Liên quan tới doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ tới 144.000 tỷ đồng, vào loại lớn nhất Việt Nam, ông Lê Văn Hồi, CEO Công ty Luật My Way cho rằng 99% là vốn ảo.
Con số vốn điều lệ đăng ký này lớn hơn cả tập đoàn Viettel (121.520 tỷ đồng) và vượt rất xa các tập đoàn lớn như Masan (11.689,46 tỷ đồng) hay VinGroup (34.300 tỷ đồng).
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, khi tìm hiểu thông tin về 03 cổ đông sáng lập của USC, tôi cho rằng việc đăng ký số vốn lên đến 6,3 tỷ USD như vậy thì gần như không thể có số vốn thực tế được.
Quá trình hành nghề, cá nhân tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp đăng ký số vốn ảo, việc này khá phổ biến ở Việt Nam và dường như mọi người đều coi đó là điều không có gì lạ. Tuy nhiên, doanh nghiệp đăng ký số vốn ảo như USC thì tôi chưa từng gặp”, Luật sư Hồi nói.
Cận cảnh ngôi nhà được đăng ký làm trụ sở chính trụ sở chính của "siêu doanh nghiệp" tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính được đăng ký là bất động sản.
Luật sư Hồi lý giải, về mặt pháp lý thì khi thành lập doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập không buộc phải chứng minh tài chính, từ đó dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp đăng ký số vốn không đúng thực tế.
Họ cho rằng để số vốn lớn để tăng niềm tin với đối tác, khách hàng. Tuy nhiên việc xác định số vốn thực tế không chỉ dựa vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được mà cần nhận định qua các báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tài sản hiện hữu của doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các cổ đông có thời hạn 90 ngày để góp đủ số vốn đã đăng ký. Khi không góp đủ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ yêu cầu doanh nghiệp góp đủ vốn hoặc điều chỉnh vốn điều lệ về đúng mức vốn thực góp.
Trường hợp doanh nghiệp này, khi không đủ vốn như đã đăng ký, họ sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 28.3 Nghị định 50/2016/NĐ-CP và buộc phải điều chỉnh vốn theo đúng mức vốn thực góp.
Ngõ nhỏ dẫn vào trụ sở công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC.
Trước đó, theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong ngày 17/1/2020, Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC (USC Interco) đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ USD), chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng.
Chia sẻ với báo chí, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay, cán bộ Cục quản lý Kinh doanh đã nhiều lần hỏi đại diện USC Interco về số tiền kê khai vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng có nhầm từ 1,4 tỷ đồng hay không. Người đại diện doanh nghiệp này vẫn khẳng định không nhầm và cam kết sẽ góp đủ vốn trong 90 ngày theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Phương (1 trong 3 cổ đông công ty), gia đình bà chủ yếu trông chờ vào tiền kiếm được từ việc làm đại lý phân phối nước khoáng khu vực Hà Nội cho một công ty có trụ sở ở Thái Bình. Hiện, bà Phương đang nuôi 2 con đi học, nhà đã cầm cố chưa chuộc lại được.
"Ruộng vườn không có lấy đâu ra tiền mà góp vốn kinh doanh. Có ai gọi nước khoáng tôi ship cho họ. Tiền đâu ra mà góp, tiền ăn, nuôi con còn chẳng đủ. Thực sự nhà tôi ăn bữa nọ, chạy bữa kia, nhà còn đang cắm cái đây này. Sang tên cho người ta rồi mà giờ còn chưa có tiền chuộc lại được, làm gì có đồng nào", bà Phương nói.