Putin: Mỹ có thể đứng ngoài cuộc
RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định: Trong trường hợp các thành viên NATO ở châu Âu khiến Nga phải đưa ra phản ứng hạt nhân, thì người Mỹ có thể đứng ngoài cuộc.
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 7/6, ông Putin đã được hỏi về các phát ngôn ngày càng táo bạo từ một số nước châu Âu. Về vấn đề này, ông Putin trả lời như sau:
"Người châu Âu phải nghĩ xem: Nếu những bên mà chúng ta giao tranh bằng đòn [hạt nhân] như vậy bị xóa sổ, liệu người Mỹ có tham gia vào cuộc giao tranh ấy - trên cấp độ vũ khí chiến lược - hay không? Tôi rất nghi ngờ về điều đó".
Tổng thống Nga giải thích rằng, mặc dù cả Mỹ và Nga đều có hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện tên lửa đạn đạo nhưng các thành viên châu Âu của NATO thì không. "Ở khía cạnh này, họ gần như là bất lực", ông Putin nói.
Hơn nữa, theo Tổng thống Nga, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga "mạnh gấp 3 đến 4 lần so với loại bom mà người Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki [trong chiến tranh thế giới thứ 2]".
"Chúng tôi có nhiều hơn gấp nhiều lần - kể cả trên lục địa châu Âu, và ngay cả khi người Mỹ mang [vũ khí] từ Mỹ tới - thì chúng tôi vẫn còn nhiều hơn gấp nhiều lần", ông Putin nói, đồng thời cảnh báo rằng, cuộc chiến như vậy sẽ gây ra "thương vong không kể xiết".
Putin: Nga không cần vũ khí hạt nhân để chiến thắng ở Ukraine
Khi được hỏi về việc liệu Nga có nên leo thang xung đột ở Ukraine hay không, Tổng thống Putin nói rằng, ông cầu mong thế giới sẽ không bao giờ chứng kiến một cuộc đối đầu hạt nhân, và cho biết thêm: "Chúng tôi không có nhu cầu đó bởi lực lượng vũ trang của chúng tôi không chỉ đang tích lũy kinh nghiệm, họ đang tăng cường hiệu quả của mình".
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, hiện tại thậm chí không cần đề cập tới leo thang hạt nhân, khi mà quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang hoạt động hiệu quả, có năng lực vượt trội hơn nhiều so với đối thủ về lĩnh vực thiết giáp và hàng không.
Tổng thống Putin khẳng định, Nga không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo chiến thắng ở Ukraine. Theo ông Putin, các lực lượng quân đội Nga đang tiến công dọc theo chiến tuyến ở Ukraine, và hiện đã giành được quyền kiểm soát 880 km2 lãnh thổ kể từ đầu năm, bao gồm 47 làng mạc và thị trấn.
Mặc dù không loại trừ khả năng Nga thay đổi học thuyết hạt nhân, ông Putin lưu ý rằng: Hiện tại, Moscow chỉ cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp có mối đe dọa đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, mà đây không phải tình huống hiện thời.
Ông Putin cũng khẳng định, Nga chưa bao giờ dùng vũ khí hạt nhân trong xung đột Ukraine, thông tin này là sự bịa đặt ác ý của một số chính trị gia phương Tây.
Reuters nhận định, tới nay đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất từ Điện Kremlin cho thấy có khả năng cuộc xung đột đẫm máu nhất của châu Âu kể từ Thế chiến hai sẽ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp vũ khí, đạn dược cùng thiết bị quân sự cho Ukraine trong vòng 2 năm qua. Mới đây, Washington, London và một số thành viên NATO tuyên bố dỡ bỏ một số giới hạn, cho phép Kiev sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công trong lãnh thổ Nga. Quyết định này đã khiến Moscow giận dữ và tuyên bố đáp trả.
Theo RT, hồi tháng trước, Điện Kremlin đã ra lệnh cho đơn vị quân sự nằm ở khu vực giáp biên giới với Ukraine tiến hành các cuộc diễn tập triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược vì cho rằng cần phải gửi thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây.