Chiến thắng trong trận Tsu-si-ma đã làm cho Nhật Bản trở thành 1 trong 6 quốc gia có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới.
Sau hai năm 1894-1895, chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất kết thúc. Nhật Bản giành thắng lợi. Triều đình Mãn Thanh phải chấp thuận nhượng lại Mãn Châu và bán đảo Triều Tiên cho Nhật. Trong khi, sau hòa ước Bắc Kinh, Nga đã chiếm trọn Mãn Châu.
Vì thế, Nhật yêu cầu Nga rút binh về, trả Mãn Châu cho nhà Thanh. Nga chống lại, chỉ đồng ý cho Nhật buôn bán ở Nam bán đảo Triều Tiên, còn khu vực Bắc Triều Tiên và Mãn Châu đều thuộc về Nga. Nhật Bản khai chiến với Nga ở Mãn Châu.
Để có thể kiểm soát đường liên lạc và tiếp vận nối liền Nhật Bản với lục địa Á châu, phục vụ cho cuộc chiến tranh ở Mãn Châu, Nhật cần phải vô hiệu hóa sức mạnh hải quân Nga ở khu vực Viễn Đông.
Những trận tiền Tsu-si-ma
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các cường quốc trên thế giới bắt đầu một bước ngoặt trong việc xây dựng hạm đội tàu chiến. Trước đó, các hạm đội được xây dựng đa dạng với đủ loại pháo có cỡ nòng khác nhau, trong đó chủ yếu là 150mm, 203mm, 254mm và 305mm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những khẩu trọng pháo với tầm bắn xa dễ dàng chiếm được lợi thế trước những khẩu đội pháo gồm nhiều cỡ nòng hỗn hợp.
Vì thế, hải quân Nhật Bản đã quyết định đóng tàu Sát-su-ma (Satsuma) được trang bị hoàn toàn bằng trọng pháo. Hải quân Hoàng gia Anh cũng nhanh chóng khởi công đóng tàu chiến HMS trang bị hoàn toàn bằng pháo 305mm.
Trước trận đại hải chiến Tsu-si-ma, đã có tới 3 trận đối đầu giữa hải quân Nga và Nhật. Đầu tiên là trận chiến gần cảng A-thơ (Arthur), Mãn Châu, vào ngày 8-2-1904. Chỉ huy phía hạm đội Nhật Bản là Đô đốc Tô-gô Hê-ha-chi-rô (Togo Heihachiro) và Phó đô đốc Si-ghê-tô Đê-oa (Shigeto Dewa).
Hạm đội Nhật Bản gồm: 6 thiết giáp hạm, 9 tuần dương hạm bọc thép, 15 tàu khu trục và khoảng 20 tàu phóng ngư lôi nhỏ.
Hạm đội Nga do Đô đốc Ô-xca Vích-tô-rô-vích Xtác (Oskar Victorovich Stark) chỉ huy, gồm: 7 thiết giáp hạm, 5 tàu tuần dương và một số tàu khu trục hạng nhẹ. Sức mạnh của hạm đội Nga còn dựa vào các pháo đài của căn cứ hải quân đã được tăng cường ở cảng A-thơ.
Ban đầu, Đô đốc Hê-ha-chi-rô Tô-gô vạch kế hoạch đột kích nhanh vào cảng A-thơ với chiếc soái hạm Mi-ka-sa (Mikasa) dẫn đầu. Với lực lượng vượt trội và ưu thế về tính bất ngờ, Đô đốc Tô-gô hy vọng tạo ra một đòn đánh gục hạm đội Nga ngay sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ Nhật Bản và Nga.
Đợt tấn công đầu tiên của hạm đội Nhật Bản vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 8-2- 1904. Hạm đội Nhật gồm 10 khu trục hạm chạm trán tàu khu trục tuần tra Bô-y-a-rin (Boyarin) của Nga. Chiếc Bô-y-a-rin bắn vào chiếc Mi-ka-sa ở tầm bắn cực đại, sau đó quay đầu bỏ chạy.
30 phút sau, ở khoảng cách chừng 7.000m, cuộc chiến bắt đầu nổ ra giữa hai hạm đội Nhật Bản và Nga. Quân Nhật tập trung pháo 305mm tấn công các khẩu đội pháo bờ biển của Nga. Trong khi đó, pháo 203mm và 150mm bắn cấp tập vào các tàu Nga.
Quân Nga bắn trả dữ dội, nhưng người Nhật đã bắn cháy các chiến hạm Nô-vích (Novik), Pê-trô-páp-lốp-xcơ (Petropavlovsk), Pôn-ta-va (Poltava), Đi-a-na (Diana) và A-xkôn (Askold). Tuy nhiên, Phó đô đốc Đê-oa đã thực sự mắc một lỗi nghiêm trọng. Trong 5 phút đầu tiên của trận đánh, chiếc Mi-ka-sa bị trúng một phát đạn đập nảy.
Đạn nổ tung làm bị thương máy trưởng, viên trung úy cầm cờ và 5 sĩ quan khác. Vì thế, chỉ sau 20 phút tham chiến, Đô đốc Tô-gô đã quyết định đảo ngược chiều của Hạm đội Nhật Bản và nhanh chóng rút ra khỏi vùng nguy hiểm.
Phía hạm đội Nhật bị hư hại các tàu Si-ki-si-ma (Shikishima), I-oa-tê (Iwate), Phu-di (Fuji) và Hát-su-sê (Hatsuse). Trận hải chiến cảng A-thơ ngày 8-2 kết thúc một cách bất phân thắng bại. Người Nga có 150 binh lính thương vong. Con số này bên phía Nhật là khoảng 90. Mặc dù không có tàu nào bị đánh chìm ở cả hai phía nhưng số tàu bị hư hỏng rất nhiều.
Chiến hạm của Nhật Bản khai hỏa trong trận Tsu-si-ma. Ảnh tư liệu
Ngày 14-2-1904, Đô đốc Tô-gô lại tiến đến cảng A-thơ. Sáng ngày 24-2, năm chiếc tàu vận tải cũ của Nhật Bản được đánh đắm để chặn lối vào cảng. Ngày 8-3, Đô đốc Nga Xtê-phan Ma-ka-rốp (Stephan Makarov) đến cảng A-thơ để thay thế Đô đốc Xtác.
Sáng ngày 10- 3, hạm đội Nga nổ súng tấn công các tàu của Nhật Bản đang bao vây xung quanh cảng nhưng không giành được hiệu quả đáng kể. Tối ngày 10-3, quân Nhật cử 4 tàu khu trục tiến sát gần cảng làm mồi nhử. Người Nga đã mắc bẫy, 6 tàu khu trục xông ra đuổi theo.
Ngay lập tức, tàu Nhật Bản thả thủy lôi ở lối vào cảng và chặn đường trở về của các tàu khu trục Nga. Hai trong số các khu trục hạm Nga bị đánh chìm.
Bị vây hãm trong cảng A-thơ, hạm đội Nga đã có ít nhất 2 nỗ lực đột phá vòng vây. Nỗ lực đầu tiên được tiến hành vào ngày 23-6-1904 và lần thứ hai vào ngày 10- 8. Cả hai nỗ lực đều không thành công.
Sau đó, hạm đội Nga không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào nữa để thoát ra khỏi cảng của họ, trong khi hạm đội Nhật Bản chiếm ưu thế trong vùng biển trong suốt thời gian chiến tranh sau đó.
Cùng thời gian xảy ra cuộc hải chiến tại cảng A-thơ, hải quân Nga và Nhật Bản còn đụng độ trong trận Chê-mun-pô (Chemulpo) ngày 9-2-1904 ở ngoài khơi vịnh Chê-mun-pô, Triều Tiên (nay là khu vực Inchone, Hàn Quốc).
Hạm đội của Nhật do Đô đốc U-ri-u Sô-tô-ki-chi (Uryu Sotokichi) chỉ huy, gồm: 2 tuần dương hạm bọc thép, 4 tàu tuần dương có gia cố giáp, 1 thông báo hạm, 8 tàu phóng ngư lôi. Trong khi, chỉ huy hạm đội Nga là Thiếu tướng Vơ-sê-vô-lốp Rút-nhép (Vsevolod Rudnev), với: 1 tàu tuần dương có gia cố giáp, 1 tuần dương hạm.
Sáng sớm ngày 8-2-1904, chiếc pháo hạm Kô-ri-ét (Korietz) của Nga bắt gặp tuần dương hạm Chi-y-ô-đa (Chiyoda) ngoài ngoài khơi Chê-mun-pô. Lầm tưởng là đồng đội, Kô-ri-ét bắn một loạt súng chào.
Đáp lại, chiếc Chi-y-ô-đa phóng ra một quả ngư lôi nhưng không trúng mục tiêu. Chiếc Kô-ri-ét rút lui trở lại cảng Chê-mun-pô. Trận Chê-mun-pô là một chiến thắng quân sự cho phía Nhật Bản. Chiếc soái hạm Va-ri-át (Varyag) của Nga bị hỏng nặng nề. Trong tổng số thủy thủ đoàn 580 người có 33 bị thiệt mạng và 97 người bị thương.
Đại hải chiến Tsu-si-ma
Sau 2 thất bại liên tiếp tại cảng A-thơ và Chê-mun-pô, Sa hoàng ra lệnh cho hạm đội Ban-tích (Baltic) khởi hành đến châu Á để tăng viện cho hạm đội Thái Bình Dương.
Xuất phát ngày 15-10-1904, hạm đội dưới quyền Đô đốc Ghi-nô-vi Pê-chơ-vích Rô-nhét-ven-xki (Zinovy Petrvich Rozhestvensky) vượt qua quãng đường hơn 33.000 km từ biển Ban-tích đến vùng Viễn Đông vào cuối tháng 5-1905.
Ngày 26-5, hạm đội Nga di chuyển qua eo Tsu-si-ma, vùng biển giữa Triều Tiên và miền Nam Nhật Bản và bị tàu trinh sát của Nhật phát hiện. Trước đó, Đô đốc Tô-gô, Tư lệnh hạm đội Nhật, đã dự đoán chính xác hải trình này của phía Nga.
Trong trận đại hải chiến Tsu-si-ma, hạm đội Nga do Đô đốc Ghi-nô-vi Pê-chơ-vích Rô-nhét-ven-xki chỉ huy gồm: 8 thiết giáp hạm, 3 tàu chiến ven biển, 8 tuần dương hạm, 9 tàu khu trục. Hạm đội Nhật Bản do Đô đốc Tô-gô Hê-ha-chi-rô chỉ huy gồm: 4 thiết giáp hạm, 27 tuần dương hạm, 21 tàu khu trục, 37 tàu phóng ngư lôi, pháo hạm và tàu hỗ trợ.
Đêm 26, rạng sáng ngày 27-5-1905, một làn sương mù dày đặc che phủ eo biển Tsu-si-ma đã tạo cho người Nga lợi thế. Tuy nhiên lúc 2 giờ 45 phút, tàu tuần dương trinh sát Si-na-nô Ma-ru (Shinano Maru) của Nhật Bản quan sát thấy ba chiếc đèn định hướng trên con tàu bệnh viện Ô-ri-ôn (Oryol) của Nga.
Sau đó, tàu Si-na-nô Ma-ru tiếp tục phát hiện đội hình gồm 10 chiếc tàu khác của Nga trong sương mù. Hạm đội Nga đã bị phát hiện và cơ hội để lẻn đến Vla-đi-vô-xtốc mà không bị phát hiện đã biến mất.
6 giờ 34 phút sáng 27-5, Đô đốc Tô-gô đánh điện tín nhắn tin cho Bộ trưởng Hải quân Nhật Bản tại Tô-ki-ô (Tokyo): "Tôi vừa nhận được tin rằng, hạm đội đối phương đã bị nhìn thấy. Chúng tôi sẽ thẳng tiến ra biển để tấn công kẻ thù và tiêu diệt chúng".
Sau khi điện tín chuyển đi, toàn bộ hạm đội Nhật Bản tiến ra biển. Đô đốc Tô-gô ở trên chiếc kỳ hạm Mi-ka-sa. Eo biển Tsu-si-ma khi đó đang có sương mù làm giảm tầm nhìn và thời tiết rất xấu. Vì thế, đến khoảng 13 giờ 40 phút, cả hai hạm đội mới nhìn thấy nhau và chuẩn bị để tấn công vào đối phương.
Chiến hạm O-ren (Orel) của Nga bị hư hỏng nặng nề sau đại hải chiến Tsu-si-ma. Ảnh tư liệu
Khi ấy, hạm đội Nga đang di chuyển từ hướng Nam-Tây Nam sang Bắc-Đông Bắc, hạm đội Nhật từ hướng Tây về phía Đông Bắc. Đô đốc Tô-gô ra lệnh cho hạm đội lần lượt chuyển hướng tương tự như hạm đội Nga. Lúc 14 giờ 8 phút, kỳ hạm Mi-ka-sa bị bắn trúng ở khoảng cách 7.000m.
Hạm đội Nhật lập tức áp sát và dội đạn như mưa, gây thiệt hại nặng nề và làm cho hầu hết các thiết giáp hạm Nga bị tê liệt. Một phát đạn bắn trúng trực tiếp vào kho đạn của thiết giáp hạm Bô-rô-đi-nô (Borodino) của Nga khiến nó nổ tung, kéo theo cả thủy thủ đoàn chìm xuống biển.
Đô đốc Rô-nhét-ven-xki bị loại khỏi trận chiến bởi một mảnh đạn trúng hộp sọ. Ngay trong buổi chiều ngày 27-5, hạm đội Nga đã mất tổng cộng 4 thiết giáp hạm.
Ngay trong tối 27-5, Chuẩn Đô đốc Nê-bô-ga-tốp (Nebogatov) tiếp nhận quyền chỉ huy hạm đội Nga. Khoảng 20 giờ, 37 tàu phóng lôi và 21 tàu khu trục Nhật Bản được tung ra để tấn công người Nga. Các tàu khu trục tấn công vào đội tiên phong, trong khi các tàu phóng ngư lôi tấn công vào phía Đông và phía Nam của hạm đội Nga.
Trong suốt 3 giờ liên tiếp, người Nhật tấn công không ngưng nghỉ. Hạm đội Nga bị phân tán thành các nhóm nhỏ và cố gắng phá vây về phía Bắc. Thiết giáp hạm Na-va-rin (Navarin) vấp phải một quả thủy lôi, buộc phải dừng lại và bị 4 quả ngư lôi đánh chìm. Trong số thủy thủ đoàn gồm 622 người chỉ có ba người sống sót được vớt bởi người Nhật.
Tàu Si-soi Vê-li-ki (Sisoy Veliki) bị hư hỏng nặng bởi một quả ngư lôi ở phía đuôi và bị đánh đắm ngày hôm sau. Hai chiếc tuần dương hạm bọc thép-Đô đốc Na-khi-mốp (Nakhimov) và Vla-đi-mia Mô-nô-ma-khơ (Vladimir Monomakh) bị hư hại nặng và đều phải tự đánh đắm vào sáng hôm sau. Các cuộc tấn công đêm đã làm người Nga hoàn toàn bị kiệt sức.
9 giờ 30 phút ngày 28-5, hạm đội của Đô đốc Tô-gô tiến hành bao vây phần còn lại của Chuẩn Đô đốc Nê-bô-ga-tốp ở phía Nam của đảo Tsu-si-ma.
Đến 10 giờ 34 phút, nhận thấy tình hình vô vọng, Chuẩn Đô đốc Nê-bô-ga-tốp ra lệnh cho 6 chiếc tàu cùng đi đầu hàng. Tối ngày 28-5, các tàu Nga đơn lẻ bị truy đuổi đến khi bị tiêu diệt hoặc bị bắt giữ. Chỉ có 3 tàu Nga thoát được đến Vla-đi-vô-xtốc.
Trận đại hải chiến Tsu-si-ma là một tổn thất nặng nề cho nước Nga. Phía Nga bị thiệt mạng 4.380 người, 5.917 người bị bắt, 18 tàu bị đánh chìm (7 thiết giáp hạm), 7 tàu bị bắt giữ. Phía Nhật chỉ 117 người chết, 583 người bị thương và 3 tàu phóng ngư lôi đánh chìm.
Không những thế, trận đánh này đã kết thúc cuộc chiến tranh Nga- Nhật về phía hoàn toàn có lợi cho người Nhật Bản. Đó cũng là một đòn nặng đối với triều đại Rô-ma-nốp (Romanov). Đối với người Nhật, trận đánh này có ảnh hưởng văn hóa và chính trị một cách sâu sắc.
Đây là thất bại đầu tiên của một quyền lực phương Tây (châu Âu) trước một quốc gia thuộc phương Đông (châu Á). Chiến thắng đã làm cho Nhật Bản trở thành 1 trong 6 quốc gia có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
Trận đại hải chiến Tsu-si-ma cũng đánh dấu một chiến thuật mới trong những trận chiến trên biển. Các tuần dương hạm và các tàu loại khác được chia thành từng đoàn, mỗi đoàn được chỉ huy bởi một sĩ quan cao cấp.
Trong trận hải chiến Tsu-si-ma, khi Đô đốc Tô-gô hạ lệnh tiến hành bước ngoặt tuần tự sang cánh trái để giữ nguyên đội hình chiến đấu, tức là kỳ hạm Mi-ka-sa tiếp tục dẫn đầu.
Quay tàu tuần tự nghĩa là mỗi tàu sẽ tiến hành quay bánh lái tiếp theo tàu trước nó, trên thực tế mỗi tàu sẽ lần lượt đổi hướng tại cùng một điểm trên biển. Chiến thuật này có thể gặp nguy hiểm vì đối phương sẽ có cơ hội tập trung hỏa lực bắn vào khu vực có thể phán đoán trước.
Tuy nhiên, khi thực hiện thành công, chiến thuật quay tàu tuần tự khiến toàn bộ hạm đội giữ nguyên được đội hình chiến đấu ban đầu. Chiến thuật này hiệu quả hơn rất nhiều trong việc giữ vững đội hình so với chiến thuật cho các tàu đồng loạt bẻ lái, đổi hướng cùng lúc và quay ngược lại, giống như cách hạm đội Pháp, Tây Ban Nha thường sử dụng.
Chiến thuật bẻ lái đồng thời có thể xoay chuyển hướng vận động nhanh hơn, nhưng sẽ làm rối loạn đội hình chiến đấu, gây ra hỗn loạn khiến cho kế hoạch tác chiến phải thay đổi.