TS. Ngô Tuyết Mai: Nhiều cha mẹ cho con đi học tiếng Anh quá sớm, lãng phí đến 3 năm!

Thanh Hương |

Độ tuổi phù hợp để một trẻ em bắt đầu cần học tiếng Anh là khi nào? Cùng lắng nghe chia sẻ từ TS. Ngô Tuyết Mai - giảng viên tới từ Đại học Flinders, Úc.


Ở Việt Nam hiện nay, kỹ năng tiếng Anh là điều hầu hết các bậc phụ huynh quan tâm, muốn rèn luyện cho con mình. Vậy, học tiếng Anh ở độ tuổi nào là thích hợp nhất? Lựa chọn chương trình học ra sao? Cách học thế nào? ...

Những câu hỏi này sẽ được chúng tôi thảo luận cùng Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai - hiện đang là giảng viên tại Đại học Flinders của Úc.

"Không cần thiết cho con học tiếng Anh quá sớm"

PV: Hiện nay, vấn đề học tiếng Anh của trẻ em là một trong những chủ đề rất được các bậc cha mẹ quan tâm. Có một câu hỏi tôi nghĩ là khá quan trọng, rằng lứa tuổi nào thì trẻ bắt đầu cần học tiếng Anh?

TS. Ngô Tuyết Mai: Tôi rất tâm huyết với vấn đề học ngoại ngữ, đặc biệt là vấn đề học tiếng Anh của trẻ em Việt Nam và đã có một khóa đào tạo các giáo viên Việt Nam các chiến lược dạy tiếng Anh cho trẻ em đạt hiệu quả cao. Quan sát việc học tiếng Anh gần đây của trẻ em tại Việt Nam tôi thấy có một số bất cập.

Thứ nhất là ở Việt Nam, thực sự có một trào lưu cha mẹ đua nhau cho con đi học tiếng Anh từ rất sớm, thậm chí từ khi trẻ còn chưa biết nói tốt tiếng Việt. Điều này đi ngược lại các kết quả nghiên cứu về việc học ngoại ngữ. Đứng ở góc độ ngôn ngữ, trẻ em sẽ học ngoại ngữ tốt nhất khi các em đã nắm vững tiếng mẹ đẻ. Và theo nghiên cứu khoa học, thì trong 8 năm đầu đời, trẻ cần phải được quan tâm và đầu tư thích đáng để có thể thông thạo tiếng mẹ đẻ.

Có 2 hiện tượng khi học song song hai ngôn ngữ, thứ nhất là hiện tượng "song ngữ cộng", tức là trẻ giỏi tiếng mẹ đẻ rồi, trẻ học thêm một ngôn ngữ khác và vẫn duy trì được song song cả 2 ngôn ngữ. Thứ hai là hiện tượng "song ngữ trừ", tức là khi ngôn ngữ mẹ đẻ chưa sõi mà trẻ lại học thêm một ngôn ngữ khác, thì tiếng mẹ đẻ có thể bị mai một đi, và thậm chí bị biến mất.

TS Ngô Tuyết Mai: Nhiều cha mẹ cho con đi học tiếng Anh quá sớm, lãng phí đến 3 năm! - Ảnh 3.

Giảng viên - Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai (Ảnh: NVCC)

Hiện tượng "song ngữ trừ" này có nghĩa là gì? Có nghĩa là nếu bạn cho con học ngoại ngữ sớm quá thì có khả năng con bạn kém tiếng Việt hoặc thậm chí mất tiếng Việt, rơi vào hiện tượng "song ngữ trừ". Điều này không có lợi, cả về góc độ xã hội, góc độ làm cha mẹ và góc độ phát triển hiện tại và tương lai của trẻ.

Từ góc độ làm cha mẹ thì ngôn ngữ, cụ thể là tiếng mẹ đẻ là công cụ hữu hiệu nhất để kết nối cha mẹ và con cái. Nếu bố mẹ người Việt thì dù có giỏi tiếng Anh đến đâu đi chăng nữa mà nói chuyện, giao tiếp, dạy dỗ con bằng tiếng Anh thì sự đón nhận của con cũng sẽ rất thấp và sự kết nối có thể bị hạn chế, đặc biệt khi khả năng tiếng Anh của bố mẹ không bằng con.

Ngoài ra, một số nghiên cứu kinh điển được tiến hành bởi nhiều Giáo sư đầu ngành tại Mỹ, Anh, Úc và ở nhiều Quốc gia châu Á khác đã chỉ ra rằng, nếu so sánh một đứa trẻ đi học tiếng Anh sớm lúc 5 tuổi và một đứa trẻ đi học tiếng Anh muộn hơn lúc 8 tuổi, có cùng giáo viên và cùng điều kiện học tập tiếng Anh tốt như nhau thì đến năm 18 tuổi, kết quả về trình độ tiếng Anh của 2 đứa trẻ là như nhau.

Nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra, một đứa trẻ đi học tiếng Anh lúc 5 tuổi và một đứa trẻ đi học tiếng Anh lúc 8 tuổi, có cùng giáo viên và điều kiện học tập thì đến năm 18 tuổi, kết quả của 2 đứa trẻ là như nhau.

TS. Ngô Tuyết Mai

Vậy nếu chúng ta tin vào kết quả nghiên cứu này thì tại sao bạn lại cần cho con đi học sớm 3 năm để làm gì? Vừa tốn tiền bạc, lại vừa khiến cho con mất đi tuổi thơ. Trong khi đó, 3 năm ấy, bạn có thể dành thời gian cho con vui chơi, vì đối với trẻ em, vui chơi giúp con phát triển rất tốt, chơi là hoạt động chính của thời thơ ấu của trẻ. Vui chơi đúng cách là một hoạt động học hành nghiêm túc, mà tiếng Anh người ta gọi là "play is serious learning".

Ngoài ra, không phải giáo viên tiếng Anh nào cũng có đủ năng lực sư phạm để có thể dạy trẻ em tiếng Anh hiệu quả vì dạy tiếng Anh cho trẻ càng nhỏ (dưới 8 tuổi), giáo viên cần có kỹ năng sư phạm đặc biệt.

Theo tôi, phụ huynh không nên sốt ruột và cho con đi học tiếng Anh quá sớm, mà nên đầu tư tiếng mẹ đẻ của con, cụ thể là tiếng Việt cho con thật tốt.

Trong các điều kiện đặc biệt, con bạn bắt buộc cần học tiếng Anh để đi định cư ở nước khác chẳng hạn, thì bạn cần chọn giáo viên thật cẩn thận cho con, và vẫn phải đảm bảo duy trì việc con nói tiếng mẹ đẻ khi sống định cư ở nước ngoài, vì tiếng mẹ đẻ đã tốt rồi thì trẻ học tiếng Anh sẽ nhanh và hiệu quả hơn.

TS Ngô Tuyết Mai: Nhiều cha mẹ cho con đi học tiếng Anh quá sớm, lãng phí đến 3 năm! - Ảnh 5.

Bố mẹ nên đảm bảo con nói tiếng Việt tốt rồi hãy cho học tiếng Anh. (Nguồn ảnh: Báo Lao động)

Với trường hợp của con trai tôi, dù sống ở Úc nhiều năm với bố mẹ nhưng tiếng Việt của cháu vẫn tốt, và từ khi cháu bắt đầu học tiếng Anh ở độ tuổi lên 8 và cả khi sống định cư ở Úc, cả tôi và chồng tôi đều nỗ lực để giúp cháu vẫn duy trì tiếng Việt ở nhà và mỗi khi giao tiếp với mọi người thân trong gia đình. Và khi giao tiếp bằng tiếng Việt, cháu không chêm bất kỳ từ tiếng Anh nào vào. Không ai nghĩ cháu đã sống ở nước ngoài liên tục nhiều năm khi giao tiếp với cháu bằng tiếng Việt, mặc dù cháu đã học và làm việc trong môi trường tiếng Anh trong gần 12 năm qua.

PV: Vậy theo chị, nhìn chung trẻ em Việt Nam hiện nay đang nói tiếng Anh ở trình độ nào so với khu vực và thế giới?

TS. Ngô Tuyết Mai: Để trả lời chính xác câu hỏi này cần phải tiến hành nghiên cứu trên diện rộng để có số liệu chính xác. Trình độ của trẻ em Việt Nam thì tôi chưa có được số liệu cụ thể. Nhưng theo số liệu thống kê cập nhật đến năm 2021 của Education First, một tổ chức giáo dục Quốc tế chuyên về đào tạo ngôn ngữ và đo chỉ số trình độ tiếng Anh (English Proficiency Index - EPI) hàng năm của tất cả các quốc gia trên thế giới, dựa trên kết quả bài thi chuẩn tiếng Anh của Education First, trên thang năm bậc (từ rất thấp đến rất cao) thì trình độ tiếng Anh trung bình của người Việt Nam là thấp (đo trên các đối tượng là người lớn).

Chỉ số trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện đang đứng ở thứ bậc 66 trên tổng số 112 quốc gia, còn ở châu Á thì đứng ở thứ bậc 12 trên tổng số 24 quốc gia, tức là một thứ hạng khá là khiêm tốn, và có dấu hiệu giảm sút so với bảng xếp hạng trước đó. Cụ thể trước đó, trình độ tiếng Anh của người Việt cao hơn một chút - được xếp hạng ở mức độ trung bình trong giai đoạn 2013 - 2018.

TS Ngô Tuyết Mai: Nhiều cha mẹ cho con đi học tiếng Anh quá sớm, lãng phí đến 3 năm! - Ảnh 6.

Kết quả đo trình độ tiếng Anh của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới của Education First.

Trước đó, thứ hạng này của người Việt tốt hơn, nhưng đã có dấu hiệu giảm sút từ năm 2019 (giai đoạn Covid) đến nay và tôi nghĩ đây cũng là một thực tế giúp chúng ta nhìn nhận lại vấn đề cũng như cần phải quan tâm hơn đến việc dạy và học tiếng Anh cho các đối tượng nói chung và trẻ nhỏ nói riêng nhằm cải thiện tình trạng này.

Làm sao để con học giỏi tiếng Anh?

PV: Theo chị, những điều cần thiết để trẻ em Việt Nam học giỏi tiếng Anh là gì?

TS. Ngô Tuyết Mai: Không chỉ có tiếng Anh đâu, mà là với tất cả các môn, để một đứa trẻ có thể học giỏi thì cần có nhiều yếu tố và sự tham gia của cả thầy cô, nhà trường, bố mẹ, xã hội. Như tôi nói ở trên, chúng ta không cần cho con đi học tiếng Anh quá sớm, đến 8 tuổi hãy cho con đi học để trẻ có vốn tiếng Việt thực sự tốt.

Còn yếu tố tiên quyết để giúp trẻ em học tiếng Anh, theo tôi, chính là ĐỘNG LỰC. Nó sẽ là thứ giúp cho người học bắt đầu. Tại sao bạn lại học tiếng Anh mà không phải là tiếng Trung, tiếng Hàn? Bạn học tiếng Anh để làm gì? Để trở thành công dân toàn cầu? Để sống và làm việc trong môi trường nói tiếng Anh? Để đi du học? Để thi chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế? Hay để đạt điểm cao trên lớp? Hay học tiếng Anh vì bố mẹ bắt học? Hay chỉ đơn thuần để bằng con nhà người ta? Khi bạn trả lời được các câu hỏi tại sao ấy thì bạn sẽ biết được động lực học tiếng Anh thực sự của con mình, và giúp con có động lực học tốt.

Tuy nhiên, động lực mới chỉ là cái bắt đầu, muốn học giỏi tiếng Anh, còn cần phải có một cái thứ hai, chính là sự NỖ LỰC. Có thể áp dụng nguyên tắc 10.000 giờ cho tất cả mọi thứ, chứ không chỉ là việc học tiếng Anh. Bạn cần bỏ công sức và một khoảng thời gian nhất định để học tập và thực hành nó. Tất nhiên là nỗ lực phải đúng cách, với sự giúp đỡ và cách tiếp cận phù hợp của thầy/cô, với sự động viên của cha mẹ thì con mới có thể đạt được kết quả tốt thực sự.

TS Ngô Tuyết Mai: Nhiều cha mẹ cho con đi học tiếng Anh quá sớm, lãng phí đến 3 năm! - Ảnh 8.

PV: Hẳn là chị có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Anh cho chính con trai mình. Chị có thể chia sẻ?

TS. Ngô Tuyết Mai: Thứ nhất, là người làm nghiên cứu giáo dục, tôi tin và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học nên cũng không sốt sắng cho con học tiếng Anh sớm mà thay vào đó, tôi dành nhiều thời gian cho con học tiếng Việt thật tốt và chỉ bắt đầu cho cháu học tiếng Anh khi cháu lên 8 tuổi.

Ngoài ra, tôi cho con kết hợp giữa việc học để biết một ngôn ngữ và học để sử dụng một ngôn ngữ. Ở Việt Nam, chúng ta làm tốt khía cạnh đầu tiên, nhưng nó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Kinh nghiệm của tôi là phải tập trung cả 2 mảng, tức là coi ngôn ngữ là kiến thức: Kiến thức từ vựng, ngữ pháp, phát âm, và coi ngôn ngữ là năng lực: Nghe, nói, đọc, viết.

Tiếp theo, tôi luôn tìm mọi cách để con "học mà chơi, chơi mà học", học tiếng Anh qua các trò chơi để tạo cảm hứng học tiếng Anh và yêu tiếng Anh cho con, chứ không nặng nề với việc làm bài kiểm tra hay đi thi các chứng chỉ...

Cuối cùng, tôi dành nhiều thời gian dạy cho cháu. Tôi cũng mở những lớp học nhỏ để cháu có cơ hội học cùng với bạn bè khác, thay vì dạy kèm 1:1. Trong việc học ngoại ngữ, môi trường lớp học có sự tương tác sẽ nâng cao hiệu quả của việc học. Chính vì có những nền tảng như vậy nên tiếng Anh của cháu rất tốt, mặc dù tôi không cho con luyện trực tiếp IELTS nhiều nhưng khi cháu mới 16 tuổi thi IELTS lần đầu tiên đã được 7,5 điểm.

TS Ngô Tuyết Mai: Nhiều cha mẹ cho con đi học tiếng Anh quá sớm, lãng phí đến 3 năm! - Ảnh 9.

TS Ngô Tuyết Mai cùng con trai, ảnh chụp tại Úc năm 2018. (Ảnh: NVCC)

PV: Vậy cha mẹ có nên cho con đi học tiếng Anh ở các trung tâm không, thưa chị?

TS. Ngô Tuyết Mai: Nên chứ, nhưng tất nhiên cha mẹ hãy cẩn thận chọn lựa các trung tâm có chất lượng tốt cho con theo học. Hãy nói không với các trung tâm chất lượng kém để trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam ngày càng được cải thiện và sự đầu tư của gia đình không bị lãng phí. Và chất lượng giảng dạy của các trung tâm tiếng Anh thì phụ thuộc nhiều vào chất lượng và trình độ của giáo viên.

Tuy nhiên, như tôi đã từng nói trong buổi trò chuyện lần trước, trẻ em có 4 nhóm sức khỏe cần được chăm sóc, bao gồm sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc, sức khỏe xã hội, sức khỏe trí tuệ. Do đó, các bậc phụ huynh nên bảo đảm cho con mình có được sự phát triển toàn diện, chứ không nên quá sốt ruột chuyện học tiếng Anh và không nên coi đó là môn học chính duy nhất cần đầu tư đặc biệt trong khi lơ là các môn học khác quan trọng không kém.

Quan điểm của tôi là chơi cũng quan trọng và tất cả các môn học đều quan trọng như nhau. Bạn hãy cho con đi đá bóng, đi đạp xe ở công viên, đi chạy bộ, khi con đi học về hãy hỏi xem con hôm nay có vui không, có làm quen thêm được bạn nào mới không thay vì đặt nặng vào điểm số ở trường, dành thời gian để tâm sự và tìm hiểu tâm tư của con, xem con có gặp khó khăn gì ở trường không, có được ai giúp đỡ hoặc con có giúp đỡ được ai đó không. Theo tôi, nếu làm được như vậy thì trẻ sẽ phát triển toàn diện và có thể trở thành những đứa trẻ độc lập, có tinh thần hợp tác, có sự tin tưởng, tự trọng, tự tin và tử tế, vì bên cạnh năng lực tiếng Anh, tất cả những điều đó chính là các nền tảng giá trị quan trọng cần có của bất kỳ một công dân thế kỷ 21 nào.

PV: Xin cảm ơn chị rất nhiều.


[EDIT] photo-1

Sau khi miệt mài cống hiến trong nhiều năm, giảng viên Ngô Tuyết Mai đã được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng khoa Đại cương (nay là khoa Tiếng Anh chuyên ngành) của Trường ĐH Hà Nội vào năm 2005.

Trong 5 năm làm trưởng khoa, vì muốn nâng cao các kỹ năng về quản lý nên năm 2010, chị Tuyết Mai tiếp tục sang Úc để học tiến sỹ chuyên ngành Quản trị Đại học trong 4 năm. Khi trở về, chị được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Trường ĐH Hà Nội và tiếp tục cống hiến nhiều năm cho trường ĐH Hà Nội.

Sau đó 2 năm, TS Ngô Tuyết Mai đã quay trở lại Úc làm nghiên cứu sau tiến sĩ và được mời làm giảng viên cao cấp tại ĐH Flinders ở thành phố Adelaide. Hiện tại, chị đang là giảng viên cao cấp tại Khoa Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn của ĐH Flinders.

Chị Tuyết Mai đã được nhận giải thưởng Giảng viên xuất sắc của ĐH Flinders năm 2021. Chị cũng là đồng sáng lập viên của Công ty đào tạo Smart Learn Solutions của Úc cung cấp các giải pháp học tập thông minh cho các giáo viên và phụ huynh Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại