Truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin từ Washington đăng tải, vụ thử tên lửa Burevestnik vừa diễn ra đã khẳng định Nga cơ bản thành công với dòng siêu vũ khí mới. Burevestnik với động cơ hạt nhân có tầm hoạt động không giới hạn ở phạm vi toàn cầu.
Theo tờ The Diplomat, vụ thử tên lửa Burevestnik được thực hiện tại bãi thử Kapustin Yar, vùng Astrakhan. Công việc thử nghiệm hiện vẫn đang diễn ra. Tổng cộng, Nga đã tiến hành 3 vụ phóng nguyên mẫu tên lửa Burevestnik và 1 lần được xác định là thành công.
Về tên lửa Burevestnik, hồi tháng 7-2018, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn clip về quá trình thử nghiệm siêu vũ khí mới. Trong đoạn clip được đăng tải trên trang chia sẻ Youtube đã xác thực việc Burevestnik được trang bị động cơ hạt nhân và một phần quy trình các kỹ sư chuẩn bị lắp ráp đạn tên lửa.
"Được phác thảo ý tưởng và thiết kế từ lâu, nhưng vụ thử đầu tiên của tên lửa Burevestnik mới được thực hiện vào tháng 6-2016. Trong lần thử nghiệm mới nhất, động cơ hạt nhân của tên lửa hoạt động ổn định và đảm bảo công suất như thiết kế", tờ báo Mỹ FAN đăng tải.
Theo nguồn tin từ phía Nga, dù được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong Thông điệp Liên bang năm 2018, nhưng thực tế, quá trình thử nghiệm Burevestnik đã diễn ra trước đó.
Trong lần thử diễn ra cuối năm 2017, nguyên mẫu tên lửa Burevestnik trang bị động cơ hạt nhân đã lần đầu tiên bay khỏi mặt đất. Sự ra mắt của Burevestnik tạo ra định danh vũ khí hoàn toàn mới là tên lửa chiến lược được trang bị động cơ hạt nhân với tầm bắn không giới hạn, cũng như nhiều tính năng chưa từng có tiền lệ khác.
"Về cơ bản, tên lửa mới có cấu tạo tương tự như tên lửa X-101 hiện có của Quân đội Nga, nhưng uy lực của nó gấp hàng chục lần so với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ với tầm bắn không giới hạn", Tổng thống Nga nhận xét về tên lửa Burevestnik.
Điểm đặc biệt của Burevestnik nằm ở việc nó thuộc lớp tên lửa hành trình có trần bay thấp và quỹ đạo bay thay đổi trong các pha phóng. Chính vì thế, siêu vũ khí mới của Nga có thể dễ dàng né tránh các trận địa phòng thủ tên lửa và gần như không thể bị bắn hạ.
"Tên lửa hoàn toàn có thể né tránh các ô phòng thủ tên lửa đối phương đã triển khai nhờ tầm bay không giới hạn và thời gian hoạt động gần như vô hạn. Bạn có thể hiểu đơn giản đó là vũ khí chưa từng tồn tại trên thế giới. Nó có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào chúng tôi cần", ông V. Putin nói.
Ngay sau khi được giới thiệu, Mỹ và phương Tây đã đặt định danh NATO cho tên lửa Burevestnik là SSC-X-9 Skyfall. Chính việc Nga giới thiệu các loại siêu vũ khí mới như Burevestnik đã khiến Mỹ nhanh chóng quyết định rút khỏi Hiệp ước về Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF).
"Với những gì Nga đã giới thiệu, người Mỹ nhận ra rằng, trong vòng 5-10 năm tới, Washington sẽ không thể có loại vũ khí tương đương", cựu lãnh đạo Lực lượng phòng không hợp nhất khối SNG, Aytel Bidev nhận định.
Theo Defense News, vì sự xuất hiện của các loại vũ khí mới như Burevestnik, Mỹ đang phải xem lại chiến lược phòng không và phòng thủ tên lửa với mục tiêu đối phó tốt nhất với các mối nguy cơ đến từ Nga và Trung Quốc.
Đây cũng là lý do khiến việc phát triển vũ khí phòng không là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm góc trong năm 2019 với chiến lược cập nhật chiến lược phòng thủ tên lửa mới.
Theo đánh giá của Trung tướng James Dickinson, Tư lệnh lực lượng Không gian và Không quân Mỹ, mối nguy cơ Mỹ phải đối diện hiện nay khác xa với năm 2015. Chính vì thế, lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa Mỹ cần thay đổi để thích ứng với ưu tiên phát triển và nâng cấp các hệ thống tích hợp, đa tầng, đa lớp.