'Bán dịch vụ mang theo cung cách phục vụ đáng khâm phục đúc rút ra từ cả nền văn hóa dân tộc'
Chuyện về trạm xăng Idemitsu Q8 nằm trong Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội của đại gia xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Kosan – đơn vị 100% vốn nước ngoài đầu tiên tham gia thị trường xăng dầu trong nước – đang được dư luận đồ dồn sự quan tâm với cảm giác ngưỡng mộ bao trùm.
Phải nói rằng, những cử chỉ rất văn minh như bán xăng chính xác tới 1% mỗi lít, lau kính miễn phí hay nhân viên lẫn giám đốc cùng cúi gập người chào đón khách là những điều mà những người tiêu dùng Việt Nam, trong một thị trường vốn vẫn được gán với mác ‘độc quyền’, chưa bao giờ được trải nghiệm.
Bên lề buổi công bố kinh tế vĩ mô Quý III của Việt Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chúng tôi cũng đề cập câu chuyện này với các Tiến sỹ kinh tế đã rất quen mặt với công chúng.
Từ khía cạnh người tiêu dùng, họ cũng thể hiện sự vui mừng vì bản thân mình sẽ được hưởng những dịch vụ tốt. Còn từ con mắt chuyên gia, họ tin rằng sự có mặt của người Nhật sẽ buộc những tên tuổi như Petrolimex, PVOil, Saigon Petro…phải thay đổi.
'Ông giám đốc Nhật cầm ô, đứng dưới mưa, cúi người chào khách' - Hình ảnh biểu tượng về sự cạnh tranh đã đến rất gần với Petrolimex, PVOil!
Trao đổi với Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, ông bắt đầu phần trả lời của mình bằng sự hoan nghênh nhiệt thành sự có mặt của người Nhật: “Đối với xăng dầu, tôi hoan nghênh việc Bộ Công thương cho phép có công ty Nhật Bản tham gia vào thị trường. Tuy số lượng, độ phủ trong thị trường của công ty này còn nhỏ nhưng chắc chắn sẽ khuyến khích tính cạnh tranh”
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Và cũng theo vị chuyên gia thì sức ép cạnh tranh này đã đến rất gần, với hình ảnh biểu tượng là vị giám đốc đứng dưới mưa, cầm ô, cúi đầu chào mỗi khi khách hàng tới mua xăng. Những doanh nghiệp trước nay ‘vẫn yên chí độc quyền’ sẽ phải cải thiện chất lượng dịch vụ, vì thế đây là một sự cạnh tranh lành mạnh, theo ông Doanh phân tích.
“Các doanh nghiệp của chúng ta sẽ thay đổi và sự thúc đẩy này theo tôi là lành mạnh, khiến các doanh nghiệp đều phải cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn” – Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận xét.
Người Nhật mang tới những giá trị rất bình thường mà doanh nghiệp Việt không làm được: Đong dầu đúng chất lượng, đủ số lượng...
Ở phần nhận xét sau đó, Viện trưởng VEPR – Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cũng thể hiện sự đồng tính với ý kiến của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh. Ông phân tích rằng việc công ty xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Kosan tới Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và khiến các đại gia xăng dầu trong nước phải thay đổi cả ở yếu tố phi kinh tế và kinh tế.
Theo lời lập luận của Viện trưởng VEPR thì những giá trị mới Idemitsu Q8 mang tới thật ra là ‘rất bình thường’. Điều không bình thường chỉ nằm ở một thị trường xăng dầu ‘nhập nhằng’ của Việt Nam – nơi các doanh nghiệp không làm được những điều cơ bản như người Nhật và cuối cùng người tiêu dùng phải chịu thiệt.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành
“Tôi cũng đồng ý với ý kiến của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh rằng họ sẽ mang lại những giá trị thực ra không phải là mới toanh mà là những giá trị rất bình thường: Ông đong dầu thì phải đong đúng chất lượng, đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng….Giờ đây, có những người có thể làm tốt những điều đó thì chúng ta chào đón thôi, họ sẽ khiến các doanh nghiệp khác cũng sẽ phải xoay theo hành vi của mình” – Tiến sỹ Thành nhận xét sắc sảo.
Ở mặt phi kinh tế, đó là việc dịch vụ bán xăng sẽ được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn với những phong cách, kỷ luật của người Nhật. “Ví dụ như chuyện ông giám đốc cúi đầu chào dưới mưa – những tính chất chỉ mang tính phi kinh tế thôi – nhưng sẽ bổ sung vào danh sách những điều các doanh nghiệp khác phải học hỏi” – Ông Nguyễn Đức Thành nói.
Cuối cùng, nói về phía người tiêu dùng mà Tiến sỹ Thành cũng là một phần trong đó, ông cho rằng việc có thêm nhiều lựa chọn trên một thị trường sẽ luôn là điều có lợi. Người tiêu dùng sẽ có quyền chọn dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mình.