Thách thức “kép” của Tổng thống Trump trong năm 2020

Hoàng Phạm |

Năm 2020 sẽ là thách thức kép đối với Tổng thống Trump khi ông phải đối mặt với những thách thức ngoại giao trong bối cảnh bị luận tội và tái tranh cử.

Tổng thống Donald Trump bắt đầu năm mới với nhiều thách thức chính sách ngoại giao cùng thời điểm ông sẽ phải đối mặt với phiên xét xử luận tội tại Thượng viện và những đòi hỏi từ một chiến dịch tái tranh cử.

Thách thức “kép” của Tổng thống Trump trong năm 2020 - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ ở Afghanistan vẫn chưa có hồi kết. Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, còn có những căng thẳng với Iran, hậu quả từ quyết định rút quân khỏi Syria, những căng thẳng tiếp diễn với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và các mối quan hệ với châu Âu cũng như các đồng minh phương Tây lâu năm.

Tổng thống Trump không được yêu thích ở nước ngoài và cái mác một Tổng thống bị luận tội - người đang phải chạy đua tái tranh cử có thể làm giảm bớt thời gian, trọng tâm và ảnh hưởng chính trị cần thiết để giải quyết những vấn đề toàn cầu phức tạp. Một số nước có thể sẽ hoãn việc hoàn tất bất cứ thỏa thuận nào cho tới khi họ biết rõ liệu ông Trump có tái đắc cử hay không.

Bản thân ông Trump cũng thừa nhận thách thức kể trên trong một tuyên bố trên Twitter hôm 26/12: “Bất chấp những thành công lớn mà đất nước chúng ta đã có được trong 3 năm qua, điều đó lại làm chúng ta khó khăn hơn khi thỏa thuận với các nhà lãnh đạo nước ngoài khi tôi đang phải vừa bảo vệ bản thân mình trước đảng Dân chủ Không Làm Gì và mưu đồ luận tội giả tạo của họ. Thật tệ cho nước Mỹ”.

Đối với ông Trump, 2019 là một năm “tiến hai bước, lùi một bước” – đôi khi ngược lại – trong các thách thức quốc tế. Ông ghi điểm khá cao vì chiến dịch đột kích của Mỹ dẫn tới cái chết của thủ lĩnh IS, nhưng các lãnh đạo quân đội Mỹ vẫn lo ngại về sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố này. Ông đã buộc các đồng minh NATO cam kết chi thêm hàng tỷ USD vào quốc phòng nhưng cùng với đó lại có các mối quan hệ quan trọng cũng bị rơi vào căng thẳng.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc đã giúp giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa 2 bên. Nhưng thỏa thuận lại chưa giải quyết được những vấn đề phức tạp khác xung quanh cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc đang gian lận nhằm giành ưu thế tuyệt đối trong công nghệ trong khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang cố kiềm chế sự phát triển của nước này.

Dưới đây là cái nhìn sâu hơn về 3 thách thức ngoại giao hàng đầu đối với ông Trump trong năm 2020.

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều mất đà

Mỹ đang giám sát chặt chẽ mọi dấu hiệu Triều Tiên có thể phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân.

Triều Tiên đầu tháng 12/2019 từng dọa sẽ tặng “quà Giáng sinh bất ngờ” nếu Mỹ không đáp ứng thời hạn chót cuối năm mà ông Kim Jong-un đưa ra về những nhượng bộ để khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng ông có thể nhận được món quà là “chiếc bình đẹp”.

Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn cùng các loại vũ khí khác. Bất cứ vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa nào hay vụ thử hạt nhân đáng kể nào cũng sẽ làm trật hướng thêm các cuộc đàm phán ngoại giao mà ông Trump đã mở ra với ông Kim Jong-un từ năm 2018.

Mỹ không chấp nhận “tối hậu thư cuối năm” của nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nói rằng Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán.

“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được khả năng Triều Tiên tiến hành một hành động khiêu khích lớn trong những ngày tới. Ít nhất cũng phải nói rằng, một hành động như vậy sẽ là vô dụng trong việc đạt được hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”, ông Biegun, hiện đã là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói.

Năm 2017, ông Trump và ông Kim đã có những lời đe dọa về sự “hủy diệt” khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử nhằm đạt được khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lục địa Mỹ. Ông Trump nói rằng, ông sẽ trút “lửa và giận dữ” vào Triều Tiên. Trong khi đó, ông Kim đã đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của ông Trump và nói rằng, ông sẽ “thuần hóa một nước Mỹ già nua lẩm cẩm với lửa”.

Nhưng sau đó, hai nhà lãnh đạo “làm hòa” và có 3 cuộc gặp –ở Singapore năm 2018, ở Việt Nam tháng 2/2019 và tháng 6/2019 khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Triều Tiên ở khu phi quân sự liên Triều.

Trong khi hai nhà lãnh đạo có những bức ảnh “hào nhoáng”, Mỹ và Triều Tiên vẫn không có những bước tiến vững chắc trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Ông Trump nhấn mạnh việc Triều Tiên không tiến hành các vụ thử hạt nhân và thử tên lửa liên lục địa tầm xa như một thành tựu quan trọng về chính sách ngoại giao. “Thỏa thuận đã xảy ra”, ông từng tuyên bố như vậy trên Twitter.

Tuy nhiên, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump lại không nghĩ như vậy. “Triều Tiên rất hồ hởi tuyên bố rằng họ sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đặc biệt khi đổi điều đó lấy những lợi ích kinh tế thực tế, nhưng họ lại không bao giờ có ý định làm điều đó”, ông John Bolton nói với NPR.

Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang

Căng thẳng với Iran gia tăng từ năm 2018, khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với P5+1 (trong đó có Mỹ) năm 2015. Ông Trump nói rằng, thỏa thuận này là một phía và cho phép Iran được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhưng lại không hề từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận này, ông Trump bắt đầu chiến dịch “sức ép tối đa”, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, làm tê liệt thêm nền kinh tế của Iran. Mục đích của ông là buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận theo hướng có lợi hơn cho Mỹ và các nước khác vẫn ở trong thỏa thuận này.

Đáp lại, Iran đã tiếp tục các nỗ lực gây bất ổn khu vực, tấn công các mục tiêu ở Saudi Arabia, ngắt quãng tuyến vận tải thương mại qua eo biển chiến lược Hormuz, bắn hạ UAV của Mỹ và hỗ trợ tài chính cho các nhóm ủy nhiệm. Kể từ tháng 5/2019, gần 14.000 quân nhân Mỹ đã được triển khai tới khu vực nhằm răn đe Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, các chuyên gia hạt nhân của nước này đang thử nghiệm máy ly tâm loại mới. Iran cũng đã tăng giới hạn dự trữ urani và nước nặng lên trên mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời làm giàu urani ở cấp độ cao hơn giới hạn cho phép. Sự vi phạm của Iran là nhằm buộc Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga – những bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân - phải đề xuất các sáng kiến kinh tế mới nhằm giúp Iran “né” trừng phạt của Mỹ.

Nhà Trắng nói rằng chiến dịch “sức ép tối đa” đang có hiệu quả, nền kinh tế Iran đang suy sụp, lạm phát tăng cao. Các biện pháp trừng phạt ngăn chặn Tehran bán dầu thô ra nước ngoài đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên khắp cả nước Iran.

Trước đó, đầu tháng 12/2019, đã có một đột phá ngoại giao hiếm hoi giữa Mỹ và Iran khi học giả người Mỹ gốc Hoa Xiyue Wang - người đã bị giam giữ ở Iran 3 năm, được trả tự do để đối lấy một nhà khoa học Iran bị bắt giữ ở Mỹ.

Ông Trump nói rằng, việc trao đổi tù nhân có thể là “điềm báo trước cho những gì có thể thực hiện”. Tuy nhiên Iran tuyên bố, các thỏa thuận trao đổi tù nhân khác có thể được thu xếp, nhưng sẽ không có các cuộc đàm phán giữa chính quyền Tehran và chính quyền Trump.

Cuộc chiến chưa có hồi kết ở Afghanistan

Khi có chuyến thăm đầu tiên tới Afghanistan nhân Lễ Tạ ơn (cuối tháng 11), ông Trump tuyên bố rằng, các cuộc đàm phán với Taliban, vốn sụp đổ hồi tháng 9/2019, đã trở lại đúng hướng. Ông tuyên bố nhóm này muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến đã kéo dài hơn 18 năm qua.

“Chúng tôi sẽ xem nếu họ muốn có một thỏa thuận. Đó sẽ phải là một thỏa thuận thực sự”, ông nói với các binh sỹ Mỹ ở căn cứ không quân Bagram.

Chưa đầy 2 tuần sau, các cuộc đối thoại lại bị gián đoạn sau một cuộc tấn công bên ngoài căn cứ Bagram khiến 2 người Afghanistan thiệt mạng và 70 người khác bị thương, trong đó có cả các thành viên lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu. Taliban sau đó đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công.

Việc ông Trump muốn chấm dứt sự can dự của Mỹ ở Afghanistan không phải là điều xa lạ, nhưng giới phê bình lo ngại điều này sẽ khiến ông có quá nhiều nhượng bộ đối với Taliban.

Bất chấp những tiến bộ trong các cuộc đàm phán, ông Trump cuối cùng cũng đã dừng các cuộc đàm phán trong tháng 9 khi bạo lực tiếp diễn và một quân nhân Mỹ bị sát hại. Lần này, Mỹ tìm kiếm việc giảm bạo lực với mục tiêu cuối cùng là buộc Taliban phải đồng ý ngừng bắn lâu dài và bắt đầu đàm phán “toàn Afghanistan” để tìm ra một tương lai hòa bình cho quốc gia Nam Á này.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người từ chức vì bất đồng quan điểm với Tổng thống Trump về việc rút quân khỏi Syria, nói rằng Taliban đã không chứng minh được sự đáng tin trước, vì thế thay vì “tin tưởng và xác minh”, Mỹ nên “xác minh rồi mới tin tưởng”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng: “Tôi nghĩ Tổng thống đã đúng khi bắt đầu đàm phán với Taliban và tôi nghĩ ông cũng đúng khi dừng đàm phán khi các vụ đánh bom xảy ra”.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nói với Quốc hội trong tháng này rằng, Lầu Năm Góc đang xem xét một số lựa chọn để giảm số lượng binh sỹ ở Afghanistan. Một trong những lựa chọn đó có thể sẽ là chuyển sang một nhiệm vụ chỉ đơn thuần là chống khủng bố. Điều này sẽ cho phép để lại chỉ một số lượng tối thiểu binh sỹ Mỹ ở Afghanistan để chống các thành phần Hồi giáo cực đoan.

Thượng nghị sỹ Lindsey Graham (Cộng hòa), người có chuyến thăm Kabul (Afghanistan) trong tháng 12 cũng nói rằng, đầu năm tới, Tổng thống Trump có thể giảm số binh sỹ ở Afghanistan xuống 8.600 so với con số khoảng 12.000 hiện nay.

Trước đó ông Graham phản đối việc rút quân khỏi Afghanistan, nhưng nói rằng, 8.600 binh sỹ Mỹ có thể đủ để đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không trở thành “bàn đạp” cho một cuộc tấn công “kiểu 11/9” khác nhằm vào nước Mỹ.

Trong khi đó, phía Taliban tuyên bố rằng, bất cứ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm việc rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi nước này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại