Bà có đánh giá gì về Đối thoại an ninh Shangri-La năm nay? Những vấn đề đặt ra qua Đối thoại lần này là gì?
Năm nay Đối thoại Shangri-La vẫn tập trung vào hai vấn đề an ninh nổi cộm.
Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã định hình thành một xu hướng bao trùm trong bàn cờ địa chiến lược khu vực và quốc tế. Đây là một xu thế không thể đảo ngược và mục tiêu của cả hai cường quốc là tăng cường sức mạnh quốc gia toàn diện, quản lý cạnh tranh để ngăn chặn leo thang lên chiến tranh, và tranh thủ đồng minh, đối tác, cộng đồng quốc tế để phổ biến giá trị và lợi ích của Mỹ hoặc Trung Quốc lên quản trị toàn cầu và trật tự thế giới.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc có tiếp xúc song phương bên lề Đối thoại Shangri-La 2024 – điều không xảy ra vào năm ngoái – là một động thái tích cực về nhận thức chung của cả hai cường quốc trong việc cần thiết duy trì đối thoại, tái thiết lập các cơ chế ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng để ngăn chặn xung đột.
Điều này cũng cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tỏ ra là ứng xử có trách nhiệm trước quan ngại của nhiều nước trong khu vực về khả năng căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang giữa các cường quốc tại một số điểm nóng khu vực.
Thứ hai, Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra vào thời điểm thế giới có hai cuộc chiến tranh lớn (chiến tranh Nga - Ukraine tại Châu Âu bước sang năm thứ ba và chiến tranh Israel - Hamas bùng nổ từ cuối năm ngoái tại Trung Đông), xung đột cục bộ âm ỉ tại nhiều khu vực, và căng thẳng leo thang tại các điểm nóng ở Châu Á, đặc biệt là eo biển Đài Loan, Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.
Chưa bao giờ vấn đề "chiến tranh và hòa bình" được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Quan ngại này được thể hiện trong bài phát biểu bế mạc của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore. Ông nói: "Chúng ta phải tránh một cuộc xung đột ở Châu Á vì Châu Á và toàn thế giới sẽ không thể chịu nổi một cú sốc địa chính trị thứ ba".
Qua phát biểu của các quan chức quốc phòng tại Đối thoại, thông điệp mà các nước lớn muốn chuyển tải là gì và có sự khác biệt gì so với những năm trước?
Thông điệp của các nước lớn đều có sự nhất quán so với những năm trước do các xu thế lớn – cạnh tranh chiến lược, lôi kéo đồng minh, đối tác – đều đã định hình – với một số điều chỉnh tăng giảm về trọng tâm trong một số khía cạnh để phù hợp với diễn biến mới.
Trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, thông điệp nhất quán đầu tiên là cam kết của Mỹ trong việc duy trì hiện diện và can dự bền vững ở khu vực với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương.
Ông nói: "Mỹ quan trọng sống còn với tương lai của khu vực, đồng thời chưa bao giờ khu vực này có tầm quan trọng sống còn lớn như thế đối với Mỹ". Đây là lời khẳng định mang tính trấn an trong bối cảnh Mỹ đang phải tập trung nguồn lực quân sự và ngoại giao cho hai cuộc chiến ở Châu Âu và Trung Đông, bất chấp mục tiêu chiến lược dài hạn là dịch chuyển trọng tâm cạnh tranh chiến lược sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Thông điệp nhất quán thứ hai của Mỹ là nhấn mạnh tầm quan trọng của "trật tự khu vực mở, tự do và dựa trên luật lệ", đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông Lloyd Austin nhấn mạnh việc áp dụng luật pháp quốc tế lên hai điểm nóng hiện nay là chiến tranh Nga - Ukraina và tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, một số phản hồi từ những người tham gia Đối thoại Shangri-La năm nay cũng chỉ ra rằng Mỹ không nên áp dụng tiêu chuẩn kép đối với các chiến dịch quân sự của Israel đang gây ra thảm họa nhân đạo trên dải Gaza cũng như những cản trở đối với việc thành lập nhà nước Palestine.
Thông điệp thứ ba, cũng là thông điệp nổi bật nhất của Mỹ năm nay, là thành quả đối ngoại-an ninh quan trọng nhất của chính quyền Biden trong việc tăng cường, mở rộng mạng lưới đối tác đồng minh của Mỹ, vượt lên khuôn khổ truyền thống "trục và nan hoa".
Đó không những là sự củng cố của hệ thống đồng minh song phương lấy Mỹ làm trung tâm mà còn là "sự đồng quy của nhiều sáng kiến và thể chế tương hỗ" trong đó các "nan hoa" (đồng minh, đối tác của Mỹ) tăng cường hợp tác lẫn nhau thông qua các cơ chế song phương, ba bên, bốn bên, tiểu đa phương linh hoạt, và "trục" Washington có thể là bên tham gia trực tiếp hoặc đóng vai trò thúc đẩy gián tiếp.
Một số ví dụ tiêu biểu cho sự "đồng quy" chiến lược này là Nhóm bộ tứ (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc), Nhóm AUKUS – Mỹ, Úc và Anh – với tiềm năng mở rộng cho sự tham gia của Nhật, Hàn Quốc, Canada, New Zealand vào hợp phần 2 trong hợp tác công nghệ quốc phòng trong một số lĩnh vực mũi nhọn – cũng như triển vọng hình thành nhóm Squad (Mỹ, Nhật, Úc, Philippines). Ông Lloyd Austin gọi sự "đồng quy" chiến lược này là một nhân tố quan trọng góp phần định hình "kỷ nguyên an ninh mới ở Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Xét từ góc nhìn Trung Quốc, đây chính là sự gia tăng ép sát của hệ thống đồng minh Mỹ, hay còn gọi là "chính trị theo phe", nhằm mục tiêu "bao vây, cô lập và ngăn chặn" sức mạnh của Trung Quốc.
Chính vì vậy, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân tiếp tục nhấn mạnh thông điệp phản đối sự can dự của "các cường quốc bên ngoài" (ám chỉ Mỹ và một số nước đồng minh của Mỹ) vào các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Trung Quốc coi đây là nhân tố gây bất ổn định hàng đầu trong môi trường an ninh Châu Á.
Điểm nổi bật trong bài phát biểu năm nay là Trung Quốc không những lấy lập trường quốc gia mà còn tự đặt mình ở tư cách đại diện lập trường của các nước Châu Á để phản đối Mỹ và hệ thống đồng minh.
Ông Đổng Quân sử dụng cụm từ "chúng ta" (Trung Quốc và các nước trong khu vực) và gợi lại quá khứ chịu áp bức đô hộ của "chủ nghĩa đế quốc" và "chủ nghĩa thực dân". Đây là một cách khéo léo để tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực, nhưng đồng thời cũng gây ra quan ngại về việc Trung Quốc đánh đồng lợi ích quốc gia của nước này với lợi ích của các nước Châu Á khác, vốn không phải lúc nào cũng hoàn toàn song trùng, thậm chí còn có khác biệt và xung đột, ví dụ như trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay lập trường về sự hiện diện và can dự an ninh của Mỹ tại khu vực.
Trong thông điệp thứ hai - và cũng là thông điệp rất quen thuộc của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La hàng năm - ông Đổng Quân quảng bá tầm nhìn và vai trò trách nhiệm nước lớn của Trung Quốc thông qua các sáng kiến như Cộng đồng Chia sẻ Tương lai, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Dữ liệu và Quản lý Trí tuệ Nhân loại (AI) Toàn cầu.
Cũng như các năm trước, ông tiếp tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc không tìm kiếm bá quyền, không tấn công hay xâm lược các nước khác và Trung Quốc là một quốc gia yêu hòa bình và đóng góp cho hòa bình thế giới.
Tuy nhiên, trong phần hỏi đáp năm nay, cũng như các năm trước, nhiều người tham gia Đối thoại nêu vấn đề về khoảng cách, thậm chí là mâu thuẫn, trong lời nói và hành vi của Trung Quốc, bao gồm trong vấn đề Biển Đông.
Trong thông điệp thứ ba – cũng có thể là thông điệp quan trọng nhất – ông Đổng Quân đặc biệt nhấn mạnh "làn ranh đỏ" trong vấn đề Đài Loan, được coi là "cốt lõi nhất trong các lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc.
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo mới của Đài Loan – ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân tiến vốn nghiêng về ủng hộ Đài Loan độc lập – vừa nhậm chức. Trong lúc ông Đổng Quân phát ra thông điệp cứng rắn từ Đối thoại Shangri-La, quân đội Trung Quốc cũng đang tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn ở eo biển Đài Loan để răn đe chính quyền mới của Đài Loan cũng như gửi một thông điệp cứng rắn đến Mỹ, đồng minh của Mỹ và cộng đồng quốc tế trong vấn đề Đài Loan.
Một trong những vấn đề trong nhiều năm nay được đề cập tại Đối thoại Shangri-La là vấn đề Biển Đông. Qua nhiều năm, bà thấy xu hướng vấn đề Biển Đông hiện tại như thế nào?
Biển Đông là một trong những vấn đề nổi cộm nhất ở Đối thoại Shangri-La năm nay vì hai yếu tố.
Thứ nhất là căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Trung Quốc và Philippines, đặc biệt trong việc Trung Quốc dùng vòi rồng và lực lượng hải cảnh áp đảo để ngăn chặn Philippines tiếp tế tiền đồn ở Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).
Thứ hai là sự tham gia của Tổng thống Philippines, ông Ferdinand 'Bongbong' Marcos, với tư cách là người phát biểu dẫn đề của hội nghị. Bài phát biểu gây ấn tượng mạnh mẽ với việc nhấn mạnh độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines, tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và phán quyết trọng tài năm 2016 trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, phản đối việc sự dụng vũ lực và áp đặt của nước lớn đối với nước nhỏ.
Ông đặc biệt nêu cao tinh thần độc lập tự chủ của các quốc gia Đông Nam Á trong tranh chấp ở Biển Đông nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân các nước này, chứ không phải vì là con cờ trong đấu tranh quyền lực giữa các nước lớn.
Ông nói: "Chúng ta không phải là người qua đường đối với các sự kiện quốc tế đang diễn ra. Chúng ta là người cầm lái những sự kiện đó... là nhân vật chính trong câu chuyện chung của chúng ta… là chủ thể của hành trình cộng đồng khu vực".
Tranh chấp ở Biển Đông vẫn là một trong những vấn đề an ninh nổi cộm nhất ở khu vực, là nơi hội tụ của nhiều mâu thuẫn chưa thể giải quyết: bao gồm tranh chấp lãnh thổ và hàng hải giữa giữa các quốc gia ven biển, sự áp đặt của "luật rừng" lên luật pháp, xung đột giữa mục tiêu "an ninh Châu Á của người Châu Á" của Trung Quốc và nhu cầu can dự chiến lược và bảo đảm quyền tự do hàng hải của Mỹ và các cường quốc với khác.
Những căng thẳng đang diễn ra giữa Trung Quốc và Philippines cũng như sự gia tăng kiểm soát của Trung Quốc trong các khu vực thuộc yêu sách "Đường chín đoạn" cho thấy Biển Đông không hề "hòa bình, hòa hợp và ổn định" như tuyên truyền của nước này.
Nó cũng cho thấy sự bế tắc của quá trình thương thảo giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Quá trình này đã diễn ra hơn 10 năm và là một kênh quan trọng để duy trì đối thoại giữa các bên liên quan nhưng hiệu quả thực chất trong việc quản lý và kiềm chế hành vi trên thực địa vẫn còn rất hạn chế.
Ngoài những vấn đề khu vực, Đối thoại Shangri-La năm nay cũng có sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine Zelensky trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine bước sang năm thứ 3 và chưa có giải pháp. Bà đánh giá thế nào về sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine tại Shangri-La và vai trò của Đối thoại này đối với các vấn đề toàn cầu?
Sự xuất hiện vào phiên bế mạc của Tổng thống Zelensky cùng với phát biểu dẫn đề của Tổng thống Philippines "Bongbong" Marcos ở phiên khai mạc gây ấn tượng mạnh với một thông điệp song trùng – dù không có sự phối hợp từ trước – rằng: độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia, bất kể lớn nhỏ, cần được tôn trọng; đồng thời, cũng không thể nhân danh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc để áp đảo tiếng nói, lợi ích và nguyện vọng của các nước nhỏ. Thế giới chỉ có năm cường quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng 190 quốc gia còn lại hợp thành đại đa số của cộng đồng quốc tế; họ không phải và không nên bị xem như những con cờ trong bàn cờ chiến lược của các nước lớn.
Ngoài thông điệp từ các nước lớn, bà có đánh giá thế nào về phản ứng của các nước ASEAN? Cần phải làm thế nào để Đối thoại thực sự trở thành diễn đàn để tiếng nói của các nước nhỏ được trình bày, chứ không chỉ là nơi chuyển tải thông điệp của các nước lớn?
Sự hiện diện và thông điệp của các nước Đông Nam Á luôn là một phần không thể thiếu của Đối thoại Shangri-La hàng năm. Với tư cách là nước chủ nhà của diễn đàn này, Singapore đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông điệp từ khu vực.
Năm nay, ngoài bài phát biểu dẫn đề của Tổng thống Philippines "Bongbong" Marcos, còn có bài phát biểu đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là Tổng thống tương lai của Indonesia, ông Prabowo Subianto, cùng với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Timor-Leste tại các phiên toàn thể.
Đại diện Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, dẫn đầu cũng đóng góp vào tiếng nói chung của ASEAN trong việc kêu gọi kiềm chế, đối thoại và hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và duy trì một trật tự khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh canh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng sâu sắc, các nước Đông Nam Á đặc biệt nhấn mạnh quyền tự chủ chiến lược của mỗi quốc gia trong các quyết định chính sách và từ chối "chọn bên". Bản thân Tổng thống "Bongbong" Marcos của Philippines cũng nhấn mạnh vai trò của cả Mỹ và Trung Quốc trong trật tự khu vực cũng như nhu cầu của các nước trong khu vực trong thúc đẩy quan hệ với cả hai cường quốc. Ông nói: "Ảnh hương có tính quyết định của Trung Quốc đối với tình hình an ninh và phát triển kinh tế của khu vực là một thực tế thường trực. Đồng thời, sự hiện diện có tác động tạo ổn định của Mỹ cũng rất quan trọng với hòa bình khu vực".
Đây là những thông điệp quan trọng, cần thiết nhưng khó có thể thay đổi cục diện chung của thế giới và khu vực.
Trong những năm tới, phân hóa chiến lược, kinh tế và công nghệ giữa các nước lớn vẫn tiếp tục. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Biden năm 2022 đã thẳng thắn nhận định: "Trật tự thế giới hậu Chiến tranh lạnh đã qua" – kỷ nguyên hợp tác nước lớn để thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do hóa, và giải quyết các vấn đề chung đã qua.
Thế giới đã và đang thay đổi với sự trỗi dậy của "biên giới quốc gia", của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ, thay vì thúc đẩy phụ thuộc lẫn nhau không phân biệt như trước đây.
ASEAN vẫn tiếp tục nêu cao tinh thần an ninh hợp tác, đối thoại và thượng tôn pháp luật, nhưng cũng cần phải chuẩn bị cho môi trường an ninh khu vực ngày càng phức tạp và phân hóa, trong đó các cơ chế đa phương sẽ song hành với sự trỗi dậy của nhiều tập hợp lực lượng hướng tới răn đe và cân bằng quyền lực giữa các nước lớn.