Trước thông tin về một doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh “khủng” lên tới 144.000 tỷ đồng, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng đây chỉ là một hiện tượng của kinh tế thị trường.
Theo TS. Cung, trong kinh doanh vẫn thường có những người có ý tưởng “điên rồ” và chính những ý tưởng này nhiều khi tạo ra sự khác biệt trong thị trường; còn về mặt thực tiễn và pháp luật, cơ quan quản lý cần lưu ý giám sát.
Bởi đây là một trường hợp đặc biệt, bất thường nhưng vẫn hợp pháp. Luật kinh doanh của Việt Nam cho phép trong 90 ngày để các cổ đông góp vốn, nếu sau 90 ngày không góp đủ thì cơ quan quản lý mới tiến hành kiểm tra, ghi lại số vốn thực tế và xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, nhiều khi sự bất thường đó lại tạo ra hình thức kinh doanh, mô hình kinh doanh mới, sản phẩm kinh doanh mới như trường hợp của một số công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới, họ tăng giá trị doanh nghiệp nên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần chỉ trong một thời gian rất ngắn.
"Nếu ở Việt Nam mà có một doanh nghiệp tăng gấp vài trăm lần chỉ sau 1, 2 năm đôi khi người ta lại nghĩ đó là lừa đảo trong khi đây chỉ là một hiện tượng của kinh tế thị trường", TS. Cung cho hay.
Tất nhiên, đó phải là những ý tưởng kinh doanh có thể "điên rồ" nhưng có thực lực, thực tiễn trong hoạt động. Còn trường hợp doanh nghiệp đăng ký với số vốn lớn bất thường nói trên tại Việt Nam báo chí cũng đã nhanh chóng tìm hiểu các thông tin xoay quanh.
Cũng ở khía cạnh pháp lý, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay luật quy định, doanh nghiệp có quyền tự kê khai vốn đăng ký kinh doanh và có 90 ngày để góp đủ vốn.
"Nếu không góp đủ sẽ có chế tài xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp kê khai đúng số vốn thực tế. Còn việc doanh nghiệp sử dụng thông tin này để lừa đảo hay gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức lại là câu chuyện hoàn toàn khác", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện nay, mỗi người đều có ý tưởng kinh doanh và cách thức huy động vốn khác nhau. Có người góp bằng tiền, có người góp bằng nhà, có người góp bằng ý tưởng, bằng công nghệ,… nên không thể nói việc quản lý thực tế hay không thực tế.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, nếu cán bộ quản lý đăng ký kinh doanh lại xem xét và đánh giá doanh nghiệp rằng ý tưởng không khả thi, thương hiệu không được,… thì mới là điều bất hợp lý.
Nên để cho thị trường đánh giá còn Nhà nước sẽ quản lý theo cách rằng, doanh nghiệp này bất thường nên sẽ giám sát chặt hơn.
Và nếu bị phạt hành chính một lần thì sẽ bị đưa vào đối tượng rủi ro và khi thành lập doanh nghiệp, hệ thống ghi nhận tiền sử làm ăn của doanh nghiệp đã từng có tiền sử khai sai, không đúng sự thật, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhìn nhận.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, trên thế giới cũng từng có mô hình doanh nghiệp 1 đồng bởi doanh nghiệp đó cho rằng, vốn không quan trọng, ý tưởng mới là quan trọng. Nên trả vốn đăng ký trở về vị trí của nó, không ai nhìn vốn lớn để đánh giá doanh nghiệp hoạt động tốt, nhiều tập đoàn lớn vốn đăng ký cũng rất khiêm tốn.
Cái để đánh giá một doanh nghiệp là uy tín, kinh nghiệm và điều này do đối tác, khách hàng của doanh nghiệp đó đánh giá chứ Nhà nước không đánh giá bằng con số được, ông Tuấn nhấn mạnh.
Được biết, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa thông tin, trong ngày 17/1/2020, có một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng.
Theo tìm hiểu của BizLIVE, doanh nghiệp này là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) đăng ký ngành nghề chính là Bất động sản có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Tên người đại diện theo pháp luật là Trần Gia Phong, sinh năm 1979.
Công ty này có 3 cổ đông, bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng, cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.