Tờ The Times (Anh) ngày 16/7 tiết lộ, Ngoại trưởng Anh Liz Truss - một trong những ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng Anh - có thể đề nghị một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ tương tự như "Kế hoạch Rwanda" để gửi người tị nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiết lộ này của truyền thông đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đó vài giờ. Ngày 16/7 (theo giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgiç đã trả lời bằng văn bản rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trở thành trại tị nạn cho bất kỳ quốc gia nào và sẽ không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế với nước thứ ba trong bất kỳ trường hợp nào.
Ông Bilgiç cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng những thông tin này về bà Liz Truss được truyền thông tiết lộ là vô căn cứ. Trong 8 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi tiếp nhận số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể gánh thêm gánh nặng, hoặc theo yêu cầu của nước thứ ba, tham gia vào một sáng kiến không tuân thủ các quy định quốc tế về quyền tị nạn."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ "đề nghị tất cả các nước thực hiện nghĩa vụ quốc tế và chịu trách nhiệm bình đẳng về vấn đề nhập cư".
Tờ Financial Times (Anh) đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có dân số 85 triệu người - đã có số dân tị nạn lớn nhất hành tinh, lên tới 3,7 triệu người. Số lượng người tị nạn khổng lồ đã làm dấy lên sự bất mãn bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh chụp màn hình văn bản của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
"Kế hoạch Rwanda"
Ngày 14/4, Anh và Rwanda đã ký một thỏa thuận để thực hiện kế hoạch trục xuất những người di cư bất hợp pháp khỏi Anh và đưa tới Rwanda trong năm nay. Phía Anh đã thanh toán trước 120 triệu bảng Anh cho phía Rwanda, coi như chi phí "hợp tác" ban đầu, và sẽ thanh toán thêm dựa trên số người được đưa tới Rwanda.
Theo một bài báo trước đó của tờ Daily Mail (Anh), chi phí trục xuất và bố trí chỗ ở cho mỗi người nhập cảnh trái phép là từ 20.000 đến 30.000 bảng Anh.
Động thái này của Anh đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng đối lập trong nước, các tổ chức nhân quyền, Liên hợp quốc và Tòa án Nhân quyền châu Âu. Chuyến bay dự kiến khởi hành vào ngày 14/6 của chính phủ Anh chở những người di cư bất hợp pháp tới Rwanda đã bị hoãn do sự can thiệp tạm thời của Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Bất chấp sự phản đối, chính phủ Rwanda ngày 14/6 cho biết, nước này vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận với Anh và "sẽ không bị nhụt chí trước sự thất bại của chuyến bay đầu tiên".
Người phát ngôn chính phủ Rwanda Yolande Makolo cho biết: "Rwanda sẵn sàng tiếp nhận người di cư khi họ đến và đảm bảo cho họ sự an toàn và cơ hội ở đất nước của chúng tôi."
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, không lâu sau khi thông tin đưa người tị nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ được truyền thông tiết lộ, ban vận động tranh cử của bà Liz Truss đã phủ nhận việc bà Truss có kế hoạch chuyển những người tị nạn không được chào đón đến các nước như Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ban vận động tranh cử cũng thừa nhận rằng, bà Truss từng trình bày ý tưởng này với nghị sĩ Đảng Bảo thủ Christopher Chope.
Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Ngoại trưởng Anh cho biết: "Bà Truss ủng hộ thỏa thuận với Rwanda của Anh và ủng hộ việc mở rộng thỏa thuận sang các nước khác".
Trong năm 2022, hơn 14.000 người tị nạn đã vượt qua eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ để cố gắng nhập cảnh trái phép vào Anh. Ảnh: ifeng.com
Theo trang "Người quan sát" của Trung Quốc, nước Anh đang trải qua một cuộc "khủng hoảng người tị nạn". Trong năm nay, hơn 14.000 người tị nạn đã vượt qua eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ để cố gắng nhập cảnh trái phép vào Anh, điều này đã làm gia tăng áp lực chính trị đối với chính phủ Anh về vấn đề người tị nạn. Hiện tại, mặc dù chính phủ Rwanda đã đồng ý tiếp nhận người tị nạn, nhưng do các áp lực chính trị khác, chưa có người tị nạn nào được đưa đến Rwanda.
Hiện tại, nước Anh đang bầu lại Thủ tướng, và vấn đề người tị nạn cũng trở thành một vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử. Bất chấp những chỉ trích rộng rãi từ các tổ chức từ thiện, các nhóm nhân quyền và các giám mục Anh... tất cả các ứng cử viên của Đảng Bảo thủ đã cam kết tiếp tục ủng hộ thỏa thuận về người tị nạn giữa Anh và Rwanda.