*Dưới đây là bài chia sẻ của một tác giả giấu tên, được đăng trên trang Toutiao thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.
Càng lớn, tôi càng thấy sự phức tạp của các mối quan hệ giữa con người với nhau, nghiệm ra sự vô thường của số phận. Nhìn lại chặng đường đã đi, tôi càng hiểu thêm: Kết cục của mọi việc trên đời đều có nhân quả đi theo.
Con đường bạn chọn sẽ quyết định bạn sẽ trở thành người như thế nào và bạn sẽ sống như thế nào. Nếu bạn không thể chịu đựng được mọi thứ, đi sai bước, sai hướng, bạn sẽ dễ dàng rơi xuống vực thẳm và khiến cuộc đời của mình trở nên tăm tối. Nếu bạn kiên trì, can đảm vượt qua được thử thách và quản lý tốt bản thân, con đường phía trước sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cuộc sống về sau cũng sẽ ngày càng êm ấm, sung túc.
Từ năm 40 đến 65 tuổi là thời kỳ vàng son của cuộc đời mỗi người, vượt qua 2 thực tế phũ phàng dưới đây chính là chìa khóa để có được hạnh phúc lúc về già.
1. Có mất đi mới biết trân trọng
Tiểu thuyết gia nổi tiếng Trung Quốc Vương Tiểu Ba đã từng viết: "Khi còn trẻ, người ta sẽ cảm thấy rằng thế giới thật rộng lớn, muốn vùng vẫy năm châu bốn bể. Nhưng khi đến tuổi trung niên, ai nấy đều sẽ thấy rằng mình không có gì ngoài gia đình." Nếu một người thực sự hiểu chân lý cuộc sống đằng sau câu nói này, có lẽ họ đã trải qua những mất mát đến đau lòng.
Khi còn nhỏ, tôi luôn nghĩ rằng mình có cha mẹ để dựa vào, có anh chị em để cùng đồng hành trong cuộc sống. Thực ra, cha mẹ rồi cũng sẽ già đi, anh chị em rồi mỗi người cũng sẽ có gia đình, có khoảng trời riêng. Không ai có thể ở bên chúng ta mãi mãi. Khi đến tuổi trung niên, bạn sẽ nhận ra rằng mất đi người thân hay mất đi những thứ mình thực sự yêu thích có lẽ là sự mất mát lớn nhất trong cuộc đời một con người.
Ảnh minh họa: Internet
Nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Đặng Siêu từng khiến nhiều người xúc động với bài đăng gửi người cha đã mất của mình trên Weibo vào Ngày của cha: "Bố ơi, con vừa thử gọi vào số điện thoại của bố, đầu dây bên kia chẳng có ai nhấc máy, nhưng con vẫn mong có ai đó trả lời. Dù là người lạ, con cũng sẽ lắng nghe bố à. Chúc bố một ngày lễ vui vẻ, con yêu bố !"
Từ nhỏ, Đặng Siêu với bố vốn không hòa hợp bởi bản tính của anh vốn bướng bỉnh trong khi bố lại vô cùng sự nghiêm khắc. Sau này khi lớn lên, cuối cùng anh cũng hiểu được tấm lòng của đấng sinh thành nên đã nỗ lực để có được thành công như ngày hôm nay. Thế nhưng khi anh có đủ điều kiện để báo hiếu thì bố đã đột ngột qua đời. Đây có lẽ là chuyện nuối tiếc nhất trên đời, con cái muốn báo hiếu nhưng cha mẹ lại không còn nữa.
Con người ở tuổi trung niên, dù thành đạt hay bình thường đều nhìn thấu sinh, lão, bệnh, tử ở đời. Vì vậy chúng ta cần phải trân quý từng giây phút khi người thân còn sống và cũng phải cố gắng sống thật tốt để họ yên lòng.
Trong cuộc đời này, chúng ta cũng không bao giờ có thể đoán trước liệu có cơ hội gặp lại sau khi nói lời tạm biệt hay không. Cũng vì thế mà mỗi người đều sẽ có những điều “dang dở” khiến chúng ta phải hối tiếc cả đời.
Mất mát vốn là một trong những quy luật của cuộc sống. Khi lớn lên, chúng ta cuối cùng phải học cách đối mặt với những điều này. Ở một góc độ nào đó, chính những mất mát đó đã khiến chúng ta thực sự trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống. Vì vậy, cả cuộc đời này, bạn hãy trân trọng những gì mình đang có. Hãy sống thật tốt, đón nhận thế giới một cách ấm áp, rồi thế giới cũng sẽ ấm áp lại với bạn.
2. Có bệnh tật mới biết quý sức khỏe
Nhà văn Lý Tiểu Nhất (Trung Quốc) đã từng cho biết trước 40 tuổi, bà định nghĩa hạnh phúc là "có" tiền, xe hơi, nhà cửa và sự nghiệp. Trong những năm đó, để có được điều kiện sống tốt hơn, bà bận rộn luôn kiếm tiền và đi du lịch. Mãi cho đến tuổi trung niên, cô đổ bệnh mới chợt nhận ra hạnh phúc thật ra là “không” lo lắng, không bệnh tật, không tai họa. Chia sẻ của bà được rất nhiều người đồng tình.
Cách đây một thời gian, tôi đến bệnh viện thăm một người bạn cũ, nhìn thấy ông ấy nằm trên giường bệnh, không nói được lời nào, tôi cảm thấy rất buồn và bất lực vì không thể giúp được gì cho bạn mình.
Trong trí nhớ của tôi, ông bạn này rất thích uống rượu. Khi còn ở đơn vị công tác, ông ấy đặc biệt thích tham gia các bữa tiệc, thường xuyên uống rượu đến tận khuya mới lảo đảo trở về nhà.
Ảnh minh họa: Internet
Một lần, vì uống quá nhiều rượu, bạn tôi bị đau dạ dày và được đưa đến bệnh viện vào lúc nửa đêm. Nhưng ngay khi sức khỏe hồi phục, ông ấy lại tiếp tục đắm chìm vào những cuộc vui cùng bạn bè bất chấp được gia đình khuyên ngăn. Chỉ đến khi tuổi cao hơn, sức khỏe yếu đi rồi bệnh tật liên tiếp tìm mới thì người bạn này mới chịu tỉnh ngộ. Thế nhưng thức tỉnh lúc này đã quá muộn rồi.
Con người đến một độ tuổi nhất định cuối cùng cũng dần phải đầu hàng với thực tại và bắt đầu đối xử tốt hơn với cái thân xác phàm trần này. Đừng nghĩ mình còn trẻ mà cho phép bản thân thức khuya hay phóng túng uống rượu bia. Bởi chỉ cần một vấn đề nhỏ xảy ra cũng sẽ khiến sức khỏe bạn bị ảnh hưởng rất nhiều.
Hãy yêu quý và trân trọng thân thể của mình từ bây giờ. Nên ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên, không thức khuya, giữ tâm trạng vui vẻ, đừng cáu kỉnh nữa. Bởi thay vì tranh đấu như ngày trẻ, khi bước đến độ tuổi trung niên, người ta phải mặc cả với cái chết hết lần này đến lần khác. Đừng để đến phút cuối rồi mới hối hận, nhận ra thì đã không kịp nữa rồi.
Xin hãy nhớ rằng một cơ thể khỏe mạnh và an toàn là tiền đề của mọi hạnh phúc. Nửa đời sau, hãy chăm sóc thân tâm thật tốt, điều chỉnh bản thân để không phải hối tiếc bất kỳ điều gì trong cuộc sống.
(Theo Toutiao)