xông ra áp sát đoàn xe của địch tiêu diệt những tên còn lại tịch thu 12 chiếc xe tăng của địch để bổ sung vào cho chính mình.

Với lòng dũng cảm, chiến thuật quân sự hợp lý, Đại đội 9 đã tiêu được 1 thiết đoàn, và áp dụng ngay chiến thuật "lấy xe tăng địch để đánh địch". Đây là trận đánh mà tỉ lệ ta-địch là 1-6, chưa có tiền lệ, được các giáo sư của Liên Xô đánh giá là trường hợp "độc nhất vô nhị" trong chiến tranh.

Đến 13h30 ngày 29/4, 4 xe của Đại đội 9 do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã vượt qua ngã ba Bà Quẹo, cách ngã tư Bảy Hiền khoảng 3 cây số. Ông củng cố đội hình và chuẩn bị tiến vào Dinh Độc Lập, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, Chính ủy Quân đoàn Đặng Vũ Hiệp giao nhiệm vụ cho Đại đội 9 chờ lực lượng phía sau để đánh vào Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

Sáng 30/4, xe tăng Đại đội 9 cùng với các đơn vị bộ binh và các đơn vị xe tăng của Sư đoàn 273 tung hoành ngang dọc đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

Lúc 11h30 ngày 30/4, xe tăng Đại đội 9, lực lượng bộ binh Sư đoàn 10, xe tăng Đại đội 5, Lữ đoàn 273 và Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 273 cùng các đơn vị bạn chiếm được toàn bộ trụ sở tòa nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

Xe tăng 982 do chính trị viên Đại đội tăng 5 chỉ huy đã tiến thẳng lên ngôi nhà chính trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy để yểm trợ cho bộ binh lên tầng gác hạ lá cờ ba sọc xuống, kéo cờ giải phóng lên.

Vào thời điểm lịch sử đó, Thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng đã chỉ huy Đại đội tiếp tục yểm trợ cho bộ binh Trung đoàn 28 kiểm soát các tòa nhà, chiếm trụ sở của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa, thu toàn bộ con dấu, kiếm và gậy chỉ huy.

Lúc này, các cánh quân cũng đã chiếm được Dinh Độc Lập và các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi kể về những chiến công, chiến thắng hào hùng của ông và đồng đội, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tràn đầy năng lượng và tự hào. Nhưng khi được hỏi về cảm xúc và suy nghĩ của ông trong thời khắc độc lập, non sông thu về một mối, từ khóe mắt của vị tướng già nước mắt bỗng lăn dài.

Ông xúc động, bùi ngùi kể rằng đêm đầu tiên của ngày chiến thắng, không ai trong các ông có thể ngủ vì hạnh phúc tột cùng và cũng dành một khoảng lặng để nghĩ về đồng chí, đồng đội thân yêu của mình đã ngã xuống trong từng trận đánh, trên những nẻo đường tiến về giải phóng Sài Gòn, đặc biệt những đồng đội đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày toàn thắng…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại