Theo CNN, áp lực mà ông Trump đang phải đối diện nhiều hơn tất cả những người tiền nhiệm trong ít nhất 100 năm trở lại đây.
Dưới đây là những vấn đề và khủng hoảng lớn mà ông Trump cần phải giải quyết trong năm 2020:
Triều Tiên
Trong cuộc gặp đầu tiên và duy nhất ở Phòng Bầu Dục vào tháng 11/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo người kế nhiệm về sự khó đoán của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và kho vũ khí hạt nhân "đồ sộ" của nước này là mối nguy hiểm khó lường nhất đối với Mỹ.
Tới năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Trump, điều này vẫn đúng.
Trong giai đoạn đầu, ông Trump đã cố gắng đe dọa Triều Tiên bằng "lửa và thịnh nộ" khi ông Kim tiếp tục thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Sau đó, ông Trump đổi chiến lược, chuyển sang những cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ - Triều, cải thiện quan hệ hai nước bằng những nụ cười và những cái bắt tay.
Hiện tại, ông Trump đang chờ đợi món quà Giáng sinh mà ông Kim đã hứa hẹn (hoặc đe dọa) trong nhiều tuần trước. Thế giới vẫn đang trông đợi không biết món quà này là gì và sẽ được chuyển tới ông Trump bằng hình thức nào. Trong lúc đó, ông Trump tiếp tục yêu cầu Hàn Quốc thanh toán một khoản tiền khổng lồ cho quân đội Mỹ đóng quân tại nước này. Chi phí quân sự tăng 400% đã khiến các cuộc đàm phán Mỹ - Hàn lâm vào bế tắc.
Ảnh: Reuters
Trung Quốc
Ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa kí thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để hoãn các thuế quan mới, loại bỏ một số thuế quan sẵn có với hàng hóa Trung Quốc và mở cửa thị trường Trung Quốc cho nhiều loại mặt hàng nông sản Mỹ. Mặc dù việc kí kết có nhiều khả năng sẽ diễn ra trong những tuần đầu năm 2020 - như ông Trump từng nói - thì việc kết thúc hoàn toàn thương chiến khó có khả năng sẽ được thực hiện trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mặc dù sẽ giảm bớt áp lực cho nông dân, nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ, nó vẫn không đưa hai nước Mỹ-Trung quay trở lại khối lượng giao dịch trước khi ông Trump phát động thương chiến. Thay vào đó, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn đồng nghĩa với việc 360 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế.
Nga
Bằng những chiến lược khôn ngoan, tổng thống Nga Vladimir Putin đang giúp Nga nắm giữ tầm ảnh hưởng lớn ở vùng Trung Đông, đặc biệt là đối với Syria khi tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành lại gần như toàn bộ lãnh thổ nước này từ tay khủng bố IS. Điều này sẽ cho phép ông Putin củng cố sức mạnh Nga ở phía đông biển Địa Trung Hải, nơi Hạm đội 6 của hải quân Mỹ hoạt động.
Đây là thách thức trực tiếp đối với tầm ảnh hưởng trên biển của Mỹ.
Brexit
Giữa lúc Anh gần như chắc chắn sẽ rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), ông Trump sẽ bắt đầu một loạt các cuộc đối thoại thương mại quan trọng với một nước Anh "độc lập" và sau đó với khối EU. Tuy nhiên, ông Trump dường như sẽ không chịu nhượng bộ cho bất kì ai trong khi ông đã đe dọa 2 quốc gia đồng minh lâu năm là Pháp - với thuế rượu, phô mai, và túi xách hàng hiệu - và Đức với thuế nhập khẩu ô tô. Brexit dường như không phải là vấn đề ông Trump quá quan tâm hiện tại.
Thay đổi địa chính trị
Ông Trump đang phải đối đầu với nhiều sự thay đổi lớn, bao gồm sự hình thành khối liên minh và đối tác mới để tạo thành đối trọng với Mỹ.
Hiện tại, ông Tập và ông Putin đã để mắt tới Châu Phi - nơi ông Trump chưa bao giờ tới thăm và cũng là nơi ông Trump dọa cho rút toàn bộ binh sĩ Mỹ về nước. Trung Quốc và Nga cũng đã đạt được những thỏa thuận lịch sử với hệ thống đường ống dẫn khí ga liên kết giữa hai quốc gia.
Không chỉ có vậy, hai đồng minh Trung-Nga còn bắt tay với Iran. Ba nước này đã có chương trình diễn tập quân sự chung hồi tuần trước ở phía bắc Ấn Độ Dương. Iran hiện đang rất cần tìm kiếm thêm đồng minh mới - và thị trường mới để bán dầu mỏ và khí đốt - giữa bối cảnh cấm vận của ông Trump đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực lớn với nền kinh tế nước này.
Năm 2020, có thể Iran sẽ đưa ra quyết định "một mất một còn" với việc phát triển vũ khí hạt nhân. Hiện nay, Iran đã có những bước đầu trong việc theo đuổi làm giàu uranium và xác nhận rằng ngưỡng uranium làm giàu đã vượt mốc trong thỏa thuận JCPOA.
Bước vào thập kỉ mới, ông Trump phải đưa ra những quyết định sáng suốt và cẩn thận. CNN cho rằng, những rủi ro về chính trị đang khiến nước Mỹ dần trở thành người ngoài cuộc trong những vấn đề lớn của thế giới.