Ngôi nhà 3 tầng, sơn xanh, nằm trong một con ngõ nhỏ của thôn Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội là trụ sở chính của một doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh lên đến 144.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần Viettel và 4 lần Vingroup.
Với số vốn khổng lồ như vậy, nhưng đăng ký kinh doanh của Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC (USC Interco) lại chỉ có 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, tỷ lệ góp vốn của các cổ đông lần lượt là 30 - 30 - 40%.
Các cổ đông này bao gồm ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979, góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%), bà Kim Thị Phương (thường trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%) và Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ.
Trụ sở của Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC (USC Interco)
3 thành viên trên, ông Phong là người đại diện pháp luật của công ty. Tờ VietTimes cho biết, ông Trần Gia Phong đảm nhiệm cương vị giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của USC Interco.
Không những vậy, ông Phong hiện còn là người đại diện của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng và Phát triển thương mại Xuất nhập khẩu USC (USC IETDACI) có trụ sở tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Công ty này có vốn đăng ký 140 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo lời kể của bà Phương - Kế toán trưởng, cổ đông góp 30% vốn thì người đàn ông này là một người kinh doanh gỗ tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng. Nhà ông Phong nằm trong một con ngõ bé, từ đê đi xuống ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng.
Trong khi đó, cuộc sống của bà Phương cũng không mấy khá giả. Trên tờ Tuổi trẻ, bà Phương cho biết, gia đình chủ yếu trông chờ vào tiền kiếm được từ việc làm đại lý phân phối nước khoáng khu vực Hà Nội cho một công ty có trụ sở ở Thái Bình.
"Ăn bữa nay lo bữa mai, ruộng vườn không có lấy đâu ra tiền mà góp vốn kinh doanh. Có ai gọi nước khoáng tôi ship cho họ. Mọi thu nhập của gia đình đều trông vào việc làm đại lý phân phối, buôn bán nước khoáng từ trường".
Hiện, bà Phương đang nuôi 2 con đi học, nhà cũng đã bị cắm mà chưa chuộc lại được. "Tiền đâu ra mà góp, tiền ăn, nuôi con còn chẳng đủ. Thực sự nhà tôi ăn bữa nọ, chạy bữa kia, nhà còn đang cắm cái đây này. Sang tên cho người ta rồi mà giờ còn chưa có tiền chuộc lại được, làm gì có đồng nào", bà nói trên tờ Zing.vn.
Cuối cùng là thành viên có số vốn góp nhiều nhất, ông Nguyễn Hoàn Sơn. Theo lời bà Phương, ông Sơn là đồng nghiệp của bà Phương, cũng làm đại lý phân phối nước khoáng. Dù góp vốn lên đến 57.600 tỷ đồng nhưng ông Sơn vẫn phải ở nhà thuê trọ trên đường Bưởi, quận Cầu Giấy.
Với những thông tin này nhiều người cho rằng, việc thành lập doanh nghiệp có vốn khổng lồ trên chỉ là một doanh nghiệp có vốn ảo, không hề có "tiền tươi thóc thật" như những doanh nghiệp kinh doanh khác.
Hơn nữa, theo đánh giá của một lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, có khả năng đây là kê khai vốn ảo. Cục Đăng ký kinh doanh đã khoanh vùng, theo dõi chặt chẽ, giám sát quá trình góp vốn theo số vốn đã đăng ký của doanh nghiệp này.
(tổng hợp)