Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng ban chính sách Bảo hiểm xã hội thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay BHXH Việt Nam vẫn chưa nhận được thông tin nào về việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 so với thay đổi của luật BHXH.
Chính vì thế, từ 1/1/2018, việc chi trả lương hưu cho người lao động nữ về hưu vẫn thực hiện theo luật của BHXH năm 2014.
Trước đó, nhiều thông tin cho rằng việc tính lương hưu của lao động nữ về hưu từ năm 2018 sẽ gây thiệt thòi cho phụ nữ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam đã có báo cáo và đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về lộ trình điều chỉnh cho tương đương giữa lao động nam và nữ nhưng đến nay chưa có câu trả lời.
Ông Thọ cho biết, với những người nghỉ hưu từ 1/1/2018 vẫn tính theo luật BHXH năm 2014.
Theo đó, đối với lao động nữ đóng BHXH 15 năm thì sẽ được hưởng 45% và mỗi năm tính thêm 2% tối đa đạt 30 năm đóng BHXH mới được hưởng 75% lương hưu.
Để được hưởng 75% lương thì lao động nữ phải đạt 30 năm đóng BHXH, trong khi vào năm 2017 thì chỉ cần 25 năm. Đối với lao động nam chỉ cần 31 năm đóng BHXH sẽ được hưởng 75% lương.
Theo ông Phạm Lương Sơn -Phó giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam có kiến nghị sửa đổi lộ trình tham gia của lao động nữ nhưng vẫn đang chờ. Chưa có gì mới thì BHXH Việt Nam vẫn tuân thủ chính sách của luật BHXH 2014.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, con số người lao động nghỉ hưu tính từ 1/1/2018 có số lượng không nhiều, chỉ khoảng 3.000 người trong tổng số 21 nghìn người nghỉ hưu từ 1/1/2018.
Ông Sơn cũng cho biết, BHXH Việt Nam đã báo cáo và có các giải pháp cụ thể về đề xuất tăng lương ưu tiên cho nhóm đối tượng này để họ không bị thiệt thòi.
Nếu trong quyết định mới sau ngày 1/1/2018 có hồi tố lương hưu thì BHXH sẽ hồi tố, còn nếu quyết định tính từ ngày thực hiện thì BHXH sẽ tính theo từ ngày có quyết định thực hiện.
Được biết, từ năm 2018 trở đi, người lao động có hợp đồng lao động ngắn hạn dưới 3 tháng cũng được đóng BHXH.
Về vấn đề này, ông Thọ cho biết thêm để quản lý số đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 – 3 tháng đặt ra gánh nặng cho BHXH và cơ quan quản lý lao động vì đối tượng này có sự biến động, trong ý thức người sử dụng lao động họ cũng không muốn phải bỏ ra những khoản chi phí để đóng BHXH cho đối tượng này.
Tuy nhiên, luật đã có quy định thì trách nhiệm của các cơ quan trong BHXH phải thực hiện chặt chẽ hơn đối với cơ quan quản lý lao động để nắm bắt được đối tượng, đôn đốc thu BHXH dù đây là điều rất khó.