Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc được coi là những “thảm họa tự nhiên” đe dọa phương Tây, mà dẫn đầu là Mỹ - tờ Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Ấn phẩm so sánh áp lực mà chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ mang lại cho phương Tây như "sóng thần", Trung Quốc với "sự nóng lên toàn cầu", còn Nga là "một cơn bão".
Theo nhận định của tác giả, Matxcơva hiện giờ đang là trung tâm lực hút nhờ các mối quan hệ chiến lược mới giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Nga ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. (Ảnh: Sputnik)
Giới lãnh đạo Nga đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới Jordan, Lebanon, Morocco, Syria và Tunisia, bằng cách đặt các trung tâm văn hóa của họ tại các quốc gia này. Không những thế, các đồng minh lâu năm của Washington như Israel, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Đức và Pháp cũng đang ngày càng xích lại gần hơn với Matxcơva.
Cụ thể, ấn phẩm Thổ Nhĩ Kỳ so sánh quy mô lan rộng ảnh hưởng của Nga ở các khu vực khác như một cơn bão.
Tác giả cũng tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được thế giới coi là một trong những “cực thống trị của hệ thống toàn cầu đang được định hình lại”, đồng thời đóng vai trò là “cốt thép” tại các khu vực Hồi giáo ở Bắc Phi, Trung Đông, Balkan, Kavkaz, Trung và Nam Á.
Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện đang là “cơn ác mộng thực sự” đối với Mỹ. Bắc Kinh, theo tác giả, là nguyên nhân gây ra “sự thay đổi khí hậu” trong địa chính trị toàn cầu. Ấn phẩm lưu ý rằng, nước Mỹ lần đầu tiên phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh ngang bằng với mình về kinh tế, và việc xích lại gần với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là giải pháp chiến lược đúng đắn đối với Mỹ. Tuy nhiên điều này, theo tác giả, đã trở thành không thể.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài từ tháng 7/2018. Khi đó, Washington đưa ra mức thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị 34 tỷ USD mỗi năm. Về phần mình, Bắc Kinh cũng áp dụng các biện pháp trả đũa. Các bên mới đạt được sự nhất trí chung về thỏa thuận thương mại vào ngày 15/10/2019.
Trong bối cảnh cuộc xung đột này, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại cho rằng, nền kinh tế Mỹ là kém hiệu quả hơn so với nền kinh tế Trung Quốc.