Những cuộc khủng hoảng đối ngoại đợi sẵn Trump năm 2020

Thanh Hảo |

Từ đe dọa của Triều Tiên về leo thang hạt nhân đến tình hình ở Syria và Afghanistan, các điểm nóng toàn cầu sẽ tiếp tục sát hạch tài năng lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm tới.

Từ đe dọa của Triều Tiên về leo thang hạt nhân đến tình hình ở Syria và Afghanistan, các điểm nóng toàn cầu sẽ tiếp tục sát hạch tài năng lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm tới.

Chính sách đối ngoại hiếm khi là trọng tâm của các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, vì cử tri thường quan tâm đến các vấn đề trong nước sát thực với cuộc sống của họ hơn. Nhưng một cuộc khủng hoảng lớn có thể khiến người Mỹ phải chú ý đến vấn đề đối ngoại.

Tạp chí The Hill nêu ra 4 cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phải đương đầu trong năm 2020.

Triều Tiên

Đây là phép thử đầu tiên của ông Trump ngay từ đầu năm mới.

Bình Nhưỡng dọa sẽ tặng cho Mỹ món "quà Giáng sinh" và cảnh báo sẽ theo đuổi một con đường mới nếu Washington không nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân vào cuối năm 2019. Giới chức Mỹ và các nhà phân tích trong khu vực dự đoán món quà đó là một vụ thử tên lửa tầm xa.

Triều Tiên đã tự áp dụng lệnh dừng thử tên lửa tầm xa và đầu đạn hạt nhân kể từ khi bắt đầu đàm phán với Mỹ năm ngoái. Ông Trump đã ca ngợi lệnh dừng này là một dấu hiệu cho thấy các nỗ lực ngoại giao của ông đã mang lại hiệu quả, kể cả Bình Nhưỡng phóng hơn chục tên lửa tầm ngắn trong năm. Ông cũng hạ thấp các mối đe dọa gần đây của Triều Tiên, nói rằng Kim Jong Un "biết tôi có một cuộc bầu cử sắp diễn ra".

Nhưng nếu Triều Tiên vẫn thử tên lửa tầm xa, thì nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có một lựa chọn: Phớt lờ để mọi chuyện yên ổn trong năm bầu cử hoặc trở lại những ngày tháng đe dọa "lửa và cơn thịnh nộ" với Triều Tiên.

Afghanistan và Syria

Giữa lúc đàm phán hòa bình với Taliban được nối lại, Tổng thống Trump được cho là sẽ thông báo giảm quân số binh lính Mỹ ở Afghanistan xuống còn khoảng 8.600 lính.

Trong khi đó, khoảng 600 binh sĩ Mỹ vẫn đang ở Syria sau khi ông Trump gây "bão dư luận" hồi tháng 10 khi ra lệnh rút hết quân khỏi đất nước này.

Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố rõ ông muốn quân Mỹ rút hết khỏi hai nước này trong mùa bầu cử 2020 để có thể vận động cử tri rằng ông đã thực hiện cam kết chấm dứt "các cuộc chiến tranh mãi mãi".

Nhưng rút quân toàn bộ khỏi cả hai quốc gia này có thể gây cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm một cuộc khủng hoảng cả ở trong và ngoài nước. Các nỗ lực rút quân vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nhà lập pháp của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, và cả một số quan chức trong nội bộ chính quyền, rằng ông hành động quá vội vã.

Trong khi đó, nếu những cảnh báo của các nhà lập pháp và các quan chức đó là đúng thì việc rút quân Mỹ có thể tạo khoảng trống cho các nhóm khủng bố lấp đầy, chẳng hạn như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thổ Nhĩ Kỳ

Có mối liên hệ chặt chẽ với một cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Syria là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Trump đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra trong năm 2019 khi Ankara mở chiến dịch chống các lực lượng người Kurd Syria. Chiến dịch này được xem như một sự trao đổi khi ông Trump ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Syria.

Trong những ngày cuối năm 2019, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện ở đông bắc Syria, nơi người Kurd liên tục cáo buộc họ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và là nơi Ankara đề xuất tái định cư người tị nạn Syria trong một kế hoạch bị chỉ trích là thanh trừng sắc tộc.

Ở Mỹ, các nhà lập pháp đã mất kiên nhẫn với Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện đã thúc đẩy một dự luật trừng phạt nhằm vào đồng minh NATO này. Và, Chủ tịch ủy ban, ông Jim Risch (đảng Cộng hòa bang Idaho) nói ông sẽ nỗ lực đưa dự luật ra trước toàn Thượng viện sau khi phiên xử luận tội ông Trump kết thúc.

Ankara dọa sẽ trả đũa nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cấm vận, cảnh báo sẽ đuổi lính Mỹ khỏi Căn cứ Không quân Incirlik. Incirlik vốn là một bệ phóng chủ chốt cho các chiến dịch quân sự của Mỹ chống IS và là nơi chứa khoảng 50 quả bom hạt nhân Mỹ.

Iran

Mỹ và Iran đã tiến đến bờ vực chiến tranh không ít lần trong năm 2019, và không có dấu hiệu cho thấy tình hình giữa đôi bên sẽ dịu đi trong năm 2020.

Năm 2019 chứng kiến căng thẳng tăng vọt khi ông Trump siết chặt cấm vận tiếp sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với các cường quốc năm 2015.

Iran phản ứng bằng cách lần lượt bỏ qua các giới hạn then chốt của thỏa thuận hạt nhân và dọa sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi nào Washington từ bỏ cấm vận hoặc EU tìm ra một giải pháp hiệu quả.

Tuần này, Tehran bắt đầu vận hành một mạch thứ cấp tại lò phản ứng nước nặng ở Arak. Dùng mạch thứ cấp không vi phạm thỏa thuận hạt nhân nhưng chứng tỏ Iran đang cải thiện năng lực.

Chừng nào chính quyền Trump vẫn duy trì chiến dịch "áp lực tối đa" đối với Iran và thỏa thuận hạt nhân tiếp tục gặp khó khăn thì nguy cơ đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ vẫn còn hiện diện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại